Khẩu trang thời dịch bệnh

27/03/2020 - 04:58

 - Khi dịch bệnh Covid-19 hoành hành, nhiều quốc gia khắp thế giới phải “lao đao” trong cuộc chiến với cơn đại dịch toàn cầu; không một quốc gia nào có thể miễn nhiễm và chiếc khẩu trang bỗng dưng trở thành “cứu cánh” cho tất cả mọi người. Bởi thế, xung quanh nó tồn tại rất nhiều câu chuyện đủ cả những mảng màu sáng - tối.

Từ món hàng thiết yếu

Dịch bệnh Covid-19 bùng phát mạnh mẽ và lây lan với tốc độ chóng mặt trên khắp thế giới. Khi xác định đại dịch này lây lan qua đường tiếp xúc gần thì việc đeo khẩu trang trở nên cần thiết hơn bao giờ hết. Do nhu cầu xã hội về mặt hàng này tăng lên đột biến nên mức giá vì thế cũng “phi mã” theo.

Người viết từng chứng kiến cảnh người dân đổ xô đi mua khẩu trang với mức giá khá cao mà phải tranh nhau mới có. Đến lúc các nhà thuốc không còn hàng để bán hoặc không nỡ bán thì giá khẩu trang ở một số nơi đã đạt mức vài trăm ngàn đồng/hộp, tức tăng lên 5-7 lần so với bình thường.

Một người bạn ở TP. Hồ Chí Minh gửi mua dùm 10 hộp khẩu trang y tế và sẵn sàng trả mức giá 250.000 đồng/hộp nhưng người viết tìm mãi cũng không mấy nơi còn bán. Nếu có thì mức giá cũng khá “chát” nên không mua nổi. Chuyện sẽ không là chủ đề bức xúc của xã hội nếu không có một bộ phận người đầu cơ mặt hàng này để kiếm lời. Việc găm hàng, ém hàng để bán giá cao dù bị lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý thường xuyên nhưng đâu đó vẫn còn tái diễn.

Chuẩn bị khẩu trang phát cho người dân lao động tại thị trấn Tịnh Biên

Người dân cứ nghĩ chỉ cần đeo khẩu trang y tế vào sẽ “bình yên vô sự” nhưng lại quên khuyến cáo của Bộ Y tế là cần phải rửa tay thường xuyên với nước sát khuẩn có chứa trên 60% độ cồn hoặc xà bông.

Ngoài ra, còn các biện pháp vệ sinh nhà cửa, nơi làm việc, rèn luyện sức khỏe để chống dịch bệnh lại chưa được quan tâm đúng mức. Tất nhiên, việc đeo khẩu trang y tế sẽ giúp chúng ta phòng tránh tốt dịch bệnh, nhưng đó không phải là tất cả.

Mọi người cần kết hợp nhiều biện pháp mới có thể phòng tránh dịch bệnh Covid-19 hiệu quả. Rồi đến chuyện sử dụng khẩu trang y tế xong lại vứt bừa bãi, làm tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng. Đó là hành vi đáng lên án bởi sự thiếu ý thức của một bộ phận người dân.

Khi cơn sốt khẩu trang y tế tạm “hạ nhiệt” thì giá của mặt hàng này vẫn còn rất “nóng”. Bức xúc hơn, đã có hiện tượng xuất lậu hàng chục ngàn khẩu trang y tế sang Campuchia bị ngành chức năng của tỉnh chặn đứng. Rõ ràng, những người buôn lậu mặt hàng này đã ngoảnh mặt với cộng đồng trong cơn đại dịch, vì những lợi ích cá nhân.

Đến sự ấm áp của tình người

Bên cạnh hành động gây bức xúc trong dư luận thì vẫn có những câu chuyện đẹp trong thời chống dịch bệnh Covid-19 liên quan đến chiếc khẩu trang. Việc ngành chức năng và đoàn viên, thanh niên phát khẩu trang vải miễn phí cho cộng đồng, với mục đích nâng cao ý thức phòng dịch trong nhân dân là tiêu biểu cho mục đích “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”. Dù chỉ là 1-2 chiếc khẩu trang cũng giúp người nhận cảm thấy sự quan tâm của cộng đồng đối với mình. Đó là hình ảnh đẹp đọng lại trong lòng mỗi người về sự đoàn kết, sẵn sàng chia sẻ nhau của dân tộc Việt Nam để cùng phòng, chống dịch bệnh hiệu quả nhất.

Số khẩu trang xuất lậu bị ngành chức năng của tỉnh chặn đứng

Những ngày này, chị Đặng Như Tuyết (Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam thị trấn Tịnh Biên, Tịnh Biên) đang tất bật cùng chị em may khẩu trang vải tặng người lao động nghèo địa phương. Đây không còn là chuyện mới mẻ vì đã lan tỏa khắp nơi trong tỉnh, trong nước.

Tuy nhiên, mục tiêu mà chị Tuyết và những người cùng tâm nguyện hướng đến chính là đối tượng lao động nghèo ở khu vực biên giới. Chị Tuyết chia sẻ rằng, với diễn biến của dịch bệnh Covid-19 như hiện nay, người có điều kiện sẽ ở nhà và thực hiện đủ các biện pháp phòng tránh an toàn. Tuy nhiên, người dân lao động nghèo lại không thể không mưu sinh và những chiếc khẩu trang đã trở thành món quà quý đối với họ. Bởi thế, chị Tuyết và những chị em có chung tâm nguyện đều cảm thấy rất vui vì những việc mình làm.

Theo chị Như Tuyết, với mỗi mét vải thì các chị em trong nhóm cắt may được chừng 20 chiếc khẩu trang và có thể tặng cho 3-4 gia đình lao động tại địa phương. Dù mỗi chiếc khẩu trang chỉ có giá 5.000-7000 đồng, nhưng đó cũng là bài toán khó cho những lao động nghèo. Vì thế, họ rất vui khi nhận được món quà nhỏ nhưng mang ý nghĩa lớn. Tất nhiên, chị Như Tuyết không thể làm việc ý nghĩa này một mình, đó còn là sự ủng hộ của các tiểu thương chợ Tịnh Biên, chị em thợ may và người dân ở thị trấn biên giới này. Họ đã chung tay, góp sức cùng cả nước quyết tâm đẩy lùi đại dịch toàn cầu.

Với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, toàn dân phải đeo khẩu trang nơi công cộng, nơi tập trung đông người bắt đầu từ ngày 16-3 để phòng dịch bệnh Covid-19 hiệu quả hơn. Vì thế, những câu chuyện đẹp, ấm áp tình người sẽ còn tiếp diễn trong những ngày tới. Đó là động lực để chúng ta cùng nhau hướng tới mục tiêu đẩy lùi đại dịch toàn cầu và phía sau chiếc khẩu trang sẽ luôn là những nụ cười ấm áp tình người.

THANH TIẾN