Khơi thông dòng chảy cho hạt gạo Việt

06/07/2022 - 08:10

Trung bình, Việt Nam xuất khẩu khoảng 6-6,5 triệu tấn gạo/năm, trong đó, vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) chiếm hơn 50% sản lượng và hơn 90% lượng gạo xuất khẩu của cả nước.

Đến nay, gạo Việt đã có mặt tại 150 quốc gia và vùng lãnh thổ. Dù chiếm lĩnh được phần lớn các thị trường, song tính cạnh tranh của thương hiệu gạo Việt vẫn chưa cao và việc chen chân vào thị trường cao cấp để bán với giá tốt hơn cũng chưa được thuận lợi. Làm thế nào để “khơi thông dòng chảy” hạt gạo Việt là điều mà các doanh nghiệp, ngành nông nghiệp cần quan tâm để hạt gạo khẳng định vị thế và cạnh tranh sòng phẳng trên thị trường thế giới.

Thị trường ngày càng “khó tính”

Theo Bộ Công Thương, xuất khẩu gạo trong tháng 6-2022 tăng gần gấp đôi so với mức bình quân của 5 tháng đầu năm. Từ đầu tháng 6-2022 đến nay, giá gạo xuất khẩu chất lượng cao có xu hướng tăng, từ 10-15USD/tấn so với tháng 5. Đối với các loại gạo thường của Việt Nam (IR504, OM5451, Đài thơm 8...) đang có giá tốt nhờ nhiều nước tăng lượng mua.

Dù đạt kết quả khả quan, song khi phân tích thị trường, phần lớn các doanh nghiệp và chuyên gia lúa gạo đều cho rằng, gạo Việt rất nhọc nhằn để tìm vị thế. Lý giải điều này, theo ông Đỗ Hà Nam, Phó chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam, mặc dù chất lượng hạt gạo thấp nhưng hiện giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đang chào bán với mức giá cao hơn nhiều với các loại gạo cùng loại của Thái Lan, Ấn Độ, Pakistan.

Cụ thể, gạo 5% tấm của Thái Lan thấp hơn gạo Việt Nam 42USD/tấn, gạo Ấn Độ cùng loại thấp hơn gạo Việt Nam 72USD/tấn, gạo Pakistan thấp hơn gạo Việt Nam 67USD/tấn... Đây là một bất lợi trong quá trình đàm phán hợp đồng xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam để có thể cạnh tranh với các nước xuất khẩu gạo truyền thống khác, nhất là nước trong khu vực ASEAN như Thái Lan.

Dây chuyền sản xuất gạo tại công ty sản xuất lúa gạo ở quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ. 

Ở một góc nhìn khác, theo bà Trần Lê Dung, Bí thư thứ nhất phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Malaysia, việc xuất khẩu gạo là một “điểm nghẽn” khiến thị phần gạo Việt giảm và khó cạnh tranh với các nước. Bà Dung cho biết: “Hằng năm, Malaysia phải nhập khẩu từ 900.000 tới 1 triệu tấn gạo để đáp ứng nhu cầu trong nước và dự trữ. Nước này nhập khẩu gạo trắng dài, loại gạo được trồng phổ biến tại Việt Nam, thế nhưng, xuất khẩu gạo vào thị trường nước này phải ký hợp đồng với Tập đoàn Padiberasnasional Berhad. Tuy nhiên, đạt thỏa thuận không hề đơn giản. Minh chứng độ khó là tỷ lệ nhập khẩu gạo từ Việt Nam vào thị trường Malaysia giảm mạnh qua các năm. Cụ thể, từ 44% kim ngạch nhập khẩu gạo của Malaysia (năm 2019) xuống còn 41,2% (năm 2020) và 23,2% (năm 2021). Tính đến hết quý I-2022, lượng gạo xuất khẩu từ Việt Nam vào thị trường Malaysia chưa thể phục hồi mạnh”.

Công nhân vận chuyển gạo tại Nhà máy chế biến và xuất khẩu gạo trên địa bàn huyện Cái Bè, Tiền Giang.

Không chỉ bị sụt giảm thị phần, gạo Việt còn vướng phải nhiều rào cản do chính các nhà nhập khẩu đưa ra. Cụ thể, một trong những thị trường xuất khẩu trọng điểm của nước ta là Trung Quốc vừa mới áp dụng Lệnh 248, 249 về vấn đề đăng ký và quy định an toàn thực phẩm xuất nhập khẩu, trong đó có gạo, có hiệu lực từ ngày 1-1-2022.

Đối với thị trường EU, ngoài những khó khăn trong việc đáp ứng những tiêu chuẩn, chất lượng gạo xuất khẩu theo quy định của EU, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo sang EU cần đặc biệt lưu ý đến vấn đề bao bì với nhiều quy định rất chi tiết. Việc đưa ra các tiêu chuẩn, quy định nghiêm ngặt hơn về chất lượng, truy xuất nguồn gốc, bao bì đóng gói... đang là những thách thức không hề nhỏ cho các doanh nghiệp.

Khẳng định vị thế gạo Việt bằng chất lượng

Để có thể gia tăng thị phần, đồng thời nâng cao vị thế hạt gạo Việt, các chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp trân trọng sản phẩm của chính mình thì mới có thể tiến sâu vào thị trường Đông Nam Á, tạo nền tảng để đi được xa hơn ở thị trường các nước lân cận. Muốn như vậy, doanh nghiệp Việt cần "cân, đong, đo, đếm" kỹ lưỡng thị hiếu tiêu dùng của từng nước, tiết giảm chi phí sản xuất để nâng khả năng cạnh tranh về giá...

Ông Cao Xuân Thắng, đại diện Thương vụ Việt Nam tại Singapore cho biết, Singapore là thị trường khó tính, kể cả những thị trường vốn đang được coi là dễ tính thì trong tương lai gần cũng sẽ thắt chặt hơn các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm đối với hàng nông sản, thủy sản, hải sản, thực phẩm chế biến nhập khẩu. “Tùy vào mỗi thị trường xuất khẩu mà doanh nghiệp cần tuân thủ quy định nhãn mác, thông tin hàng hóa trên bao bì sản phẩm; sản phẩm phải đạt kiểm định và được cơ quan chức năng nước sở tại cấp phép đạt tiêu chuẩn nhập khẩu”, ông Thắng đề xuất.

Công nhân đang làm việc tại Nhà máy chế biến và xuất khẩu gạo trên địa bàn huyện Cái Bè, Tiền Giang. 

Để khơi thông dòng chảy hạt gạo Việt cũng như khẳng định vị thế gạo Việt, Tiến sĩ Trần Ngọc Thạch, Viện trưởng Viện Lúa ĐSBCL cho rằng, con đường duy nhất là nâng cao chất lượng và xây dựng thương hiệu cho riêng mình. “Việc nâng cao chất lượng gạo Việt xuất khẩu cần được các địa phương, doanh nghiệp triển khai đồng bộ từ quy hoạch vùng trồng, gia tăng giống lúa chất lượng cao cho đến ứng dụng công nghệ mới trong thu hoạch, chế biến và bảo quản. Tiếp tục chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu chủng loại gạo xuất khẩu sang các loại gạo có giá trị gia tăng cao như gạo thơm, gạo Japonica, gạo dẻo, gạo nếp, giảm trồng các loại gạo thấp cấp”, ông Thạch hiến kế.

Để đáp ứng yêu cầu của thị trường khó tính và nâng tầm giá trị hạt gạo Việt trên trường quốc tế, theo ông Balachandra Prashanth, Giám đốc ngành gạo khu vực Đông Nam Á, Công ty TNHH Buhler Asia Việt Nam, ngành lúa gạo cần cơ cấu lại theo hướng nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng. Để làm được điều này, ông Balachandra Prashanth cho rằng: “Việt Nam cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ chế biến, bảo quản hiện đại và nghiên cứu, cải tiến công nghệ, tổ chức dây chuyền sản xuất khép kín theo các tiêu chuẩn chất lượng quốc tế như HACCP, HALAL hay BRC. Đồng thời, chú ý hơn quy trình xử lý sau thu hoạch để bảo đảm chất lượng sản phẩm”.

Theo THÚY AN (Quân đội nhân dân)