Không đóng tiền bơm nước, sản xuất vụ 3 ở xã vùng trũng gặp khó khăn

23/08/2023 - 07:12

 - Thời gian qua, người dân nợ tiền bơm tiêu chống úng sản xuất vụ 3 kéo dài, Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp Chợ Mới thua lỗ phải giải thể, không còn máy móc bơm tiêu chống úng, khiến việc sản xuất vụ 3 năm nay ở xã An Thạnh Trung (huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang) gặp nhiều khó khăn. Khả năng cao, vụ 3 sẽ “vắng bóng”...

An Thạnh Trung là xã vùng trũng, diện tích sản xuất lớn nhất trong huyện Chợ Mới; 85% diện tích dùng để sản xuất nông nghiệp. Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã An Thạnh Trung Nguyễn Văn Bé Hai cho biết: “Thành lập năm 1996, đến năm 2015, Tổ hợp tác Chợ Mới chuyển thành HTX Chợ Mới, chỉ phục vụ được vụ 3, không phục vụ 3 vụ/năm. Đến nay, người dân nợ tiền bơm nước của HTX hơn 10 tỷ đồng, khấu trừ còn 5 tỷ đồng”.

Quang cảnh hội nghị hiệp thương

“Hai năm vừa qua, HTX thua lỗ, không bơm nước nữa, người dân kéo đến UBND xã yêu cầu phải bơm. UBND xã họp bàn với Đảng ủy, thống nhất mỗi đồng chí trong Ban Thường vụ đóng góp 50 triệu đồng, đảng ủy viên 20 triệu đồng, trưởng ấp 20 triệu đồng, cán bộ bán chuyên trách trên tinh thần tự nguyện đóng góp 3 - 5 triệu đồng/người.

Vậy mà, người dân cũng không thấu hiểu, san sẻ trách nhiệm cùng địa phương. Năm 2021, thu tiền bơm nước chỉ đạt 70%. Năm 2022, cán bộ đóng góp 1,8 tỷ đồng thuê người bơm nước, chỉ thu được 50%. Sau 2 năm, chúng tôi không thể đóng góp, phục vụ bơm nước cho bà con được”.

Năm 2023, HTX bán hết máy móc, chuyển giao cho người khác. Không có máy móc, địa phương gặp rất nhiều khó khăn khi lãnh đạo sản xuất vụ 3 (dự kiến xuống giống 1.300ha lúa trong vùng đê bao). HTX mới thành lập muốn đầu tư phục vụ, yêu cầu người dân đóng trước 50% (khoảng 500 - 600 triệu đồng), họ mới bơm nước xuống giống.

Ngày 3/8, UBND xã tổ chức hội nghị hiệp thương sản xuất vụ 3 năm 2023. Mở đầu hội nghị, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã An Thạnh Trung Nguyễn Văn Bé Hai chia sẻ thực tế đang gặp phải; đề nghị nông dân khoan xuống giống, vì chưa chủ động máy móc bơm tiêu chống úng bảo vệ sản xuất.

Tại buổi hiệp thương, hơn 30 nông dân được nghe đại diện UBND xã triển khai chủ trương xuống giống lúa vụ 3, dựa theo lịch thời vụ của ngành nông nghiệp huyện, xã; chi phí bơm tiêu, chống úng. Đồng thời, tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt nghĩa vụ đóng tiền. Kết thúc buổi hiệp thương, nông dân thống nhất giá bơm nước 160.000 đồng/công; yêu cầu đơn vị phải thực hiện tốt việc bơm tiêu, chống úng, đảm bảo cho cây lúa phát triển và sản xuất an toàn.

Trạm bơm điện phục vụ sản xuất

Nông dân Nguyễn  Văn Ngợi (ấp An Khánh, xã An Thạnh Trung, đại diện ủy nhiệm thu địa bàn An Thạnh Trung 2) cho biết: “Trong vùng có 210 hộ sản xuất 193ha (rau màu, vườn chiếm 30%). Trong 3 - 4 năm qua, nhiều hộ dân không đóng tiền. Họ nói “không cần bơm”; không đóng tiền thì vẫn được bơm nước phục vụ bình thường.

Vì vậy, 2 năm qua khu vực này bơm nước không lãi. Mưa ngập ruộng, nếu không bơm dân “kêu”, nhưng đi thu tiền họ không đóng. Tôi mong nông dân có lợi nhuận phải chia sẻ với phía đầu tư... Năm nay giá lúa cao, tôi quyết tâm cùng địa phương, nhà đầu tư vận động nông dân đóng tiền, đôi bên cùng hưởng lợi”.

Một số ủy nhiệm thu và các hộ sản xuất lớn đồng tình tiếp tục sản xuất vụ 3, hứa sẵn sàng đi thu trước. Nông dân Nguyễn Văn Nam (trồng 10 công lúa ở ấp An Bình) cho biết: “Hàng năm, tôi đóng tiền đầy đủ. Hiện giá lúa giá cao (7.300 - 7.400 đồng/kg), nên rất mong tiếp tục sản xuất. Tôi đồng ý đóng trước 50%, nhưng nhà đầu tư phải thực hiện tốt việc bơm tiêu, chống úng, đảm bảo sản xuất an toàn”.

Ông Hồ Văn Bé Tám (ấp An Tịnh) chia sẻ: “Tôi trồng 4ha lúa, đóng tiền đầy đủ. Nông dân sống nhờ nông nghiệp, nếu nghỉ sản xuất vụ 3 thì lấy gì sống, trong khi lúa đang có giá. Không sản xuất vụ 3, phải bỏ ruộng 7 - 8 tháng, nông dân mới có nguồn thu nhập lại. Tôi tình nguyện cùng đi ủy nhiệm thu vận động người dân đóng tiền”.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hàng ngàn héc-ta đất đang nợ tiền bơm nước. Dù được hưởng lợi từ trạm bơm, nhưng nhiều năm qua, họ không chịu đóng tiền. Sau khi thu hoạch, nhân viên đi thu tiền thì có người nói không biết gì về số nợ này. Nhiều hộ hứa sẽ trả, nhưng sau đó không đóng tiền. “Mỗi năm, những người tuân thủ tốt việc đóng tiền phải gồng gánh tiền bơm nước cho hộ không chịu đóng thì bất công quá. Nhưng không gồng gánh thì không có điện bơm nước, lúa bị ngập úng sẽ chết hết” - một hộ dân chia sẻ.

Buổi hiệp thương sản xuất mời 500 thư, nhưng đến dự chưa tới 30 người. Những người đến dự đều rất đồng thuận việc đóng tiền bơm nước. Ông Bé Hai khẳng định: “Thu bơm nước chống úng vụ 3 không lớn, nhưng người dân cứ ỷ lại Nhà nước. Trong khi lũ lên, mưa xuống không bơm rút, nước ngập lụt thì thiệt hại lớn hơn số tiền phải đóng.

Hiện, địa phương tăng cường, thuyết phục bà con đóng góp, đảm bảo kinh phí để HTX khai thác phục vụ tốt vụ 3. Địa phương không xả lũ, vì trong vùng bà con trồng cây ăn trái, rau màu rất nhiều. Mong muốn ngành chức năng có biện pháp chế tài, xử lý mạnh đối với hộ không chịu đóng tiền bơm nước nhiều năm qua, để tạo sự công bằng” - ông Bé Hai kiến nghị.

HẠNH CHÂU