Khuyến khích nông dân sử dụng giống lúa chất lượng cao, đáp ứng xuất khẩu

18/03/2022 - 07:54

Ngày 17-3, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp UBND tỉnh Vĩnh Long tổ chức Hội nghị sơ kết sản xuất trồng trọt vụ Đông Xuân 2021 - 2022; triển khai kế hoạch sản xuất vụ Hè Thu, vụ Thu Đông, vụ Mùa 2022 tại Nam Bộ.

Tổng diện tích xuống giống toàn vùng Nam Bộ vụ Đông Xuân 2021-2022 gần 1,6 triệu ha.

Theo kế hoạch, vụ Hè Thu năm 2022, toàn vùng Nam Bộ sẽ gieo sạ 1,6 triệu ha lúa; trong đó, Đông Nam Bộ gieo sạ 84.000 ha và Đồng bằng sông Cửu Long gieo sạ 1,5 triệu ha. Vụ Thu Đông 2022 vùng Đồng bằng sông Cửu Long gieo sạ 700.000 ha. Vụ Mùa 2022, toàn vùng Nam Bộ gieo sạ 268.000 ha; trong đó, Đông Nam Bộ gieo sạ 96.000 ha và Đồng bằng sông Cửu Long gieo sạ 172.000 ha.
    
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh cho rằng, vụ lúa Hè Thu năm 2022 vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, nhất là tình hình dịch COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, giá vật tư, nguyên liệu đầu vào sản xuất vẫn ở mức cao. Do đó, các địa phương cần tập trung bố trí lịch thời vụ sản xuất phù hợp với từng vùng và tăng cường ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. 
 
Trong cơ cấu giống lúa cần ưu tiên các giống chủ lực như: nhóm giống lúa chủ lực trắng trong, hạt dài chiếm 60%, giống thơm đặc sản từ 15-20%, giống lúa nếp không được vượt quá 10%. 
    
Thứ trưởng Lê Quốc Doanh yêu cầu Cục Trồng trọt phối hợp các đơn vị có liên quan chủ động rà soát lại lịch thời vụ sản xuất, cơ cấu giống lúa sao cho linh hoạt, bài bản. Cục Bảo vệ thực vật tăng cường công tác kiểm tra chất lượng vật tư nông nghiệp nhằm hạn chế hàng giả, hàng kém chất lượng và tình trạng đầu cơ, trữ hàng, tăng giá…; đẩy nhanh cấp mã số vùng trồng không chỉ đối với các hàng hóa xuất khẩu mà còn cả tiêu thụ nội địa.
    
Theo Cục Trồng trọt, tổng diện tích xuống giống toàn vùng Nam Bộ vụ Đông Xuân 2021-2022 gần 1,6 triệu ha, giảm 18.200 ha; năng suất ước đạt 7,2 tấn/ha; sản lượng ước đạt 11,3 triệu tấn, giảm 87.000 tấn so với vụ Đông Xuân 2020 - 2021. 

Riêng vùng Đồng bằng sông Cửu Long xuống giống hơn 1,5 triệu ha, giảm 15.000 ha; năng suất ước đạt 7,25 tấn/ha.
    
Thời vụ Đông Xuân 2021-2022 đã được triển khai sớm hơn 20-30 ngày với diện tích xuống giống nhiều hơn ở vùng ven biển, cập nhật tình hình hạn, mặn và nguồn nước phục vụ sản xuất cần đảm bảo cung cấp đến cuối vụ, nhằm né tránh hạn mặn. Cơ cấu giống dịch chuyển từ nhóm giống chất lượng trung bình, nếp sang nhóm lúa thơm, đặc sản nhằm đáp ứng nhu cầu xuất khẩu.
    
Theo báo cáo từ các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, vụ Đông Xuân 2021 - 2022, giá thành sản xuất lúa của các tỉnh tăng cao ước khoảng 15 - 20% chi phí so với cùng kỳ, do giá vật tư đầu vào tăng cao. Tuy nhiên, do được dự báo trước từ đầu vụ bên cạnh việc thực hiện nhiều mô hình sản xuất lúa nổi bật của các tỉnh đã đem lại hiệu quả về kinh tế và thay đổi nhận thức của nông dân trong việc chuyển đổi phương thức canh tác theo hướng an toàn và giảm giá thành nên mặc dù đầu tư ít giống và phân bón nhưng năng suất lúa vẫn đạt cao.
    
Bên cạnh đó, sản lượng 8 loại cây ăn trái chủ lực (thanh long, chuối, xoài, mít, bưởi, cam, dứa, sầu riêng) ở các tỉnh Nam Bộ trong quý 2/2022 là 1,2 triệu tấn, trong đó Đồng bằng sông Cửu Long là 943.500 tấn. Tuy nhiên, do dịch COVID-19 ảnh hưởng đến xuất khẩu và giá vật tư đầu vào tăng cao, đăc biệt là phân bón đã ảnh hưởng đến việc đầu tư sản xuất, tăng giá thành sản phẩm, giảm lợi nhuận của nông dân.
    
Trước thực trạng giá vật tư đầu vào tăng cao trong thời gian qua, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Vĩnh Long Nguyễn Văn Liêm đề nghị, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp các bộ, ngành tăng cường công tác quản lý tốt giá vật tư nông nghiệp, nhất là mặt hàng phân bón. Các cơ quan chuyên môn của Bộ hướng dẫn về các gói kỹ thuật để giảm giá thành sản xuất, tiết kiệm giống, phân bón, tận dụng lượng phân chuồng, phân hữu cơ thay thế phân hóa học để giảm chi phí.
 
Bên cạnh đó, Bộ quan tâm kiểm soát tình trạng sử dụng các hoạt chất, thuốc bảo vệ thực vật độc hại trong danh mục gây hại cho môi trường và sức khỏe người tiêu dùng được nhập lậu từ các nước lân cận. Bộ rà soát điều chỉnh bổ sung quy chuẩn kỹ thuật trong áp dụng trồng trọt phù hợp để các địa phương có thể vận dụng vào các mô hình khuyến nông mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đối với tỉnh Vĩnh Long hiện có vùng nguyên liệu trồng khoai lang rất lớn nhưng vẫn chưa được đưa vào sản phẩm xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc, do đó Bộ quan tâm hỗ trợ tỉnh tăng cường xúc tiến thương mại, mở cửa thị trường nông sản chính ngạch đối với mặt hàng này.

Bà Tạ Thu Thủy, Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho biết, kết quả xuất khẩu gạo 2 tháng đầu năm 2022 đạt 974.566 tấn, trị giá trên 469,26 triệu USD. Thị trường tiêu thụ dự báo các nước châu Á sẽ duy trì mức độ nhập khẩu tương đương năm 2021. Cơ cấu gạo xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục chuyển dịch sang các loại gạo thơm, gạo trắng chất lượng cao với giá bán và giá trị gia tăng cao hơn.

Tuy nhiên, trước tình hình dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương cần quan tâm công tác thông tin dự báo vụ mùa và cập nhật số liệu sản xuất lúa gạo định kỳ, số liệu xuất khẩu lúa gạo cho hiệp hội, doanh nghiệp nhằm đảm bảo điều hành xuất khẩu gạo chung của cả nước.

Theo PHẠM MINH TUẤN (TTXVN)