Khuyến nông cộng đồng trong Đề án 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao

28/10/2024 - 05:40

 - Tổ khuyến nông cộng đồng là lực lượng nòng cốt trong việc chuyển giao công nghệ, kiến thức mới cho nông dân và đầu mối liên kết với doanh nghiệp (DN). Đây cũng là lực lượng rất sát với cơ sở, có vai trò quan trọng trong thực hiện Đề án 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL.

Hội thảo truyền thông vai trò, nhiệm vụ tổ khuyến nông cộng đồng tham gia Đề án 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao

Thời gian qua, tổ khuyến nông cộng đồng đã phát huy khá tốt vai trò cầu nối giữa DN và nông dân, hỗ trợ DN tiếp cận với nông dân tại vùng nguyên liệu. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu và gia tăng nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm nông sản thân thiện với môi trường, An Giang đã và đang tích cực tham gia Đề án 1 triệu héc-ta lúa chất lượng cao. Trong đó, tổ khuyến nông cộng đồng đóng vai trò trung tâm, với nhiều nhiệm vụ quan trọng để thực hiện mục tiêu của đề án.

Giám đốc Trung tâm Khuyến nông An Giang Huỳnh Đào Nguyên cho biết, An Giang đã thành lập 129 tổ khuyến nông cộng đồng, với 1.601 thành viên, số lượng tối thiểu 5 người/tổ, do phó chủ tịch UBND xã làm tổ trưởng. Tổ khuyến nông cộng đồng có kỹ năng, nghiệp vụ: Tư vấn thành lập hợp tác xã (HTX), nâng cao năng lực HTX, tư vấn kỹ thuật cho nông dân và HTX; ứng dụng chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp; cập nhật tiến bộ khoa học kỹ thuật, nắm rõ các tiêu chuẩn sản xuất theo yêu cầu thị trường và chính sách liên kết tiêu thụ nông sản...

Ngoài ra, tổ khuyến nông cộng đồng sẽ tham gia vào tư vấn xây dựng hợp tác xã nông nghiệp, thông tin thị trường và các nhiệm vụ địa phương giao, đây là cánh tay nối dài của ngành nông nghiệp ở cơ sở. Đặc biệt, tổ khuyến nông cộng đồng có vai trò rất quan trọng trong thực hiện Đề án 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao, như: Tổ chức truyền thông, tuyên truyền để nông dân tham gia vào tổ hợp tác, HTX;  tổ chức các hoạt động chuyển giao quy trình kỹ thuật, công nghệ canh tác lúa chất lượng cao, phát thải thấp; kết nối giữa nông dân, tổ hợp tác, HTX với các DN giúp cải thiện sinh kế, tăng thu nhập, góp phần xây dựng nền nông nghiệp hiệu quả, bền vững theo hướng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Hiệp nhấn mạnh: “An Giang triển khai Đề án 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL, phấn đấu đạt 152.198 héc-ta diện tích canh tác vùng chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp vào năm 2030. Để đạt được mục tiêu đề ra, cần có sự quyết tâm, nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị. Trong đó, hệ thống khuyến nông, đặc biệt là lực lượng khuyến nông cộng đồng đóng vai trò nòng cốt trong quá trình thực hiện, đồng hành cùng nông dân, giúp nông dân tổ chức lại sản xuất, tập huấn nâng cao năng lực và là cầu nối giữa nông dân với DN”.

Ông Trần Thanh Hiệp yêu cầu tiếp tục phát huy vai trò nhiệm vụ tổ khuyến nông cộng đồng tham gia Đề án 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao. Trung tâm Khuyến nông An Giang tăng cường vận động các thành viên của tổ khuyến nông cộng đồng hiểu đầy đủ các nội dung Đề án 1 triệu héc-ta lúa chất lượng cao và hướng dẫn của Trung tâm Khuyến nông quốc gia. Để từ đó, thực hiện tốt công tác vận động, tuyên truyền nông dân, HTX; thực hiện tốt nhiệm vụ truyền đạt kiến thức về kỹ thuật trồng lúa...

“Trung tâm khuyến nông, Chi cục Phát triển nông thôn An Giang gắn 227 HTX nông nghiệp toàn tỉnh với tổ khuyến nông cộng đồng, các tổ hợp tác; kết nối 129 tổ khuyến nông cộng đồng với 1.601 thành viên để đảm bảo thực thi nhiệm vụ. Nhanh chóng tháo gỡ khó khăn, kiện toàn quy chế hoạt động, tập huấn nâng cao năng lực để tổ khuyến nông cộng đồng hoạt động hiệu quả” - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Hiệp đề nghị.

HẠNH CHÂU