Kiểm soát giá xăng dầu

18/03/2022 - 06:23

 - Tại phiên họp thứ 9, đợt chất vấn đầu tiên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong nhiệm kỳ này, một thời lượng lớn thời gian được dành để “mổ xẻ” về lĩnh vực công thương, trong đó nóng nhất là vấn đề sản xuất, cung ứng, nhập khẩu xăng dầu, công tác điều hành giá xăng dầu thời gian qua.

Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang Trình Lam Sinh chất vấn Bộ trưởng Bộ Công thương

Nỗ lực bình ổn thị trường xăng dầu

Theo Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên, tháng 1, 2-2022, Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn (cung ứng 35-40% nhu cầu xăng, dầu trong nước) cắt giảm sản lượng sản xuất xuống mức 55-80%, công suất và có thời gian gặp sự cố kỹ thuật nên phải ngừng sản xuất. Vì vậy, không đảm bảo việc cung cấp xăng dầu cho các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu theo các hợp đồng đã ký, ảnh hưởng đến hoạt động cung ứng xăng dầu liên tục cho thị trường trong nước. Trên thế giới, các vấn đề địa chính trị, dịch bệnh tác động, doanh nghiệp (DN) nhập khẩu xăng dầu gặp nhiều khó khăn trong việc cạnh tranh, tiếp cận nguồn cung với giá hợp lý (để nhập khẩu bù đắp nguồn thiếu hụt từ sản xuất trong nước).

Cục bộ tại một số địa phương phía Nam (tỉnh Hậu Giang, An Giang, Long An, Cà Mau, Đồng Nai, TP. Cần Thơ, TP. Hồ Chí Minh) có hiện tượng một số cửa hàng xăng dầu ngừng bán, với lý do “thiếu nguồn cung”. Ngay sau khi nhận thông tin báo cáo từ các địa phương, Bộ Công thương liên hệ DN đầu mối kinh doanh xăng dầu để kịp thời bổ sung nguồn cung cho các địa bàn; kịp thời cung ứng xăng dầu cho các cửa hàng bán lẻ xăng dầu tại khu vực ĐBSCL.

Từ đầu năm 2022 đến nay, đã có 6 kỳ điều hành giá (theo hướng tăng giá). Giá xăng dầu các loại đến kỳ điều hành ngày 11-3 (so với ngày 11-1) tăng từ 4.625 - 7.030 đồng/lít (hoặc kg, tùy loại), tương đương tăng từ 24,9 đến hơn 39%. Bộ Công thương, Bộ Tài chính liên tục chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, mức chi từ 100 - 1.500 đồng/lít. Do đó, giá xăng dầu trong nước dù tăng theo diễn biến giá xăng dầu thế giới, nhưng mức tăng thấp hơn. Cụ thể, giá bình quân một số mặt hàng thành phẩm xăng dầu thế giới (giao dịch trên thị trường Singapore) dùng để tính giá cơ sở kỳ điều hành ngày 11-3 so với đầu năm 2022 biến động tăng từ 44-60%, nhưng giá xăng dầu trong nước chỉ tăng 24,9 đến hơn 39%.

Cần giải pháp căn cơ

Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh An Giang Trình Lam Sinh đặt vấn đề: “Một số thời điểm nhất định, một số cửa hàng phải tạm ngừng kinh doanh vài giờ vì không đủ xăng dầu bán. Theo quy định tại Nghị định 95, thương nhân, đầu mối xăng dầu phải đảm bảo ổn định mức dự trữ xăng dầu bắt buộc, tối thiểu bằng 20 ngày cung ứng. Thực tế, việc dự trữ này có được thực hiện hay chưa? Mức chiết khấu hoa hồng cho các cửa hàng bán lẻ khoảng 200 đồng/lít, thậm chí “0 đồng”, hoàn toàn không đủ bù đắp chi phí, nên càng bán càng lỗ. Thông tư 38 của Bộ Công thương quy định cửa hàng bán lẻ không được bán cao hơn giá do thương nhân, đầu mối quy định, mà chỉ nhận mức chiết khấu tại mỗi lần nhập hàng, lại không quy định mức chiết khấu này thế nào. Vì vậy, đề nghị bổ sung quy định mức chiết khấu tối thiểu cho cửa hàng bán lẻ”.

Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy An Giang Trần Thị Thanh Hương chất vấn Bộ trưởng Bộ Công thương: “Giá cả xăng dầu tăng cao, kéo theo chi phí sản xuất và giá nhiều hàng hóa, dịch vụ gia tăng, khiến đời sống, sản xuất người dân đã khó, nay còn khó khăn hơn. Có ý kiến cho rằng, Bộ Công thương cần thay đổi cách điều hành giá xăng dầu, Bộ trưởng có ý kiến như thế nào? Có giải pháp căn cơ gì để điều hành bình ổn giá cả thị trường nói chung, góp phần kiềm chế lạm phát?”.

Trả lời chất vấn của các ĐBQH, trong đó có An Giang, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng: “Bộ Công thương đã “nỗ lực hết cỡ” trong quá trình điều hành giá xăng dầu. Về dự trữ xăng dầu quốc gia, sản lượng tiêu thụ xăng dầu cả nước 1,8-2 triệu m3 (tấn)/tháng. Bộ Công thương đang nghiên cứu, trình cấp có thẩm quyền xem xét, thiết kế lại mô hình quản lý quỹ dự trữ quốc gia và nâng cao mức dự trữ quốc gia để tình huống bất trắc có nguồn dùng được 1-2 tháng. Có thể tới đây, cần lập hệ thống dự trữ quốc gia riêng, dự trữ thương mại riêng. Một trong số đó, có thể nghiên cứu thay đổi phương thức trích lập Quỹ Bình ổn giá, chuyển từ “tính bằng tiền” sang “dự trữ hàng” để khi có tình huống xảy ra, có hàng cung ứng được ngay”.

 Để bảo đảm nguồn cung, bình ổn thị trường xăng dầu trong nước trong thời gian tới, Bộ Công thương tiếp tục chỉ đạo DN đầu mối kinh doanh xăng dầu thực hiện kế hoạch phân giao tổng nguồn và hạn mức nhập khẩu tối thiểu bổ sung đã được Bộ Công thương giao trong quý II-2022. Phối hợp Bộ Tài chính điều hành giá xăng dầu bám sát diễn biến giá xăng dầu thế giới, phù hợp diễn biến cung-cầu xăng dầu trong nước để bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các chủ thể tham gia thị trường xăng dầu, khuyến khích các DN kinh doanh xăng dầu duy trì nguồn cung và hạn chế hành vi đầu cơ, găm hàng hoặc buôn lậu xăng dầu qua biên giới sang các nước lân cận.

Theo Bộ Công thương, với tình hình cung ứng xăng dầu, việc kiểm tra, kiểm soát thị trường và điều hành giá xăng dầu theo hướng bám sát diễn biến giá thị trường thế giới, nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước thời gian tới sẽ cơ bản được đảm bảo, đáp ứng đủ nhu cầu trong nước của DN và người dân.  

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành cho biết, Chính phủ làm việc, yêu cầu Tập đoàn Dầu khí Việt Nam khẩn trương xây dựng thêm 1 nhà máy lọc dầu tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Nếu có thêm 10 triệu m3 xăng dầu từ nhà máy này, cộng với 13 triệu m3 từ 2 nhà máy lọc dầu hiện nay, đảm bảo đủ nguồn cung ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước, giảm phụ thuộc nhập khẩu. Bên cạnh đó, Việt Nam sẽ tăng khai thác dầu thô (hiện mới đáp ứng được 50% dầu thô phục vụ sản xuất xăng dầu). Một số bất cập trong điều hành khoan thăm dò sẽ được cơ quan quản lý nghiên cứu, điều chỉnh, phục vụ cho sản xuất, không xuất khẩu.

Bài, ảnh: GIA KHÁNH