Kinh doanh an toàn trong trạng thái bình thường mới

29/10/2021 - 05:11

Theo chỉ đạo của UBND tỉnh An Giang, các hoạt động sản xuất-kinh doanh (SXKD) đã được phép hoạt động trở lại. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn trong việc mua bán, hạn chế tiếp xúc trực tiếp với người mua, nhiều cửa hàng, cơ sở kinh doanh, các điểm kinh doanh dịch vụ ăn uống đã linh hoạt thay đổi phù hợp tình hình mới.

Các siêu thị, trung tâm mua sắm... đẩy mạnh hình thức bán hang trực tuyến để hạn chế tập trung đông người

Dịch bệnh COVID-19 bùng phát trong thời gian qua đã tác động không nhỏ đến các hoạt động SXKD, du lịch, vận tải, giải trí... trên địa bàn tỉnh. Thời gian gần đây, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, các hoạt động SXKD ở nhiều địa phương đã trở lại bình thường, các cửa hàng kinh doanh ăn uống... được phép hoạt động trở lại (không quá 70% công suất). Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, hầu hết các cơ sở sản xuất, cửa hàng kinh doanh, quán ăn đều thực hiện nghiêm túc việc mua bán, trao đổi hàng hóa theo các quy định phòng, chống dịch của cơ quan chức năng và thực hiện tốt thông điệp “5K” của Bộ Y tế.

Các siêu thị, trung tâm mua sắm, cửa hàng tiện lợi... trên địa bàn TP. Long Xuyên chủ động nguồn hàng hóa, cung ứng đầy đủ và nhanh nhất cho người dân. Tuy lượng khách hàng giảm hơn nhiều so với thời điểm trước khi dịch bệnh bùng phát, nhưng với tình hình hiện nay, đây là giải pháp an toàn vừa duy trì kinh doanh, tạo thu nhập, vừa góp phần phòng, chống dịch hiệu quả.

Để bảo đảm cho việc kinh doanh an toàn trong tình hình mới, các đơn vị đã chủ động các biện pháp phòng, chống dịch cho cán bộ, nhân viên. Trong đó, các nhân viên phải đeo khẩu trang, tấm chắn giọt bắn và đo nhiệt độ hàng ngày trước khi vào ca. Khách đến mua sắm sẽ phải kiểm tra thân nhiệt, đồng thời áp dụng các nguyên tắc phòng, chống dịch mới được vào tham quan, mua sắm...

Ngoài ra, các đơn vị còn triển khai các chương trình bán hàng qua điện thoại hoặc đặt hàng qua ứng dụng hay qua trang thông tin điện tử, mạng xã hội Zalo, Facebook… Đồng thời, áp dụng miễn phí giao hàng trong bán kính và giá trị hóa đơn theo quy định.

Chị Lê Thị Mỹ Tiên (phường Mỹ Xuyên, TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang) cho biết: “Từ khi có dịch bệnh COVID-19, thực hiện các văn bản chỉ đạo của tỉnh, hạn chế tập trung đông người, không ra ngoài khi không cần thiết, nên ngoài giờ đi làm tôi thường về nhà ngay và hạn chế ra ngoài. Việc mua sắm trực tuyến (online) là giải pháp hữu hiệu trong mùa dịch bệnh, vì không phải đi lại nhiều, sau thời gian chọn lựa, hàng hóa đã được giao tận nhà”.

Tại các khu chợ truyền thống, những ngày gần đây đã được phép hoạt động bình thường, người dân không cần phải xuất trình “phiếu đi chợ”, mà chỉ thực hiện việc khai báo y tế hoặc trình chứng nhận tiêm vaccine tại các chốt phòng dịch. Ở đây, còn bố trí dung dịch khử khuẩn để người dân sử dụng, điều này phụ thuộc phần lớn vào ý thức của mỗi người đi chợ, chủ động bảo vệ mình và giữ an toàn cho người xung quanh.

Theo khảo sát, lượng người đi chợ giảm rõ rệt so với ngày thường. Dù vậy, để đảm bảo công tác phòng, chống dịch COVID-19, các cửa hàng, tiệm tạp hóa đã cẩn thận giăng dây tạo khoảng cách, bố trí bàn để rổ đựng tiền và trang bị bình xịt khuẩn trước quán, cửa hàng nhằm tránh tiếp xúc trực tiếp với khách.

Chị Thúy Hằng chủ một tiệm tạp hóa ở chợ An Khánh, xã Hòa An, huyện Chợ Mới (tỉnh An Giang) chia sẻ: “Tình hình kinh doanh hiện nay có nhiều thay đổi và khó khăn hơn so với trước đây, do người đi chợ không đông. Chỉ mong sao dịch bệnh sớm qua để việc buôn bán ổn định lại như trước”. Cũng theo chị Hằng, ý thức phòng, chống dịch của người dân khá tốt. Khách đi chợ đều đeo khẩu trang nên gia đình chị cũng yên tâm.

Còn đối với người dân, thay vì đi chợ hàng ngày, hiện nay, người tiêu dùng chọn giải pháp đi chợ 1 lần cho nhiều ngày sử dụng, hoặc nhờ đi chợ dùm để hạn chế tiếp xúc đông người. Chị Nguyễn Thị Dúng (xã Hòa Bình, huyện Chợ Mới) cho biết, mỗi lần đi chợ, chị mua sẵn thực phẩm để sử dụng trong 3-4 ngày. Ngoài ra, chị còn mua thêm thực phẩm khô, đóng hộp, như: bún, mì, cá mòi, chả lụa... để làm món ăn sáng cho cả nhà, hạn chế ra ngoài hàng quán.

Dịch bệnh COVID-19 còn diễn biến phức tạp, các cơ sở SXKD, các trung tâm mua sắm, cửa hàng tạp hóa... cần tập trung thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế trong tình hình mới. Qua đó, không những đảm bảo an toàn, sức khỏe cho cá nhân, người thân và cộng đồng, mà còn góp phần đảm bảo các mục tiêu, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2021 đã đề ra.

ĐỨC TOÀN