Thời điểm này, ở nhiều địa phương trên địa bàn huyện Chợ Mới, bà con nông dân đang tất bật chăm sóc lúa đông xuân. Nông dân phải làm đất kỹ, lựa chọn giống chất lượng, áp dụng các biện pháp khoa học - kỹ thuật… để đạt năng suất cao nhất.
Vụ này, gia đình bà Lê Thị Thúy Kiều (xã An Thạnh Trung, huyện Chợ mới) xuống giống gần 2,6ha, canh tác giống lúa IR50404. Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu nên tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, lúa bị rầy phấn trắng và vàng lá gây hại, phải tăng chi phí bón phân, phun thuốc bảo vệ thực vật. Theo ước tính của bà Kiều, chi phí sản xuất vụ này khoảng 3 triệu đồng/công, cao hơn so với năm trước.
Ghi nhận tại một số nông hộ trên địa bàn huyện Chợ Mới, giá lúa đông xuân tươi đang được thương lái thu mua từ 8.600 - 9.600 đồng/kg (tùy giống), tương đương vụ đông xuân năm trước, đảm bảo nông dân có thu nhập khá.
Ngành nông nghiệp tích cực hỗ trợ nông dân trong canh tác lúa vụ đông xuân
Ông Tuấn Tú (xã An Thạnh Trung) đang canh tác hơn 1ha lúa đông xuân đang trong giai đoạn làm đòng. “Thông qua phương tiện thông tin đại chúng, tôi biết nhiều bà con đang bán lúa đông xuân được giá cao nên bản thân vui theo. Đây thật sự là thông tin tạo động lực rất lớn giúp tôi và nông dân trồng lúa tích cực chăm sóc lúa để làm sao đạt năng suất cao nhất. Hy vọng thời gian tới, giá lúa tiếp tục giữ ổn định để nguồn thu nhập của gia đình được đảm bảo” - ông Tú kỳ vọng.
Đến nay, toàn tỉnh An Giang đã cơ bản xuống giống dứt điểm vụ lúa đông xuân 2023 - 2024, với diện tích 226.708ha. Theo nhiều nông dân, sản xuất lúa trong vụ này gặp khó khi giá phân bón cùng nhiều loại vật tư nông nghiệp đầu vào phục vụ sản xuất còn ở mức cao; tình hình thời tiết, dịch bệnh còn diễn biến phức tạp.
Nông dân Nguyễn Đinh Phương (xã Vọng Thê, huyện Thoại Sơn) cho biết, vụ này, anh xuống giống 13ha, với 2 giống lúa là OM18 và IR50404. Từ đầu vụ đến nay, cây lúa gặp các đối tượng gây hại, như: Rầy cánh trắng, đạo ôn. Nhờ thăm đồng thường xuyên nên các đối tượng gây hại được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, diện tích lúa không bị ảnh hưởng.
Để đảm bảo “ăn chắc” trong vụ này, ngành nông nghiệp khuyến cáo nông dân tích cực thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, nhất là các gói kỹ thuật “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm” gắn với đẩy mạnh cơ giới hóa và ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất lúa để giảm chi phí, nâng cao năng suất, chất lượng và giá bán sản phẩm.
Trong đó, chú trọng áp dụng tốt giải pháp tưới nước tiết kiệm; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sinh thái - trồng hoa trên bờ ruộng để dẫn dụ thiên địch nhằm hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc trừ sâu trong giai đoạn 40 ngày đầu sau sạ; tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc “4 đúng”.
Ngành nông nghiệp An Giang còn khuyến cáo, hướng dẫn nông dân tập trung gieo trồng các loại lúa cho gạo thơm ngon, đặc sản và có chất lượng để bán được giá cao. Các giống lúa được khuyến cáo sản xuất, gồm: OM9582, Đài Thơm 8, OM5451, OM7347, OM6976, OM18, Jasmine 85, OM9577, OM4900… Ngoài ra, còn có các giống triển vọng, như: Lộc Trời 7, Lộc Trời 18, Lộc Trời 28, OM448...
Để chăm sóc và bảo vệ tốt lúa vụ đông xuân, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khuyến cáo nông dân tăng cường các biện pháp giúp cây lúa khỏe, như: Bổ sung vi lượng, phân bón có chứa can-xi, silic… giúp cây lúa tăng tính chống chịu tự nhiên. Cán bộ kỹ thuật thường xuyên kiểm tra đồng ruộng nhằm phát hiện sớm, hướng dẫn nông dân xử lý các đối tượng dịch hại và có biện pháp ứng phó kịp thời để bảo vệ năng suất lúa tốt hơn.
Các địa phương cùng với cán bộ kỹ thuật, nhân viên trồng trọt và bảo vệ thực vật cấp cơ sở theo dõi, kiểm tra, giám sát đồng ruộng, tổ chức cùng nông dân thăm đồng thường xuyên, nắm chắc tình hình dịch hại, hướng dẫn nông dân phòng trị kịp thời…
ĐỨC TOÀN