Cách Thủ đô Hà Nội hơn 70km, chùa Địa Tạng Phi Lai Tự (Hà Nam) là chốn dừng chân an yên cho những ai muốn tìm đến góc tĩnh tâm đầy thanh tịnh.
Chùa Địa Tạng nằm ở thôn Ninh Trung, xã Liêm Sơn, huyện Thanh Liêm, Hà Nam, trước có tên là chùa Đùng, được xây dựng từ thế kỷ 11 với quy mô 100 gian. Ngôi chùa này từng bị bỏ hoang và xuống cấp nghiêm trọng.
Tháng 12/2015, Đại đức Thích Minh Quang về tiếp nhận, tu tạo, xây dựng và đổi tên thành Địa Tạng Phi Lai Tự, nghĩa là Đức Địa Tạng Vương Bồ Tát luôn luôn đến nơi này, cũng có thể không bao giờ đến nơi này.
Lấy ý từ câu nói của vua Tự Đức khi tới đây cầu tự, lúc rời đi ngài có nói "Phi Lai" vừa là quay trở lại nhưng 'phi' cũng có thể là không bao giờ quay trở lại.
Chùa Địa Tạng Phi Lai tựa lưng vào núi, gợi lên cảm giác thanh tao, thoát tục mà bất kỳ ai có dịp đến đây cũng có thể cảm nhận.
Đi du lịch Hà Nam, đâu chỉ có chùa Tam Chúc, nhà Bá Kiến, giờ đây bạn có thể dừng chân, trải nghiệm cuộc sống tại ngôi chùa bình yên này.
Chùa tách biệt hẳn với khu dân cư nên vô cùng tĩnh lặng và thanh tịnh. Vừa bước chân đến nơi là tiếng chuông gió leng keng khắp nơi, rồi tiếng nước chảy, tiếng chim hót… tất cả hòa vào nhau như 1 bản nhạc.
Về quy mô, chùa có Tam Bảo, nhà thờ Tổ, nơi thờ Đức Ông, đức Thánh Hiền; nhà ở, giảng đường, nhà khách, nơi ở của phật tử.
Điểm nhấn là phần sân trước khuôn viên chùa được trải sỏi màu trắng. Sỏi trắng mang ý nghĩa của sự thiền định, dạo quanh khuôn viên, nhìn những viên sỏi trắng tinh khiến lòng người trở nên thanh thoát.
Ngay trước Tổ đường, 12 vòng tròn được vẽ trên nền sỏi tượng trưng cho 12 nhân duyên của con người.
Đến chùa Địa Tạng ngoài vãn cảnh hành hương du khách còn có thể trải nghiệm leo núi, từ phía bên phải của chùa Địa Tạng chiêm ngưỡng những hang đá cùng thảm thực vật xanh tốt.
Hoặc lên đỉnh núi cao để ngắm nhìn toàn cảnh ngôi chùa ẩn mình trong rừng thông xanh.
Tòa điện nhỏ thờ Phật Bà Quan Thế Âm đặt giữa hồ sen.
Hành lang chuông gió sau lưng chùa là điểm check-in ấn tượng.
Đặt chân đến đây, dường như mọi muộn phiền âu lo đều tan biến, thay vào đó là cảm giác tự tại như đang lạc bước vào chốn bồng lai tiên cảnh, được chìm vào không gian yên bình của núi rừng - đất trời và chốn linh thiêng trong lành.
Theo HÀ HIỀN (Dân Trí)