Làm tốt công tác thi hành án dân sự là góp phần phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh

21/02/2023 - 09:05

 - Thi hành án dân sự (THADS) là hoạt động được thực hiện bởi cơ quan THADS, trong đó đơn vị này yêu cầu người phải thi hành án và những chủ thể có liên quan thực hiện phải thi hành những bản án, quyết định qua phán quyết của tòa án có hiệu lực pháp luật. Nhằm hiểu rõ vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Lâm Phước Nghĩa, Cục trưởng Cục THADS tỉnh An Giang.

PV: Ông có thể cho biết chức năng, nhiệm vụ của ngành THADS?

Ông Lâm Phước Nghĩa: Cơ quan THADS là một cơ quan hành pháp, nhưng thực hiện chức năng tư pháp cùng với các cơ quan, như: Cơ quan điều tra của công an, viện kiểm sát và tòa án, nhằm tổ chức thực hiện một vụ việc từ khi phát sinh đến khi kết thúc. Trong đó, nhiệm vụ cụ thể của cơ quan THADS là tổ chức thi hành những bản án, quyết định của tòa án đã xét xử và giải quyết có hiệu lực pháp luật, như: Bản án hình sự, bản án hành chính, dân sự, hôn nhân gia đình…

Ngoài ra, cơ quan THADS cò phải tổ chức thi hành những phán quyết, quyết định của trọng tài thương mại. Cho nên, nhiệm vụ của cơ quan THADS là rất khó khăn, phức tạp và có nhiều rủi ro. Nếu một bản án, một quyết định được tổ chức thi hành xong trên thực tế, thì nó không những thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật, mà còn tuyên truyền ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật của người dân, góp phần vào việc giữ gìn kỷ cương phép nước và vào sự nghiệp phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh.

PV: Ngành THADS tỉnh An Giang được tổ chức thực hiện ra sao, thưa ông?

Ông Lâm Phước Nghĩa: Cơ quan THADS là một cơ quan theo hệ thống dọc được thành lập theo 3 cấp từ Trung ương đến cấp huyện. Cụ thể, ở Trung ương có Tổng cục THADS, ở tỉnh có Cục THADS và ở huyện có Chi cục THADS. Theo phân cấp của Bộ Tư pháp và theo Luật THADS, chi cục trực thuộc và dưới sự chỉ đạo trực tiếp toàn diện của cục, còn Cục THADS tỉnh thì chịu sự chỉ đạo trực tiếp của Tổng cục THADS.

Bên cạnh đó, Cục THADS tỉnh, Chi cục THADS cấp huyện còn phải chịu sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng cùng cấp và  Chủ tịch, Trưởng ban Chỉ đạo Thi hành án cùng cấp, nhằm tháo gỡ những khó khăn và chỉ đạo giải quyết những vụ việc phức tạp, liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành trên địa bàn. Như vậy, ngành THADS tỉnh và huyện phải chịu sự lãnh đạo song trùng của cấp trên trực tiếp và của cấp có thẩm quyền tại địa phương nơi đóng trụ sở. Về vị trí, Cục THADS tỉnh ngang quyền với các sở, ngành, tỉnh, còn Chi cục THADS thì ngang quyền với các phòng, ban của huyện.

PV: Những thuận lợi và khó khăn trong quá trình tác nghiệp thi hành án trên địa bàn tỉnh như thế nào?

Ông Lâm Phước Nghĩa: Cơ quan THADS muốn thi hành xong một bản án, quyết định của tòa án,  ngoài việc chủ động, tích cực thi hành theo quy định của Luật THADS và các ngành luật khác có liên quan, thì việc phối hợp các ban, ngành ở địa phương là một điều kiện cần thiết và bắt buộc trong tác nghiệp, do đó nó có những thuận lợi và khó khăn như sau:

Về thuận lợi: Luôn được sự quan tâm, chỉ đạo của cấp ủy cùng cấp và của đồng chí Trưởng ban Chỉ đạo thi hành án. Sự phối hợp, hỗ trợ, giúp đỡ của các ngành được đồng bộ, nhịp nhàng, thường xuyên, đã tạo điều kiện cho cơ quan THADS thi hành xong nhiều bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật trên địa bàn tỉnh; tháo gỡ được những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tác nghiệp tổ chức thi hành, đã góp phần vào việc tuyên truyền ý thức chấp hành pháp luật của người dân nói chung và của người phải thi hành án nói riêng, thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật trong việc thực hiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

Về khó khăn: Thách thức trước tiên chúng ta phải hiểu rằng, một bản án của tòa xét xử không phải cơ quan THADS thụ lý 1 vụ việc mà phải từ 2 vụ việc trở lên. Vì theo quy định của pháp luật đối với các khoản thu cho ngân sách nhà nước thì phải thụ lý chủ động thành một vụ và các khoản theo yêu cầu, mà bản án đã tuyên phải thụ lý thành 1 vụ riêng. Với biên chế của ngành giảm chỉ còn 147 biên chế trong toàn tỉnh, nhưng phải thi hành trên 21.000 vụ việc và trên 4.000 tỷ đồng trong 1 năm, đây là một khó khăn và thách thức lớn nhất của ngành.

Khó khăn nữa mà ngành THADS gặp phải là trên 21.000 vụ việc phải thi hành trong 1 năm thì có trên 80% vụ việc liên quan đến đất đai, mà lĩnh vực đất đai là một vấn đề phức tạp nhất hiện nay. Vì muốn thi hành xong 1 vụ liên quan đến đất thì trước tiên phải xác minh đất đó có phải thuộc quyền sử dụng hợp pháp của người phải thi hành án không, có được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không, có lộn thửa, tách thửa không, có mốc ranh không, có tặng cho, cầm cố không…

Nếu đúng của người phải thi hành án mà họ không tự nguyện thi hành thì phải cưỡng chế bằng biện pháp kê biên, thẩm định giá và đưa ra bán đấu giá, nếu không có người tham gia đấu giá thì phải giảm giá… Các bước như đã nêu phải thực hiện theo một quy trình rất chặt chẽ mà Luật Thi hành dân sự đã quy định và cứ mỗi một quy trình như vậy mất rất nhiều thời gian, nếu chấp hành viên thực hiện sai thì phải bồi thường và phải bị xử lý. Đây là một áp lực và thách thức rất lớn cho công chức của ngành thi hành án.

Cái khó nữa là người phải thi hành án luôn tìm cách trốn tránh nghĩa vụ phải thi hành án, như: Tẩu tán tài sản, tìm cách để khiếu nại trong khi không có căn cứ, tìm cách để kéo dài không hợp tác, tìm cách cho là tài sản chung rồi tranh chấp không tự nguyện… Nói chung, họ tìm ra mọi cách để trốn tránh nghĩa vụ thi hành. Trong những nội dung trên chấp hành viên cơ quan thi hành án phải tốn nhiều thời gian đi xác minh, làm rõ và phải phối hợp với nhiều cơ quan mới tổ chức thi hành được.

Nói một cách khác, muốn thi hành được một bản án, quyết định của tòa án chấp hành viên cơ quan thi hành án phải thực hiện đầy đủ các bước, các quy trình theo quy định của pháp luật, phải gặp nhiều khó khăn và rủi ro chứ không phải tòa án xét xử xong là thi hành ngay được liền.

PV: Đề xuất, kiến nghị của ngành THADS tỉnh An Giang là gì, thưa ông?

Ông Lâm Phước Nghĩa: Tuy cơ quan THADS là một ngành trực thuộc theo hệ thống dọc nhưng luôn góp phần thực hiện nhiệm vụ chính trị tại địa phương. Do đó, để làm tốt nhiệm vụ nầy xin đề xuất và kiến nghị một số nội dung sau đây:

Đối với Tổng cục THADS- Bộ Tư pháp không nên tiếp tục giảm biên chế đối với cục và các Chi cục THADS do lượng án tăng và tính chất vụ việc ngày càng phức tạp. Tăng cường công tác tập huấn về chuyên môn nghiệp vụ cho địa phương để hạn chế tối đa sai sót khi tác nghiệp. Tăng kinh phí đào tạo cho địa phương để thực hiện việc chuẩn hóa cán bộ và tạo nguồn cho đội ngũ kế thừa.

Đối với Tỉnh ủy và UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng tăng cường sự phối hợp và hỗ trợ cho cơ quan THADS trong thực thi nhiệm vụ; hỗ trợ kinh phí trong hoạt động thi hành án. Cụ thể, việc phí cưỡng chế khi phối hợp với các ngành, rất cần kinh phí thuê thêm lao động để thực hiện công việc do lượng án tăng; chỉ đạo việc tuyên truyền về Luật Thi hành án dân sự để người dân tự giác chấp hành pháp luật.

PV: Xin cảm ơn ông!

THÁI VĨNH (Thực hiện)