Làng nghề tất bật sản xuất

20/12/2019 - 07:57

 - Thời điểm này, các làng nghề trên địa bàn tỉnh đang tất bật sản xuất với những đơn hàng gần xa, nhằm phục vụ thị trường Tết Nguyên đán. Các cơ sở đều nỗ lực và cố gắng hết mình để làm ra những sản phẩm chất lượng, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng vào dịp cuối năm.

Làng nghề tất bật sản xuất

Tết là thời điểm nhu cầu sử dụng bánh phồng tăng cao

Những ngày này, đi qua làng mộc Mỹ Luông (thị trấn Mỹ Luông, Chợ Mới), đâu đâu cũng nghe tiếng chan chát của búa, đục, tiếng xè xè của cưa nối tiếp vang lên. Nghề mộc nơi đây hoạt động quanh năm, nhưng cao điểm nhất là từ đầu tháng 11 (âm lịch). Anh Trần Phước Trí (Chủ cơ sở Thanh Tím, ngụ ấp Thị 2, thị trấn Mỹ Luông) cho biết: “Những năm gần đây, nhu cầu mua đồ gỗ để trang trí nội thất trong nhà trở nên phổ biến. Vì vậy, lượng khách đến cơ sở đặt hàng tăng gấp đôi so với ngày thường. Để hoàn thành những đơn hàng ngay trước Tết Nguyên đán, cơ sở phải thuê thêm nhân công, đồng thời tăng ca làm đêm mới đủ số lượng hàng giao cho khách”. Cũng theo anh Trí, sản phẩm của các cơ sở trong làng nghề khá đa dạng như: tủ thờ, tủ quần áo, tủ rượu, bàn, ghế, giường… Các mặt hàng làm từ gỗ được thiết kế tinh xảo trên các loại gỗ từ phổ thông cho đến các loại đắt tiền, nhằm đa dạng nhu cầu mua sắm của khách hàng.

Cách đó không xa, tại làng mộc chợ Thủ (xã Long Điền A, Chợ Mới), không khí làm việc tại các cơ sở cũng tất bật, nhộn nhịp không kém. Ông Trần Minh Đoàn (đại diện làng nghề mộc Chợ Thủ) cho biết, gần Tết, các sản phẩm mộc được tiêu thụ mạnh. “Để chuẩn bị cho dịp này, các cơ sở phải chuẩn bị nguyên liệu từ tháng 5-6 (âm lịch) và phải hoạt động hết công suất, thậm chí tăng ca vào ban đêm để kịp giao cho khách hàng. Sản phẩm của làng nghề được thị trường ưa chuộng không chỉ bởi chất lượng gỗ, mà còn được chạm trổ các loại hoa văn trang trí nên được khách hàng gần xa ưa chuộng” - ông Đoàn chia sẻ.

Thời điểm hiện tại, khoảng 40 cơ sở sản xuất bánh phồng tại làng nghề bánh phồng Phú Mỹ (Phú Tân) đang nhộn nhịp vào vụ. Ông Lê Thiện Tuấn (đại diện cơ sở Trúc Linh) cho biết, Tết là thời điểm nhu cầu sử dụng bánh phồng khá nhiều, nên lượng bánh tiêu thụ mạnh hơn hẳn. Do đó, các hộ ở đây phải đẩy mạnh sản xuất cả ngày lẫn đêm, tăng số lượng sản xuất gấp đôi mới đáp ứng được nhu cầu khách hàng.

Theo ông Tuấn, trước đây, người làm bánh thường quết bột bằng chày tay, tốn nhiều công sức và mất nhiều thời gian thì hiện nay, nhờ có sự hỗ trợ của máy quết bột, cán bột nên việc sản xuất dễ dàng hơn. “Nếp quết bằng máy mịn hơn, dễ cán hơn so với bằng tay nên sản phẩm làm ra chất lượng hơn. Quan trọng nhất là thời gian được rút ngắn, năng suất được cải thiện hơn so với trước. Tùy vào kích cỡ khác nhau mà bánh có giá cao hoặc thấp, giá mỗi bánh từ 1.000-2.000 đồng” - ông Tuấn chia sẻ.

Tại làng nhang Bình Đức (phường Bình Đức, TP. Long Xuyên), vẻ mặt phấn khởi khi bước vào vụ sản xuất lớn nhất của năm hiện rõ trên mặt của các chị, các cô làm nhang ở đây. Cô Trần Thị Gỡ (60 tuổi, ngụ khóm Bình Đức 4, phường Bình Đức), một trong những gia đình có truyền thống làm nghề nhang cho biết, nghề làm nhang ở đây hoạt động quanh năm. Tuy nhiên, thời gian nhộn nhịp nhất bắt đầu từ đầu tháng chạp. “Thời điểm này, hầu như ai cũng tranh thủ làm để kiếm thêm thu nhập. Sản phẩm được tiêu thụ mạnh trong dịp Tết Nguyên đán nên mọi người phải hoạt động hết công suất mới có đủ nguồn hàng cung cấp cho thị trường” - cô Gỡ cho hay.

Hiện nay, sản phẩm của làng nghề làm nhang Bình Đức phong phú và đa dạng với nhiều chủng loại, như: nhang thường, nhang có hương thơm, nhang 3 cây (loại dùng để đón giao thừa, rước ông bà). Trong đó, các sản phẩm có mùi thơm dễ bán hơn. Ngoài ra, các mặt hàng này có giá cả phải chăng nên được người tiêu dùng ưa chuộng. Chị Nguyễn Thị Thúy Kiều (Chủ cơ sở kinh doanh nhang Bảy Khê trên địa bàn khóm Bình Đức 4) cho biết: “Những ngày bình thường, cơ sở bán lai rai, dịp Tết bán nhiều hơn, số lượng tăng khoảng 40-50%. Chủ yếu tập trung vào Tết Nguyên đán và rằm tháng giêng” - chị Kiều thông tin.

Tết là mùa làm ăn của các làng nghề trong tỉnh. Thời điểm này, việc sản xuất vất vả hơn ngày thường, song bù lại, doanh thu tăng cao hơn nên người dân trong làng nghề ai nấy đều phấn khởi. Đặc biệt, dịp này, các cơ sở trong làng nghề còn thu hút 1 lượng lớn lao động tham gia sản xuất. Qua đó, giúp nhiều người có thêm thu nhập trang trải cuộc sống trong dịp Tết đến, xuân về.

ĐỨC TOÀN