Dù thu nhập không cao, nhưng lao động ở các làng nghề truyền thống vẫn gắn bó với nghề
Về thăm làng nghề chằm nón lá ở xã Hòa Bình để thấy được nhịp sống hối hả của người dân nơi đây. Người chằm, người nứt, người chẻ, người vót vành… tất cả tạo thành một bức tranh đời sống làng quê sôi động.
Bà Lê Thị Bé Em, người dân làng nghề cho biết, nghề chằm nón không khó nhưng đòi hỏi phải tỉ mỉ và lâu công. Công đoạn nào cũng quan trọng, từ làm lá, xâu lá, lợp lá… Vành cũng phải được lựa chọn cẩn thận, tùy theo vị trí mà lựa chọn loại trúc thích hợp. Đến công đoạn chằm và nứt nón cũng phải tỉ mỉ, mỗi mũi kim phải đều, không được so le mới đẹp…
Cuối cùng, nón được quét 1 lớp dầu bóng pha với xăng để chống thấm nước, tăng độ bóng và độ bền cho sản phẩm. Nón được bán ở khắp các địa phương trong tỉnh và nhiều tỉnh, như: Đồng Tháp, Kiên Giang, Trà Vinh, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Cà Mau… và cả nước bạn Campuchia.
Làng nghề chằm nón lá xã Hòa Bình (huyện Chợ Mới) được UBND tỉnh An Giang công nhận làng nghề tiểu thủ công nghiệp truyền thống năm 2006, với 124 hộ gồm 250 lao động. Qua 18 năm duy trì và phát triển, làng nghề đã phát triển được 348 hộ, với gần 1.100 lao động.
Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Bình Võ Thanh Ngoan cho biết, sản phẩm của làng nghề đa dạng, đáp ứng nhu cầu thị hiếu của nhiều đối tượng. Giá nón lá (qua thương lái) dao động từ 35.000 - 50.000 đồng/nón tùy loại. Với lực lượng lao động đông đảo mà phụ nữ chiếm hơn 95%, thu nhập bình quân 3 triệu đồng/người/tháng.
Trong khi đó, trên địa bàn xã Tấn Mỹ (huyện Chợ Mới), làng nghề mộc và đan giỏ nylon hoạt động khá hiệu quả. Hiện tại, nghề mộc Tấn Mỹ có hơn 50 cơ sở sản xuất - kinh doanh. Trong khi đó, nghề đan giỏ nylon có khoảng 10 cơ sở sản xuất với 350 hộ tham gia. Mỗi năm 2 làng nghề này giải quyết việc làm cho hơn 1.000 lao động nhàn rỗi ở nông thôn với mức thu nhập dao động từ 3 - 8 triệu đồng/người/tháng tùy từng thời điểm.
Chị Phạm Thị Tuyết Oanh (đại diện làng nghề đan giỏ nylon xã Tấn Mỹ) cho biết, nghề làm giỏ nylon đã xuất hiện trên địa bàn xã cách đây khoảng 35 năm. Lúc đầu chỉ tập trung ở vài hộ dân, rồi mô hình phát triển ra toàn xã và vùng đất cù lao Giêng. Nghề đan giỏ có đặc điểm là gọn, nhẹ, đòi hỏi sự cần cù và độ khéo tay của người làm.
Một đặc điểm khác là nghề đan giỏ rất dễ học, dễ làm, lại tiện lợi, nên các chị em vừa có thể làm công việc nhà, vừa tranh thủ thời gian để đan giỏ, hay những lúc hoàn thành công việc đồng áng, lúc rảnh rỗi có thể tham gia đan giỏ để cải thiện thu nhập.
Làng nghề mộc xã Tấn Mỹ được UBND tỉnh An Giang công nhận làng nghề truyền thống từ năm 2006 với những sản phẩm nổi tiếng được bày bán rất đa dạng, như: Tủ áo, tủ thờ, tủ ly, giường ngủ, bàn, ghế... với kiểu dáng đẹp, trang nhã, sang trọng mà không cầu kỳ. Trong khi đó, làng nghề đan giỏ nylon được công nhận là làng nghề truyền thống từ năm 2014.
Để góp phần, nâng cao giá trị sản phẩm của 2 làng nghề, vừa qua, UBND xã Tấn Mỹ đã tạo mã QR để người tiêu dùng có thể dễ dàng tìm kiếm thông tin cũng như tìm kiếm những sản phẩm chất lượng phù hợp. Qua đó, giúp người dùng theo dõi nguồn gốc xuất xứ, chất lượng sản phẩm và quy trình sản xuất; chống hàng giả, hàng nhái và bảo vệ thương hiệu cho làng nghề. Đồng thời, tạo dựng niềm tin và sự tin tưởng của khách hàng đối với sản phẩm của làng nghề…
Huyện Chợ Mới còn có nhiều làng nghề nổi tiếng, như: làng nghề mộc Chợ Thủ, mộc Mỹ Luông, đan đát Long Giang… Các làng nghề ngày càng phát triển, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập, góp phần nâng cao đời sống cho người dân khu vực nông thôn.
Cùng với đó, làng nghề truyền thống còn giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa đặc sắc của mỗi địa phương. Đây không chỉ là niềm tự hào mà còn là câu chuyện về tinh thần đoàn kết, lao động, sáng tạo mà ông cha ta đã trao truyền qua nhiều thế hệ.
Hiện nay, một số sản phẩm của làng nghề truyền thống của huyện Chợ Mới có mẫu mã, chất lượng phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng, góp phần thúc đẩy phát triển ngành dịch vụ, du lịch của địa phương…
Để nâng tỷ trọng giá trị sản xuất trong các làng nghề nông thôn, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường, người dân và doanh nghiệp cần ứng dụng khoa học công nghệ trong hoạt động sản xuất; đẩy mạnh hoạt động thương mại, dịch vụ du lịch, giải quyết việc làm và tăng thu nhập người dân gắn với phát triển du lịch và bảo vệ môi trường…
MINH ĐỨC