Du khách cắm trại nghỉ dưỡng quanh hồ Nong Dùng, Hữu Lũng. (Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN)
Qua khảo sát của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lạng Sơn cho thấy, đa phần điểm du lịch cộng đồng ở các huyện Hữu Lũng, Bình Gia, Bắc Sơn cơ bản đáp ứng được nguồn nhân lực phục vụ, điều kiện tổ chức tiếp đón khách du lịch.
Nhiều điểm có thể kết nối để xây dựng tour, tuyến hấp dẫn; được cấp ủy, chính quyền xã và huyện quan tâm hướng dẫn, hỗ trợ…
Tuy nhiên, nhân lực của các làng du lịch cộng đồng vẫn còn nhiều hạn chế như thiếu kiến thức, kỹ năng phục vụ khách du lịch. Sản phẩm du lịch chưa đặc sắc và đa dạng, thiếu quà lưu niệm, quà tặng, hoạt động trải nghiệm nên chưa thu hút được nhiều khách du lịch lưu trú.
Việc duy trì, phát huy giá trị truyền thống văn hóa chưa được quan tâm đúng mức; chưa tạo được nét đặc trưng riêng của điểm du lịch gắn với giá trị văn hóa…
Cùng với đó, công tác vệ sinh môi trường còn hạn chế, một số hộ dân vẫn sử dụng nhà vệ sinh không đảm bảo; việc xử lý chất thải không đảm bảo gây mùi hôi và mất mỹ quan…
Trước thực trạng đó, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lạng Sơn Nguyễn Phúc Hà cho biết trong thời gian tới, ủy ban nhân dân các huyện, thành phố cần tiếp tục chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan chỉ đạo chính quyền địa phương tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân, đặc biệt là các hộ kinh doanh du lịch cộng đồng về xây dựng, đầu tư, phát triển du lịch cộng đồng cần thân thiện với môi trường, giảm thiểu chi phí, nâng cao hiệu quả.
Tỉnh tiếp tục đẩy mạnh truyền thông, quảng bá về các làng du lịch cộng đồng của Lạng Sơn đến với du khách trong và ngoài nước; nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ phụ trách công tác phát triển du lịch cộng đồng từ tỉnh đến cơ sở.
Các đơn vị chức năng tập trung đào tạo nguồn nhân lực trong du lịch cộng đồng như bồi dưỡng các kỹ năng, nghiệp vụ qua chương trình học tập thực tế; kết nối, phối hợp với các chuyên gia về du lịch cộng đồng để được tư vấn, hướng dẫn, hỗ trợ xây dựng các sản phẩm du lịch phụ trợ, tăng giá trị điểm đến, kéo dài thời gian lưu trú, chi tiêu của khách.
Bên cạnh đó, Lạng Sơn cần triển khai xây dựng mô hình điểm hoàn chỉnh, tạo ra sản phẩm đặc trưng, tạo nét khác biệt với các điểm du lịch cộng đồng khác, từ đó nhân rộng phát triển du lịch cộng đồng tại những địa phương có tiềm năng.
Ông Nguyễn Phúc Hà cũng đề xuất, kiến nghị Ủy ban Nhân dân tỉnh Lạng Sơn giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng kế hoạch của Ủy ban Nhân dân tỉnh về tập trung xây dựng điểm du lịch cộng đồng đặc trưng, trong đó có giải pháp, nhiệm vụ phù hợp để phấn đấu trong giai đoạn 2022-2025 có 2 điểm du lịch cộng đồng giành được Giải thưởng Du lịch ASEAN.
Giám đốc Công ty phát triển du lịch cộng đồng Việt Nam, Dương Minh Bình đánh giá cao lợi thế tài nguyên du lịch tự nhiên và văn hóa của tỉnh Lạng Sơn. Người dân đã nhận thấy vai trò, hiệu quả cải thiện đời sống kinh tế-xã hội khi tham gia vào hoạt động du lịch cộng đồng và tham gia đầu tư.
Chính quyền các cấp đã quan tâm vận động, tuyên truyền, hỗ trợ, hướng dẫn, định hướng phát triển du lịch cộng đồng.
Qua khảo sát, đơn vị chức năng cũng nhận thấy còn nhiều tiềm năng du lịch chưa được khai thác hiệu quả, tạo ra giá trị gia tăng để kéo dài thời gian lưu trú của khách du lịch.
Một số địa phương đang làm mất đi giá trị bản sắc văn hóa - một trong những yếu tố quan trọng dẫn đến thành công của điểm du lịch cộng đồng; chất lượng dịch vụ, thái độ phục vụ ở các địa phương còn đang ở mức sơ giản, chưa đồng đều…
Ông Dương Minh Bình cho rằng cơ quan quản lý nhà nước cần tiếp tục quan tâm hướng dẫn, hỗ trợ các hộ dân đa dạng hóa các sản phẩm du lịch từ ẩm thực, duy trì truyền thống văn hóa dân tộc - chìa khóa thành công của các mô hình homestay.
Địa phương cũng cần tổ chức các đoàn học tập kinh nghiệm để người dân được tiếp cận, nâng cao nhận thức; hỗ trợ quảng bá, giới thiệu hình ảnh các điểm du lịch cộng đồng; quản lý chất lượng dịch vụ, lồng ghép yếu tố về bảo tồn văn hóa thông qua bộ quy chuẩn về du lịch cộng đồng.
Lạng Sơn cần xây dựng sản phẩm du lịch phụ trợ, quan tâm đến các hoạt động trải nghiệm cho du khách trong vòng bán kính 30km2, gắn với các sản phẩm nông nghiệp như na, hồi, hoa đào… - những lợi thế của tỉnh.
Theo THÁI THUẦN (TTXVN)