Vùng trồng atiso tại Sa Pa. (Nguồn: laocaitv.vn)
Đánh giá, tiềm năng và cơ hội phát triển dược liệu của Lào Cai là rất lớn, Ủy ban Nhân dân tỉnh Lào Cai đăt mục tiêu đến năm 2030, cây dược liệu trở thành cây chủ lực trong phát triển nông nghiệp Lào Cai.
Tỉnh tập trung khai thác lợi thế về điều kiện tự nhiên, phát triển mở rộng diện tích cây dược liệu hàng năm và dược liệu dưới tán rừng trồng thành vùng nguyên liệu hàng hóa.
Tỉnh Lào Cai phấn đấu đến năm 2030, diện tích và chủng loại dược liệu hàng hóa có ưu thế trên địa bàn tỉnh lên 22 chủng loại chính với diện tích đạt 3.700ha, sản lượng đạt khoảng 16.000-17.000 tấn/năm; 100% diện tích và sản lượng cây dược liệu của vùng quy hoạch đảm bảo tiêu chuẩn thực hành tốt trồng trọt và thu hái cây thuốc của tổ chức Y tế Thế giới (GACP-WHO).
Đồng thời, địa phương nâng cao vai trò quản lý của nhà nước trong công tác tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, phấn đấu 100% sản lượng cây dược liệu được tổ chức theo chuỗi khép kín từ quản lý sản xuất đến tiêu thụ và chế biến sản phẩm để mang lại hiệu quả kinh tế cao, bền vững.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lào Cai, nửa đầu năm 2021, Lào Cai tiếp tục duy trì và mở rộng diện tích, sản lượng cây dược liệu với 536ha trồng mới; đạt sản lượng 9.116 tấn, giá trị ước đạt trên 200 tỷ đồng.
Cây dược liệu mang về hàng trăm tỷ đồng cho nông dân Lào Cai trong nửa đầu năm 2021 bất chấp dịch bệnh diễn biến phức tạp.
Với chủ trương chuyển dịch từ sản xuất nông nghiệp an sinh sang phát triển nông nghiệp hàng hóa, bất chấp đại dịch diễn biến phức tạp, giá trị một số cây trồng tăng từ 10-15% do có đầu tư chế biến, xuất khẩu và tăng giá trị thông qua các mô hình phát triển nông nghiệp.
Ngoài ra, để đảm bảo tính bền vững trong sản xuất, hiện nay, một số địa phương trên địa bàn tỉnh Lào Cai đã chuyển từ hợp đồng nguyên tắc sang ký hợp đồng liên kết sản xuất tiêu thụ dược liệu với doanh nghiệp.
Trong những năm qua, sản xuất dược liệu ở Lào Cai đã có sự phát triển mạnh mẽ và đạt được nhiều kết quả nổi bật. Diện tích trồng các loại cây dược liệu chính đạt 2.300ha, tăng 2,5 lần so với năm 2016, thu nhập bình quân đạt từ 120-150 triệu đồng/ha, tăng 25% so với năm 2016.
Vùng sản xuất dược liệu đã được tăng cường ứng dụng các biện pháp kỹ thuật nhằm tăng năng suất, chất lượng. Hiện có 4 cây dược liệu được Bộ Y tế đánh giá công nhận đạt các nguyên tắc, tiêu chuẩn “Thực hành tốt trồng trọt và thu hái cây thuốc.”
Có 8 sản phẩm dược liệu được công nhận là sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 4 sao. Nhiều sản phẩm là đặc trưng của Lào Cai phục vụ khách du lịch như cao atiso Sa Pa, chè dây, giảo cổ lam, tam thất, thuốc tắm người Dao đỏ.
Cây dược liệu của tỉnh Lào Cai đã dần xây dựng được thương hiệu đối với người tiêu dùng trong nước./.
Theo Vietnam+