Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc phụ trách các vấn đề nhân đạo và cứu trợ khẩn cấp Martin Griffiths phát biểu tại cuộc họp khẩn của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, ngày 6/6/2023. (Ảnh: Xinhua)
Ngày 6/6, Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc phụ trách các vấn đề nhân đạo và cứu trợ khẩn cấp Martin Griffiths lên tiếng cảnh báo về những hậu quả nghiêm trọng của vụ vỡ đập nhà máy thủy điện Kakhovka ở miền Nam Ukraine.
Phát biểu tại cuộc họp khẩn của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc diễn ra cùng ngày, ông Griffiths nhấn mạnh, vụ vỡ đập nhà máy thủy điện Kakhovka có thể là sự cố gây thiệt hại nghiêm trọng nhất đối với cơ sở hạ tầng dân sự kể từ khi cuộc xung đột Nga - Ukraine bắt đầu vào tháng 2/2022. "Mức độ nghiêm trọng của thảm họa sẽ được ghi nhận đầy đủ trong những ngày tới. Nhưng rõ ràng, vụ việc này sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với hàng nghìn người dân ở miền Nam Ukraine" – ông Griffiths nói.
Theo lý giải của quan chức Liên hợp quốc, hồ chứa Kakhovka, được hình thành bởi con đập chính là huyết mạch trong khu vực và là nguồn nước quan trọng cho hàng triệu người, không chỉ ở Kherson mà còn ở các tỉnh Zaporizhzhia và Dnipro. Con đập này là nguồn tưới tiêu nông nghiệp chính cho các khu vực miền Nam Kherson và bán đảo Crimean. “Lũ lụt kéo dài sẽ làm gián đoạn các hoạt động canh tác, gây thiệt hại cho vật nuôi và nghề cá, đồng thời gây ra những hậu quả lâu dài trên diện rộng… Đây là một đòn giáng mạnh vào lĩnh vực sản xuất thực phẩm vốn đã chịu nhiều sức ép” – ông Griffiths cảnh báo.
Từ những lập luận nêu trên, quan chức Liên hợp quốc bày tỏ quan ngại đặc biệt trước nguy cơ ô nhiễm bom mìn và vật liệu nổ. Theo ông Griffiths, khi dòng nước di chuyển nhanh sẽ cuốn trôi các vật thể đến những khu vực trước đây được đánh giá là an toàn, do đó khiến mọi người gặp nguy hiểm hơn với những mối đe dọa khó lường.
Bên cạnh đó, vụ vỡ đập cũng có thể ảnh hưởng tiêu cực đến việc sản xuất điện. Chưa kể tới bất kỳ sự sụt giảm không kiểm soát nào về mực nước của hồ chứa đều có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sự an toàn của nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia. “Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) đang theo dõi chặt chẽ tình hình. Cho đến nay, chưa có mối đe dọa tức thời nào được báo cáo” – ông Griffiths lưu ý.
Ông Griffiths cho biết, các nhà chức trách Ukraine đã báo cáo rằng ít nhất 40 khu định cư đã bị ngập lụt hoặc ngập lụt một phần ở tỉnh Kherson sau vụ vỡ đập. Mức thiệt hại dự kiến sẽ tăng lên trong những ngày tới, gồm cả ở các khu vực do Nga kiểm soát và khó tiếp cận đối với các nhân viên cứu trợ nhân đạo.
Trong bối cảnh trên, Liên hợp quốc và các tổ chức nhân đạo đã tăng cường nỗ lực để giảm thiểu tác động tiêu cực sau vụ vỡ đập. Ông Griffiths cho biết, một phản ứng khẩn cấp đang được tiến hành để hỗ trợ cho hơn 16.000 người bị ảnh hưởng.
Cũng theo ông Griffiths, Liên hợp quốc không có quyền truy cập vào nguồn thông tin độc lập tiết lộ hoàn cảnh dẫn đến việc con đập bị vỡ. Tuy nhiên, luật nhân đạo quốc tế đã quy định rất rõ ràng: Các khu vực có công trình trọng yếu như các con đập, phải được bảo vệ đặc biệt bởi việc phá hủy các công trình này có thể gây ra tổn thất nghiêm trọng cho dân thường.
“Hậu quả của việc không thể hỗ trợ cho hàng triệu người bị ảnh hưởng bởi lũ lụt ở những khu vực này là rất thảm khốc… Chúng tôi vô cùng quan ngại trước cuộc sống của những người ở các khu vực bị ảnh hưởng mà chúng tôi hiện không thể tiếp cận. Chúng tôi sẵn sàng di chuyển bất cứ lúc nào cùng các đoàn xe và nhân viên cứu trợ để tiếp cận tới các khu vực do Nga kiểm soát" – ông Griffiths nói.
Các nhà chức trách Ukraine cảnh báo sự cố vỡ đập có thể giải phóng 4,8 tỷ gallon nước và gây lũ lụt, ảnh hưởng tới cuộc sống của hàng trăm nghìn người. (Ảnh: Văn phòng Tổng công tố Ukraine/ AP)
Vụ vỡ đập Kakhovka ở vùng Kherson (Ukraine) đang trở thành nguồn cơn thổi bùng tranh cãi và khoét sâu mối quan hệ vốn không yên ả giữa Nga và Ukraine. Con đập bị "xé toạc" ngày 6/6, trong một diễn biến mà cả Nga và Ukraine đều "chỉ tay" vào bên còn lại vì cho rằng “con đập không phải tự nhiên mà vỡ”. Về phía Ukraine đã cáo buộc các lực lượng Nga cho nổ tung một con đập lớn thuộc khu vực do Nga kiểm soát ở khu vực tiền tuyến. Vụ việc này đã đe dọa cuộc sống của hàng trăm nghìn người trên khắp khu vực và có khả năng gây nguy hiểm cho nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu. Các quan chức hàng đầu ở Kiev thậm chí cáo buộc Moscow đã thực hiện một "cuộc tấn công khủng bố" và phát đi thông điệp cảnh báo quốc tế. Trong khi đó, các quan chức Nga lại đổ lỗi cho Ukraine và cho rằng, tình hình thực tế không quá nghiêm trọng như những gì Ukraine thông báo.
Trước những tranh cãi chưa có hồi kết giữa Nga và Ukraine, Tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres nhấn mạnh trước các phóng viên ở New York rằng, Liên hợp quốc không có thông tin độc lập để xác minh lý do tại sao con đập lại bị vỡ, song mô tả sự việc là "một minh chứng khác về cái giá khủng khiếp của chiến tranh mà con người phải hứng chịu”./.
Theo T.LAN (Báo Điện Tử Đảng Cộng Sản Việt Nam)