Liên kết chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp chủ lực

29/05/2023 - 06:14

 - Liên kết ấy được thực hiện chủ yếu thông qua hình thức tổ chức, doanh nghiệp (DN) ký kết hợp đồng liên kết sản xuất - tiêu thụ với tổ hợp tác (THT), hợp tác xã (HTX). HTX trở thành cầu nối, mắt xích quan trọng, gắn kết nông dân và DN, thúc đẩy quá trình thực hiện chuỗi liên kết.

Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang Nguyễn Sĩ Lâm, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị ngày càng được quan tâm. Toàn tỉnh có 210 HTX nông nghiệp, 2 liên hiệp HTX và 1.087 THT đang hoạt động. Giai đoạn 2016 - 2020, có 93 HTX tham gia liên kết sản xuất - kinh doanh theo chuỗi giá trị lúa gạo, gắn kết với 166 DN. Đến cuối năm 2022, tỉnh có 63 HTX nông nghiệp, 2 liên hiệp HTX và 180 THT tham gia 123.089ha (nâng diện tích liên kết từ năm 2021 - 2022 lên hơn 206.000ha).

Bên cạnh đó, tỉnh có 33 HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chủ yếu là: Cơ giới hóa đồng bộ trên cánh đồng (máy bay không người lái); trồng dưa lưới, rau màu trong nhà màng; canh tác (xoài, rau màu, lúa) theo tiêu chuẩn VietGAP...

Có 9 mô hình sản xuất lúa ứng dụng cơ giới hóa; HTX nông nghiệp (Tây Phú, Vĩnh Bình, Chợ Vàm, HTX sản xuất và tiêu thụ đường Thốt Nốt Nhơn Hưng) thực hiện Đề án thí điểm HTX kiểu mới trong liên kết tiêu thụ; 7 DN ký kết thỏa thuận hợp tác với UBND tỉnh; 9 DN ký kết thỏa thuận hợp tác với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, triển khai dự án đầu tư, liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản chủ lực với HTX, THT. 

Nhân rộng các hình thức liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị hàng hóa 

Lĩnh vực lúa nếp, có 37 DN liên kết 47 HTX nông nghiệp và 237 THT, diện tích hơn 82.700ha. Điển hình, Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời đầu tư hỗ trợ 38 máy gặt đập liên hợp, 19 máy cày, 23 máy cuộn rơm, 70 máy bay phun xịt để liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm với HTX nông nghiệp. Đồng thời, góp vốn, cử nhân sự công ty tham gia kinh doanh cùng HTX.

Theo Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh An Giang Trần Văn Cứng, đã có trên 70 HTX tiêu biểu tham gia chuỗi giá trị tiêu thụ sản phẩm chủ lực địa phương (lúa, gạo, xoài..).. Gần đây, HTX nông nghiệp mới được thành lập theo chương trình hợp tác giữa UBND tỉnh và Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời liên kết thực hiện vụ đông xuân 2022 - 2023, diện tích hơn 50.000ha. Kết quả, liên kết theo chuỗi góp phần tăng quy mô sản xuất hàng hóa, nâng cao lợi ích của thành viên. Nông dân áp dụng quy trình sản xuất hiện đại, nâng cao năng lực quản lý, điều hành, tổ chức sản xuất theo hợp đồng.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Liên minh HTX tỉnh, việc liên kết giá trị giữa HTX với DN còn nhiều hạn chế. Một số HTX hoạt động hiệu quả không cao, thiếu nhân lực chủ chốt. Tỷ lệ lúa gạo, cây ăn trái được tiêu thụ thông qua hợp đồng giữa HTX và DN còn thấp.

Hợp đồng tiêu thụ bộc lộ nhiều điều khoản lỏng lẻo; ý thức tuân thủ hợp đồng của nông dân không cao, thường bán lúa cho người mua hoặc DN khác khi giá thị trường cao hơn giá hợp đồng đã ký... Có DN, HTX đưa ra điều khoản hợp đồng không phù hợp với điều kiện sản xuất của nông dân, không thực hiện đúng điều khoản ký kết; chưa hình thành vùng sản xuất liền canh diện tích lớn (500ha trở lên)... 

Để khắc phục tồn tại trên, Liên minh HTX tỉnh đề xuất tổ chức lại sản xuất theo nguyên chuỗi giá trị; nhân rộng mô hình HTX nông nghiệp kiểu mới với sự tham gia của DN địa phương có nền tảng tốt về liên kết và tiêu thụ. Tiếp tục củng cố, nâng chất HTX, phát triển thêm nhiều loại hình dịch vụ, kết nạp thêm thành viên; hỗ trợ những HTX này trở thành trung tâm liên kết giữa nông dân với DN, liên kết chuỗi giá trị từ đầu vào đến đầu ra, gắn ứng dụng công nghệ cao. 

Phát triển HTX nông nghiệp gắn với liên kết chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực của tỉnh từ nay đến năm 2025, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang đề ra giải pháp: Tăng cường tuyên truyền cho người dân hiểu rõ vai trò quan trọng, lợi ích khi tham gia HTX, tham gia liên kết sản xuất; tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể. Khuyến khích DN tham gia vào hoạt động HTX, hình thành HTX kiểu mới, từng bước phát triển chuỗi giá trị liên kết ổn định, bền vững; khuyến khích HTX thành lập liên hiệp HTX...

Cùng với đó, đẩy mạnh cơ giới hóa đồng bộ trên đồng ruộng, từ sản xuất đến thu hoạch; chuyển giao tiến bộ kỹ thuật về nông nghiệp; hỗ trợ HTX ứng dụng công nghệ cao, tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất; nhân rộng hình thức liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị hàng hóa đối với sản phẩm chủ lực của tỉnh, phù hợp với tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

HẠNH CHÂU