Liên kết lớn trên cây lúa

17/11/2022 - 06:03

 - Thông qua hợp tác xã (HTX), doanh nghiệp (DN) đặt hàng nông dân sản xuất lúa; cung ứng giống, vật tư nông nghiệp, hướng dẫn kỹ thuật, ứng dụng tiến bộ công nghệ trên đồng ruộng và thu mua toàn bộ sản phẩm. Khi đó, DN có được nguồn nguyên liệu lúa chất lượng phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu; nông dân yên tâm đầu vào, đầu ra, được đảm bảo quyền lợi thông qua tổ chức đại diện là HTX.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn A Giang Nguyễn Sĩ Lâm đề nghị các ngành, địa phương hỗ trợ Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời triển khai liên kết

Tăng cường liên kết

Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật An Giang Nguyễn Văn Hiền cho biết, vụ đông xuân 2022-2023, toàn tỉnh dự kiến xuống giống 248.945ha (lúa 228.527ha, màu 16.775ha, vụ mùa 3.643ha). Ước năng suất lúa bình quân vụ đông xuân 7,4 tấn/ha, sản lượng đạt khoảng 1,7 triệu tấn; vụ mùa ước năng suất 4,16 tấn/ha, sản lượng đạt 15.156 tấn.

Vụ đông xuân 2022-2023, các DN có kế hoạch liên kết và tiêu thụ 147.350ha. Trong đó, Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời có kế hoạch liên kết và tiêu thụ 110.000ha. Để thực hiện đạt kế hoạch này, công ty đã triển khai 3.720 cuộc làm việc với 23.980 nông dân tham dự tại các huyện trên địa bàn tỉnh An Giang. Đến ngày 13/11/2022, Tập đoàn Lộc Trời đã triển khai ký hợp đồng thông qua các HTX, tổ hợp tác và các hộ nông dân với diện tích 18.840ha, đạt 17,13% kế hoạch.

Từ nay đến cuối năm 2022 được xem là giai đoạn nước rút triển khai liên kết theo từng tiểu vùng sản xuất, nhằm chủ động tiêu thụ sản lượng lúa theo tiến độ thu hoạch. Dự kiến đến cuối tháng 11, Tập đoàn Lộc Trời sẽ triển khai ký hợp đồng với nông dân, HTX, tổ hợp tác thêm 43.451ha; trong tháng 12/2022, sẽ triển khai ký hợp đồng thêm 47.715ha.

Theo ông Nguyễn Văn Hiền, tháng 11 và tháng 12/2022 là thời điểm thuận lợi triển khai liên kết, do mực nước xuống thấp, thích hợp để nông dân xuống giống tập trung vụ đông xuân 2022-2023. Uớc diện tích giống trong tháng 11 khoảng 26.000ha (tập trung ở vùng sản xuất 2 vụ và vùng 3 vụ có xả lũ thuộc huyện Tri Tôn, Tịnh Biên, An Phú, Châu Phú và Phú Tân); ước diện tích xuống giống đại trà trong tháng 12/2022 khoảng 180.000ha, ở tất cả các huyện; diện tích còn lại xuống giống đến ngày 15/1/2023 khoảng 22.000ha, ở các vùng thu hoạch vụ thu đông 2022 trễ.

Nhằm đạt chỉ tiêu liên kết và tiêu thụ 110.000ha, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) An Giang Nguyễn Sĩ Lâm vừa chủ trì cuộc họp triển khai kế hoạch liên kết tiêu thụ với Tập đoàn Lộc Trời trong vụ đông xuân 2022-2023. Cùng dự có Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh An Giang Trần Văn Cứng; Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh An Giang Võ Chí Hùng.

Ngoài đại diện Tập đoàn Lộc Trời, các phòng, đơn vị trực thuộc Sở NN&PTNT, các trạm khuyến nông, trạm thủy lợi liên huyện cũng tham gia cuộc họp, nhằm hỗ trợ Tập đoàn Lộc Trời triển khai kế hoạch được thuận lợi.

Xây dựng hợp tác xã

Ông Võ Văn Vang (Giám đốc Vùng 3 Cây lúa của Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời) cho biết, phía Tập đoàn Lộc Trời triển khai một số chính sách liên kết sản xuất lúa trên địa bàn An Giang với quy định vùng nguyên liệu diện tích tối thiểu 100ha, cơ cấu giống Jasmine 85, OM18, OM5451, nếp, DS1, Lộc Trời 18, Lộc Trời 28. Nông dân tham gia liên kết sản xuất trong vùng nguyên liệu có lợi nhuận hơn so với bên ngoài. Cơ cấu giống đa dạng, nhiều phương thức liên kết cho HTX, nông dân chọn lựa.

Bên cạnh vùng nguyên liệu lúa, Tập đoàn Lộc Trời sẽ đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu nếp chất lượng cao tại huyện Phú Tân với diện tích dự kiến 10.000ha, canh tác theo tiêu chuẩn chất lượng cao để xuất sang Châu Âu. Tập đoàn Lộc Trời đã có biên bản ký kết với UBND huyện Phú Tân để triển khai vùng nguyên liệu này.

Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Sĩ Lâm đề nghị Tập đoàn Lộc Trời tiếp tục triển khai ký hợp đồng liên kết tại các vùng nguyên liệu và đảm bảo thu mua hết diện tích đã ký kết; khắc phục những hạn chế của chuỗi liên kết; nâng chất cũng như thành lập mới các HTX theo biên bản phối hợp giữa UBND tỉnh và Công ty Cổ phần Tập đoàn Tập đoàn Lộc Trời. Ông Lâm đề nghị các đơn vị chuyên môn ngành nông nghiệp, các địa phương trên địa bàn tỉnh tiếp tục hỗ trợ, đồng hành cùng Tập đoàn Lộc Trời triển khai họp dân, mở rộng các vùng liên kết tiêu thụ tại các địa phương trên toàn tỉnh.

Nhằm tăng cường trách nhiệm các bên, Sở NN&PTNT, Hội Nông dân tỉnh, Liên minh HTX tỉnh và Công ty TNHH Dịch vụ nông nghiệp Lộc Trời (thuộc Công ty Cổ phần Tập đoàn Tập đoàn Lộc Trời) đã ký kết Biên bản ghi nhớ thỏa thuận hợp tác “Phát triển xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ lúa, nếp trên địa bàn tỉnh An Giang”.

Theo nội dung hợp tác, Tập đoàn Lộc Trời sẽ hỗ trợ phát triển mới 180 HTX nông nghiệp trong giai đoạn 2022-2025 gắn với diện tích sản xuất nông nghiệp; Tập đoàn Lộc Trời tiêu thụ toàn bộ lượng nông sản trên diện tích liên kết, hình thức liên kết đa dạng; thực hiện dự án xây dựng thương hiệu “Gạo An Giang”; phối hợp triển khai cấp mã số vùng trồng trên cây lúa trong vùng nguyên liệu liên kết với Tập đoàn Lộc Trời.

Bên cạnh lúa, nếp, đến năm 2025, Tập đoàn Lộc Trời thực hiện liên kết tiêu thụ rau màu 600ha và cây ăn trái 1.560ha; tập huấn, hướng dẫn cho nông dân An Giang sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả, đúng quy định; ưu tiên sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học và giảm sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật hóa học trên đồng ruộng.

Theo ông Võ Văn Vang, đến nay, Tập đoàn Lộc Trời đã hỗ trợ phát triển được 40 HTX nông nghiệp trên địa bàn An Giang, đang hỗ trợ thêm 8 HTX để đến cuối năm 2022 đạt 48 HTX. Năm 2023, số HTX gắn với Tập đoàn Lộc Trời nâng lên con số 100. Dự kiến năm 2025, phát triển 200 HTX (trong đó có 3 liên hiệp HTX chuyên ngành), vượt chỉ tiêu đề ra.

NGÔ CHUẨN