Liên kết sản xuất để nông sản được tiêu thụ tốt hơn

12/02/2020 - 08:30

 - Liên kết sản xuất để nông sản làm ra được tiêu thụ tốt hơn là một trong những nhu cầu bức thiết đặt ra trong bối cảnh hiện nay.

Thực trạng

Khảo sát tại các địa phương cho thấy, những ngày qua, khi dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (nCoV) xuất hiện, Trung Quốc tiến hành các biện pháp ngăn ngừa dịch bệnh lây lan, họ đóng cửa biên giới để kiểm soát dịch bệnh, từ đó các mặt hàng nông sản như: lúa, gạo, cá tra, trái cây và nhiều mặt hàng khác bị ảnh hưởng.

Tại thị trường nội tỉnh An Giang, ngoài lúa và cá tra, mặt hàng xoài Keo, xoài Tượng da xanh, mít, ớt… bị “rớt” giá mạnh, ảnh hưởng đến thu nhập của người nông dân. Ở các địa phương có diện tích trồng xoài Keo nhiều, như: xã Khánh An, Khánh Bình (An Phú); xã Vĩnh Xương, Vĩnh Hòa (TX. Tân Châu); xã An Thạnh Trung, Mỹ An (Chợ Mới)… giá xoài ép nước được thương lái thu mua chỉ có 3.000 đồng/kg, giảm mạnh so với trước.

“Những nông dân có hợp đồng bao tiêu với doanh nghiệp (DN) thì việc tiêu thụ diễn ra bình thường. Đối với những nông dân không ký hợp đồng tiêu thụ với DN thì gặp khó khăn, vì xoài xuất sang Trung Quốc không được, thương lái hạn chế thu mua” - Giám đốc Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp Long Bình Nguyễn Văn Minh chia sẻ.

An Giang là tỉnh nông nghiệp, nhận thức được vấn đề này, ngay từ rất sớm, tỉnh đã có chủ trương đẩy mạnh phát triển phong trào kinh tế hợp tác thông qua mô hình HTX và tổ hợp tác (THT). Song, qua 15 năm phát triển phong trào HTX, tính đến nay, toàn tỉnh mới đạt 138 HTX nông nghiệp với 12.083 thành viên, trong đó HTX sản xuất lúa chiếm số đông; các lĩnh vực như: thủy sản, chăn nuôi, cây ăn trái chiếm tỷ lệ thấp…

Mới đây, tại Hội nghị sơ kết tình hình phát triển HTX nông nghiệp, liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản được UBND tỉnh tổ chức, hội nghị đã chỉ ra, nơi nào có phong trào kinh tế hợp tác phát triển tốt thì nơi đó, việc tiêu thụ nông sản hàng hóa của nông dân được thuận lợi. Tại hội nghị, các đại biểu đã phân tích những tồn tại, hạn chế của việc phát triển phong trào kinh tế hợp tác, liên kết tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh thời gian qua.

Giải pháp

Đánh giá về những hạn chế, tồn tại, nhiều đại biểu cho rằng, sở dĩ việc liên kết trong tiêu thụ sản phẩm giữa DN và nông dân chưa được như mong đợi là do nhiều nông dân, mặc dù đã nhận thức được lợi ích và hiệu quả của việc tham gia liên kết sản xuất, nhưng chưa thật sự tin tưởng nên tham gia còn hạn chế.

Nông dân vẫn chưa tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật của DN đề ra, chưa quen với hình thức liên kết (còn thói quen bán nông sản qua thương lái), quy mô sản xuất của nông dân còn nhỏ lẻ, gây khó khăn và ảnh hưởng đến sản lượng tiêu thụ của DN, từ đó dẫn đến việc mở rộng diện tích qua các năm rất hạn chế.

Về phía DN, vẫn còn nhiều DN chưa quan tâm xây dựng vùng nguyên liệu, liên kết sản xuất với nông dân và HTX nông nghiệp. Một số DN có đăng ký nhưng thực tế triển khai thấp hơn diện tích đăng ký ban đầu, gây nhiều khó khăn trong công tác vận động nông dân của các cơ quan quản lý nhà nước, đoàn thể ở địa phương.

Liên kết sản xuất để nông sản làm ra tiêu thụ được tốt hơn. Từ chủ trương này, trong năm 2020, ngành nông nghiệp đã đề ra kế hoạch thực hiện liên kết tiêu thụ nông sản làm ra trên diện tích khoảng 80.000ha với 30 DN. Trong đó, vụ đông xuân 2019-2020 là 35.000ha, vụ hè thu 2020 là 20.000ha; vụ thu đông 2020 là 25.000ha.

“Trong liên kết, chúng ta sẽ ưu tiên thực hiện với các DN có cung ứng vật tư, giống; có đầu tư hạ tầng phục vụ liên kết như: kho bãi, cơ sở chế biến” - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Sĩ Lâm lưu ý.

Tiếp tục xây dựng mới các HTX có bổ sung nhân sự từ DN hoặc có các nhân tố trẻ, có trình độ cơ bản vào củng cố nâng cao năng lực quản lý, năng lực sản xuất - kinh doanh của các HTX tham gia các chuỗi giá trị nông sản an toàn, chất lượng cao.

Thực hiện các chính sách theo quy định tại Nghị định số 98/2018/NĐ-CP ngày 05-7-2018 của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp và các quy định khác để hỗ trợ cho các đối tượng tham gia chuỗi liên kết về hạ tầng, xây dựng mô hình khuyến nông, hỗ trợ vật tư, ứng dụng khoa học - kỹ thuật, nâng cao năng lực và tiếp cận thị trường, để nông sản của nông dân làm ra được tiêu thụ dễ dàng hơn.

“Một trong những giải pháp để đẩy mạnh liên kết, tiêu thụ nông sản được thuận lợi, ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục củng cố, nâng cao vai trò và hiệu quả hoạt động của HTX, THT trong nông nghiệp; phát triển kinh tế tập thể gắn với xây dựng nông thôn mới và tái cơ cấu nông nghiệp. Tập trung nguồn lực hỗ trợ các HTX có ứng dụng khoa học và công nghệ, công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp nhằm tạo ra giá trị sản phẩm hàng hóa chất lượng, an toàn” - ông Nguyễn Sĩ Lâm khẳng định.

 

Bài, ảnh: MINH HIỂN