Đưa vào hợp tác xã sản xuất
Thực hiện theo chỉ đạo UBND huyện Phú Tân về củng cố, nâng chất các hợp tác xã nông nghiệp (HTX) trên địa bàn huyện, HTX nông nghiệp Phú Thạnh đã mở rộng dịch vụ trồng dưa lưới công nghệ cao trên đất lúa kém hiệu quả. Được sự hỗ trợ của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng nguồn vốn của huyện, HTX nông nghiệp Phú Thạnh thực hiện nhà màng 1.000m2 trồng dưa lưới, là HTX nông nghiệp đầu tiên trên địa bàn huyện ứng dụng công nghệ cao vào chuyển đổi cơ cấu cây trồng.
Các thành viên được HTX chọn trực tiếp trồng dưa lưới đã học tập kỹ thuật, phối hợp chặt chẽ với đơn vị chuyển giao mô hình nhằm đảm bảo tiến hành đầy đủ, chính xác quy trình. Hơn 50 năm kinh nghiệm trồng lúa, nếp, ông Nguyễn Thành Lộc (thành viên HTX) cho rằng, cây dưa lưới khá mới mẻ đối với nông dân và vùng đất này. Từ những khó khăn ở 2 vụ trước, ông Lộc và các thành viên rút ra nhiều kinh nghiệm, đến vụ dưa thứ 3 đã đổi qua 3 giống dưa trồng khác nhau, dù trước đó vẫn có hiệu quả, nhưng vụ này mới có hiệu quả kinh tế vượt trội.
Dưa lưới được liên kết sản xuất và tiêu thụ đem lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân
Nhà màng trồng tổng cộng 2.700 gốc dưa lưới giống Hà Lan, loại vỏ vàng, ruột xanh, cho chất lượng trái ngon, đạt trọng lượng từ 1,5-2kg/trái, ít bị hao hụt và số lượng dưa đạt chuẩn loại 1 chiếm tỷ lệ trên 80%. Đợt này, HTX thu hoạch trên 3 tấn dưa lưới, hợp đồng với công ty giá bán 30.000 đồng/kg, trừ chi phí còn lợi nhuận 35 triệu đồng.
Phó Giám đốc HTX nông nghiệp Phú Thạnh Nguyễn Văn Lâm nhận định: “Hiện nay, 1.000m2 đất lúa chỉ thu về lợi nhuận hơn 1 triệu đồng, còn trồng dưa lưới trong 75 ngày mang về giá trị lợi nhuận trên 20 triệu đồng. Đối với mô hình này, kinh phí đầu tư ban đầu khá lớn, nhưng hiệu quả kinh tế mang lại lâu dài, rất thiết thực, thành viên HTX đều mong muốn tiếp tục mở rộng mô hình trên những vùng đất lúa, nếp kém hiệu quả”.
Hướng tới sản phẩm OCOP
Cách đây 4 năm, dưa lưới được chọn là mô hình khởi nghiệp của nhóm nông dân trẻ ở 2 xã Tân Hòa và Bình Thạnh Đông. Sau đó, mô hình được chị Nguyễn Thị Huyền Trinh Chị duy trì sản xuất riêng, có công ty bao tiêu sản phẩm. Tích lũy kinh nghiệm, chị Trinh Chị hướng dẫn người thân cùng sản xuất nhân rộng tại xã Bình Thạnh Đông. Nhà màng áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt, sử dụng hoàn toàn phân bón hữu cơ, mỗi vụ thu lợi nhuận từ 40-50 triệu đồng.
Trong xã còn có nhà màng dưa lưới mới hình thành ở ấp Bình Đông 2 của anh Thái Vĩnh Phú. Vườn dưa cho thu hoạch vụ đầu tiên đạt năng suất hơn 3 tấn, giá bán từ 19.000 đồng/kg (loại 2) đến 29.000 đồng/kg (loại 1). Anh Phú cho biết, đã đầu tư khoảng 500 triệu đồng cho tất cả thiết bị, giống, nguyên liệu… trên nền đất trước đây trồng lúa. Tổng diện tích nhà màng khoảng 1.800m2, trồng 2.700 gốc dưa lưới, xung quanh có thêm ao lắng phục vụ nước tưới cho cây trồng.
Theo anh Phú, ở vùng nông thôn, mô hình này vẫn còn mới mẻ và nhiều tiềm năng phát triển. Dưa lưới trồng trong nhà màng có thiết bị phun sương, tưới nhỏ giọt, đo nhiệt độ… giúp giảm nhân công lao động và chi phí sản xuất. Cây trồng còn được quản lý về dinh dưỡng, cách chăm sóc nghiêm ngặt nên đảm bảo chất lượng an toàn. Giống dưa lưới anh Phú trồng là F1TL3 do HTX nông nghiệp công nghệ cao DH Farm (huyện An Phú) cung cấp, đồng thời hợp đồng bao tiêu toàn bộ sản phẩm.
Chủ tịch Hội Nông dân xã Bình Thạnh Đông Mai Duy Linh cho biết, đầu năm 2021, xã đã thành lập tổ hợp tác trồng dưa lưới với 3 hộ dân tham gia. Nông dân được cung cấp giống chuẩn, hỗ trợ kỹ thuật, vật tư nông nghiệp trong quá trình canh tác. Để tiếp sức cho mô hình này phát triển, địa phương hỗ trợ cho các hộ dân tổng cộng 200 triệu đồng từ nguồn vốn xây dựng nông thôn mới. Hội Nông dân mời người trồng tham gia lớp tập huấn kỹ thuật, tham quan và học hỏi cách thức hoạt động tổ hợp tác ở các địa phương khác.
“Dưa lưới cho hiệu quả kinh tế khá cao, bình quân từ 40-60 triệu đồng/vụ và có thể canh tác 4 vụ trong năm. Xã đã chọn dưa lưới để trở thành sản phẩm nông nghiệp đạt chuẩn OCOP trong tương lai” - ông Linh nhấn mạnh.
Trong 3 năm qua, huyện Phú Tân đã phát triển 6 nhà màng trồng dưa lưới (trong tổng số 88 mô hình trồng trọt công nghệ cao), có 1 nhà dân tự đầu tư. Trong đó có 4 nhà màng dưa lưới thu hoạch hàng năm khoảng 56 tấn, tổng doanh thu 1,68 tỷ đồng. Mục tiêu lâu dài địa phương hướng tới cho các hộ sản xuất là mô hình kinh tế hợp tác ổn định, tạo được sự liên kết chặt chẽ giữa sản xuất và tiêu thụ, có thương hiệu riêng và đủ sức cạnh tranh về giá với các sản phẩm cùng loại.
|
MỸ HẠNH