Liên kết tiêu thụ lúa Hè Thu, nông dân trúng giá, bội thu

09/11/2023 - 14:55

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, trong vụ Hè Thu 2023, nông dân địa phương đã xuống giống được trên 68.000 ha; trong đó, vùng kiểm soát lũ đầu nguồn sông Tiền xuống giống được trên 24.000 ha, diện tích còn lại nằm trong vùng ngọt hóa Gò Công phía Đông tỉnh.

Thu hoạch lúa Hè Thu bằng cơ giới ở xã Mỹ Thành Nam, huyện Cai Lậy. 

Nhờ phân bố lịch thời vụ hợp lý theo hướng né lũ đối với vùng đầu nguồn sông Tiền và né hạn mặn đối với vùng ngọt hóa Gò Công phía Đông tỉnh Tiền Giang, đến đầu tháng 11/2023, Tiền Giang đã thu hoạch dứt điểm 100% diện tích, đảm bảo an toàn và giảm nhẹ thiên tai gây hại. Vụ này, nông dân trúng mùa, trúng giá, bội thu. Bình quân năng suất đạt 56,1 tạ/ha và sản lượng trên 383.000 tấn lúa hàng hóa.

Vụ Hè Thu 2023, thương lái thu mua lúa tươi của nông dân với giá từ 7.500 - 8.000 đồng/kg, cao hơn từ 900 - 2.400 đồng/kg so với vụ Hè Thu năm trước. Sau khi trừ chi phí, nông dân còn lãi từ 25 - 30 triệu đồng/ha/vụ, cao nhất từ trước đến nay.

Đáng chú ý, trong vụ Hè Thu năm nay, các hợp tác xã nông nghiệp trong tỉnh phát huy vai trò tập hợp nông dân, liên kết với doanh nghiệp theo mô hình chuỗi giá trị, giải quyết đầu ra cho hạt lúa hàng hóa, bà con an tâm sản xuất, thâm canh giành những vụ mùa bội thu.

Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Mẫn, trong vụ Hè Thu 2023, toàn tỉnh có 42 hợp tác xã nông nghiệp thực hiện mô hình sản xuất và tiêu thụ lúa theo chuỗi giá trị, tập trung ở các huyện trọng điểm về sản xuất nông nghiệp là: Cai Lậy, Cái Bè, Châu Thành, Gò Công Đông, Gò Công Tây.

Phương thức liên kết chủ yếu theo các hình thức thỏa thuận thống nhất giữa đôi bên như: Đầu tư giống, vật tư nông nghiệp đầu vào gắn với chuyển giao kỹ thuật và bao tiêu đầu ra; đầu vụ hợp đồng bao tiêu lúa theo giá thị trường hoặc giá cố định tùy theo thỏa thuận giữa doanh nghiệp và nông dân nhưng không đầu tư vật tư đầu vào...

Thông qua liên kết, các hợp tác xã và các đối tác, doanh nghiệp, thương nhân kinh doanh lúa gạo đã đảm bảo cung ứng vật tư nông nghiệp cũng như thu mua lúa cho nông dân với giá tốt hơn so với bên ngoài chuỗi liên kết.

Ước tính, tổng diện tích trong mô hình liên kết chuỗi giá trị giữa các hợp tác xã và doanh nghiệp, thương nhân trong ngoài tỉnh trong vụ Hè Thu 2023 đạt khoảng 5.000 ha. Lúa trong mô hình liên kết chuỗi giá trị đạt năng suất thu hoạch từ 65 - 70 tạ/ha và sản lượng trên 32.000 tấn lúa hàng hóa. Trong mô hỉnh liên kết chuỗi giá trị, bà con được doanh nghiệp bao tiêu với giá cao hơn bên ngoài từ 100 - 200 đồng/kg. Nhờ vậy, góp phần giúp nông dân có thêm nguồn thu nhập khá.

Theo Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Mỹ Thành Nam (xã Mỹ Thành Nam, huyện Cai Lậy) Lê Văn Hưng, trong vụ Hè Thu 2023, hợp tác xã tiếp tục liên kết với Công ty TNHH ADC (Cần Thơ) trồng 100 ha lúa OM 5451 theo GlobalGAP. Vụ này, bà con đã thu hoạch toàn bộ diện tích trước khi lũ từ thượng nguồn sông Cửu Long tràn về với năng suất bình quân 70 tạ/ha. Giá lúa hàng hóa được doanh nghiệp bao tiêu trên 8.500 đồng/kg, cao hơn thị trường khoảng 1.000 đồng/kg, nông dân rất phấn khởi.

Huyện Cái Bè nằm đầu nguồn sông Tiền đã liên kết với các doanh nghiệp: Công ty cổ phần Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh GREENSTASR, Công ty TNHH Một thành viên Phước Lộc Thiên Hộ, Công ty TNHH Hoàn Châu - Á Châu… thực hiện việc bao tiêu hạt lúa hàng hóa với giá ổn định, nông dân có lãi cao.

Thu hoạch lúa Hè Thu ở huyện Cai Lậy. 

Huyện Gò Công Tây nằm trong vùng dự án ngọt hóa Gò Công, tiên phong nhân rộng các mô hình liên kết sản xuất trên cây lúa, nâng cao hiệu quả canh tác và nông dân hưởng lợi. Theo đó, trong năm 2023, nông dân Gò Công Tây tham gia xây dựng 11 mô hình cánh đồng lớn trên 3.000 ha, chiếm gần 33% tổng diện tích canh tác của địa phương.

Các doanh nghiệp tích cực tham gia mô hình liên kết sản xuất tại huyện Gò Công Tây như: Công ty TNHH Vinh Hiển, Doanh nghiệp tư nhân Phước Thành, Doanh nghiệp tư nhân Bá Tước...

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Gò Công Tây Lê Thị Thanh Minh đánh giá, mô hình liên kết bao tiêu sản phẩm giữa các đơn vị kinh tế tập thể với doanh nghiệp như trên mang lại nhiều lợi ích cho nông dân vừa giúp phát triển bền vững nghề trồng lúa tại địa phương.

Ngoài ra, trong vụ Hè Thu 2023, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang còn tích cực chuyển giao kỹ thuật thâm canh, hướng nông dân sử dụng phổ biến các giống lúa chất lượng cao vào sản xuất, áp dụng 3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm, cơ giới hóa các khâu canh tác, giảm thất thoát, giảm nhẹ thiên tai, nâng chất lượng hạt lúa hàng hóa… Từ đó, đã giúp nâng cao trình độ canh tác lúa cho bà con.

Đây là cơ sở để Tiền Giang đúc kết kinh nghiệm, nhân rộng những mô hình mới, cách làm hay trong sản xuất vụ Đông Xuân 2023 - 2024 theo hướng thích ứng biến đổi khí hậu, giảm nhẹ thiên tai.

Theo TTXVN