Lộ trình tắt sóng 2G

11/09/2024 - 07:53

 - Kể từ ngày 16/9/2024, các nhà mạng trên cả nước sẽ phải tắt sóng 2G theo lộ trình. Những chiếc điện thoại và SIM chỉ sử dụng sóng 2G - 2G only sẽ không nghe gọi được nữa. Vì vậy, người dân cần chuyển đổi sang sử dụng điện thoại và SIM 4G để đảm bảo thông tin liên lạc.

Điện thoại không thể sử dụng được khi tắt sóng 2G (Nguồn: Internet)

Chủ trương, định hướng dừng công nghệ di động 2G và phổ cập điện thoại thông minh được Thủ tướng Chính phủ đưa ra tại Quyết định 749/QĐ-TTg về Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, tầm nhìn 2030 đặt mục tiêu phổ cập dịch vụ mạng di động 4G/5G và phổ cập điện thoại di động thông minh tại Việt Nam. Và Quyết định 36/QĐ-TTg, ngày 11/1/2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền thông (TT&TT) thời kỳ 2021 - 2023, tầm nhìn năm 2050 đưa ra định hướng về phát triển hạ tầng viễn thông, trong đó yêu cầu thực hiện lộ trình dừng công nghệ di động cũ (2G/3G) và thúc đẩy việc triển khai chương trình “Mỗi người dân một máy điện thoại thông minh” là nội dung của phương án phát triển Băng rộng di động đến người sử dụng.

Cụ thể, theo Bộ TT&TT, kể từ ngày 16/9/2024, không cung cấp dịch vụ cho thiết bị đầu cuối thuê bao chỉ hỗ trợ tiêu chuẩn GSM (hệ thống 2G), trừ trường hợp cung cấp dịch vụ cho thiết bị đầu cuối thuê bao kết nối vào mạng GSM cho mục đích truyền, nhận dữ liệu giữa thiết bị với thiết bị (M2M) hoặc cung cấp dịch vụ tại khu vực quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa, nhà giàn DK.

Hệ thống thông tin di động GSM (2G) được tiếp tục sử dụng đến hết ngày 15/9/2026, trừ trường hợp cung cấp dịch vụ tại khu vực quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa, nhà giàn DK. Căn cứ quy hoạch các băng tần 900MHz/1800MHz, Bộ TT&TT sẽ không cấp phép lại việc sử dụng các băng tần 900MHz/1800MHz nếu doanh nghiệp (DN) không có phương án đảm bảo không còn thuê bao sử dụng thiết bị đầu cuối chỉ hỗ trợ tiêu chuẩn GSM (2G only) hoạt động trên mạng từ ngày 16/9/2024.

Bên cạnh đó, các DN hỗ trợ thuê bao chuyển đổi sang sử dụng máy điện thoại công nghệ cao hơn, như: Thực hiện chương trình hỗ trợ kinh phí mua máy Smartphone 4G; điện thoại Feature Phone 4G; ban hành các gói cước hỗ trợ thuê bao chuyển đổi thực hiện đến ngày 16/9/2024.

Đồng thời, các DN thực hiện ngăn chặn nhập mạng các máy điện thoại 2G không chứng nhận hợp quy. Các DN phát triển các trạm thu phát sóng di động đảm bảo vùng phủ mạng 4G thay thế mạng 2G khi dừng hệ thống 2G và hoàn thành trước tháng 9/2026.

Người dân chuyển thuê bao từ 2G lên 4G có rất nhiều lợi ích, trong đó có dịch vụ 4G giúp cho người dân có tốc độ truy cập tốt hơn. Dùng 4G sẽ tiếp cận được các dịch vụ số, như: Giáo dục, y tế, thanh toán trực tuyến và an toàn bảo mật dữ liệu tốt hơn so với 2G rất nhiều. Với người dân, việc tắt sóng 2G sẽ giúp các thuê bao chuyển sang dịch vụ 4G chất lượng cao hơn, đồng thời hướng tới mục tiêu phổ cập điện thoại thông minh đến tất cả người dân của Chính phủ.

Gần chục năm nay, ông Phạm Chí Công (huyện Phú Tân) quen sử dụng “điện thoại cục gạch” để liên lạc. Theo ông Công, việc nghe, gọi thực hiện bình thường nhưng nhiều khi vẫn gặp tình trạng mạng yếu, mất sóng... Nhiều lần người thân trong gia đình khuyên ông đổi sang điện thoại thông minh có sử dụng 4G để thuận tiện cho việc liên lạc nhưng ông vẫn chưa đổi.

“Sử dụng “điện thoại cục gạch” lâu ngày thành quen, tôi ngại khi chuyển sang xài điện thoại thông minh sẽ không quen, khó sử dụng. Nhưng thấy con cháu, người thân sử dụng điện thoại thông minh có sóng 4G với rất nhiều tiện ích, nên tôi đã chuyển SIM của cái điện thoại cũ lên 4G và mua một cái điện thoại thông minh để sử dụng” - ông Công chia sẻ.

Tương tự, chị Nguyễn Thị Hạnh (huyện Châu Phú) cũng như một số người dân tại đây có thói quen sử dụng điện thoại sóng 2G chỉ với chức năng để nghe, gọi và nhắn tin, nhưng từ khi thông tin về việc dừng sóng 2G, các SIM và điện thoại 2G sẽ không sử dụng trên các phương tiện thông tin đại chúng, chị Hạnh và nhiều người dân đã nhanh chóng thực hiện việc chuyển đổi SIM và điện thoại để đảm bảo việc kết nối thông tin liên lạc.

"Việc sử dụng điện thoại 4G có rất nhiều tiện ích, tôi có thể nghe nhạc, xem phim, đọc tin tức, cập nhật các thông tin hàng ngày. Nhất là với một chiếc điện thoại thông minh, tôi có thể lưu trữ được tất cả các thông tin, thẻ bảo hiểm y tế, căn cước công dân…  trên điện thoại, hạn chế việc phải mang theo nhiều loại giấy tờ cũng như hỗ trợ việc thanh toán không dùng tiền mặt các hóa đơn ngay tại nhà rất tiện lợi” - chị Hạnh chia sẻ.

Còn anh Nguyễn Văn Trung (TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang): "Tôi dùng “điện thoại cục gạch” từ nhiều năm nay, vì ưu điểm của dòng máy này là giá thành rẻ, dễ sử dụng, dễ bảo quản, sửa chữa. Với những người chỉ có nhu cầu nghe gọi hay nhắn tin như tôi thì sử dụng điện thoại như vậy là đủ. Tuy nhiên, nếu điện thoại tôi đang dùng nằm trong danh sách không hợp quy chuẩn, bị chặn sóng thì tôi sẵn sàng mua điện thoại mới thay thế và học cách sử dụng cho phù hợp theo xu hướng phát triển".

Nhiều năm nay, bà Lê Thị Ngọc Bích (TP. Long Xuyên) chỉ sử dụng 1 chiếc “điện thoại cục gạch” dùng làm phương tiện liên lạc khi có việc cần thiết. Bà Bích cho biết: “Việc dùng “điện thoại cục gạch” có nhiều bất lợi vì tôi không thể kết nối mạng xã hội, đọc báo, nghe nhạc, xem cải lương… Thời gian qua, do tôi không có điện thoại thông minh nên không thể sử dụng ứng dụng định danh điện tử (VNeID), ứng dụng ngân hàng. Nhân tiện lần này, tôi đổi điện thoại để sử dụng các ứng dụng thông minh”.

Việc tắt sóng 2G là xu thế tất yếu của thế giới, góp phần loại bỏ chất lượng dịch vụ thấp, giảm bớt chi phí khai thác, phù hợp với chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 là phổ cập mạng di động 4G, 5G và điện thoại thông minh đến từng người dân. Qua đó, tạo điều kiện để người dân dần tiếp cận với các tiện ích số hiện đại, kiến tạo môi trường số chất lượng, góp phần thúc đẩy chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.

TRỌNG TÍN