Lợi ích của hệ thống thủy lợi vùng Bảy Núi

04/09/2024 - 02:01

 - Hệ thống công trình thủy lợi vùng Bảy Núi được đầu tư, đưa vào sử dụng không chỉ giúp người dân chủ động mở rộng diện tích canh tác, mà còn mạnh dạn áp dụng phương thức luân canh, tăng vụ, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, tạo nguồn thu nhập ổn định.

Hồ Tà Lọt vừa được đưa vào sử dụng

Do điều kiện tự nhiên và đặc điểm khí hậu, vùng Bảy Núi đến mùa khô thường xuyên thiếu nước. Vì vậy, những giếng khoan, hồ nước ở vùng Bảy Núi với dung tích dự trữ hàng trăm ngàn mét khối nước vào mùa mưa nhằm phục vụ sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp của người dân vùng núi và công tác phòng, chống cháy rừng lúc khô hạn.

Người dân sinh sống và trồng trọt quanh các hồ chứa nước cho biết, trước đây họ chỉ làm ruộng, lúa mỗi năm được 1 vụ vào mùa mưa. Từ khi các hồ chứa nước hoạt động, mọi người bơm nước trong hồ để tưới ruộng lúa, khoai, đậu… vào mùa khô, nên mỗi năm có thể làm 2 - 3 vụ, từ đó tăng thêm thu nhập.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hồ Thanh Bình cho biết, An Giang là tỉnh thuộc vùng đồng bằng có núi. Diện tích đất tự nhiên toàn tỉnh 3.536km2, diện tích đất sản xuất nông nghiệp 279.000ha (trong đó, trên 10.000ha đất sản xuất vùng cao, triền núi) thuộc huyện Tri Tôn và TX. Tịnh Biên. Khoảng 7.100ha (chỉ sản xuất 1 vụ mùa mưa trong năm) có khả năng bị ảnh hưởng khô hạn, do không có hệ thống thủy lợi phục vụ (huyện Tri Tôn 2.300ha; TX. Tịnh Biên 4.833ha), trên 85% diện tích của đồng bào dân tộc thiểu số Khmer canh tác.

Hàng năm, An Giang thường xuyên bị ảnh hưởng của hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn mùa khô và các loại hình thiên tai khác (lũ, giông lốc, sạt lở đất). Tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai diễn biến ngày càng phức tạp, làm ảnh hưởng đến các hoạt động sản xuất - kinh doanh, sinh hoạt, sức khỏe và đời sống của người dân, ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của tỉnh.

Nhằm ứng phó với tình hình thiên tai, ngày 29/10/2018, UBND tỉnh phê duyệt “Dự án xây dựng hệ thống thủy lợi vùng cao thích ứng với biến đổi khí hậu nhằm phục vụ tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp cho đồng bào vùng Bảy Núi An Giang” tại Quyết định 2696/QĐ-UBND. Thời gian thực hiện dự án từ 2018 - 2024. Vừa qua, ngày 30/8, tại hồ Tà Lọt (xã An Hảo, TX. Tịnh Biên), Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp tỉnh phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND TX. Tịnh Biên tổ chức vận hành dự án.

Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp tỉnh An Giang Quan Minh Tấn cho biết, hồ Tà Lọt có dung tích thiết kế đạt 531.172m3, chiều dài đập 1.016m, diện tích tưới 340ha. Hồ Núi Dài 2 (xã Lê Trì, huyện Tri Tôn) có dung tích thiết kế đạt 558.473m3, chiều dài đập 1.028m, diện tích tưới 180ha. Cả 2 hồ đều có các hạng mục công trình đầu mối, gồm: Tràn xả lũ, cống lấy nước, tuyến đường quản lý vận hành và nhà quản lý điều hành.

Từ dự án này, kỳ vọng tăng cường khả năng tích trữ và điều tiết nước, chủ động tưới tiêu, phục vụ sản xuất, sinh hoạt và phòng cháy, chữa cháy rừng vào mùa khô, cắt lũ núi trong mùa mưa. Đồng thời, thực hiện dự án đa mục tiêu, phát triển kinh tế - xã hội và ứng phó với biến đổi khí hậu, vận hành hiệu quả hệ thống công trình thủy lợi, hạn chế ảnh hưởng, tác động tiêu cực của thiên tai và biến đổi khí hậu.

Hiện nay, hồ đã được tích nước, lượng nước trong lòng hồ bắt đầu dâng lên. Đây là niềm vui của người dân sống tại xã An Hảo, Lê Trì nói riêng và vùng Bảy Núi nói chung. Sau nhiều năm mong chờ, công trình đã hoàn thành, đưa vào sử dụng, đảm bảo cấp nước tưới phục vụ sản xuất hơn 520ha đất nông nghiệp (xã An Hảo 340ha, xã Lê Trì 180ha). Đồng thời, cải tạo môi trường sinh thái, du lịch trong khu vực, tạo tiền đề để khai thác hiệu quả tiềm năng lao động, giảm nghèo, phát triển kinh tế trong vùng.

Phó Chủ tịch UBND TX. Tịnh Biên Nguyễn Thanh Hùng cho biết, trước đây việc sản xuất nông nghiệp trên địa bàn các xã gặp nhiều khó khăn do thiếu nước tưới tiêu trong sản xuất. Dự án sẽ giúp bà con nông dân có được nguồn nước phục vụ sản xuất quanh năm, có thể chủ động được thời vụ sản xuất; phòng ngừa và hạn chế bệnh, góp phần nâng cao chất lượng, sản lượng cây trồng.

Là người dân ở xã An Hảo, ông Trần Anh Se nhận thức rất rõ những lợi ích mà dự án mang lại cho gia đình ông, người dân xung quanh và địa phương là rất lớn. Ông chia sẻ: “Tôi rất vui mừng, cám ơn các cấp chính quyền địa phương đã quan tâm, xây dựng dự án. Nơi đây là miền núi, thường xuyên bị khô hạn vào mùa khô, ngập úng vào mùa mưa. Dự án tạo nguồn cấp nước phục vụ tưới tiêu, trồng trọt, sản xuất nông nghiệp… giải quyết vấn đề thiếu nước cho người dân vùng Bảy Núi”.

Có thể thấy, việc đầu tư xây dựng, nâng cấp, cải tạo các công trình hồ, kênh mương, phát triển hệ thống thủy lợi vùng Bảy Núi nói riêng, tỉnh An Giang nói chung không chỉ tạo thuận lợi cho việc tích trữ nước, đảm bảo diện tích gieo trồng theo kế hoạch, mà còn để chủ động điều tiết nước, mở rộng diện tích, thâm canh tăng vụ, nâng cao giá trị sử dụng đất và ứng phó với biến đổi khí hậu.

TRỌNG TÍN