Mời gọi liên kết trong chăn nuôi

29/02/2024 - 08:16

 - Năm 2023, tăng trưởng ngành chăn nuôi của tỉnh tăng khoảng 203,4 tỷ đồng so năm 2022. Kết quả này có sự đóng góp quan trọng của các doanh nghiệp (DN), cơ sở, trang trại đầu tư chăn nuôi quy mô lớn, hiện đại. Mô hình liên kết trong chăn nuôi tiếp tục được tỉnh khuyến khích, hỗ trợ phát triển.

Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y (CN&TY) An Giang Trần Tiến Hiệp cho biết, năm 2023, đàn vật nuôi của tỉnh tiếp tục phát triển ổn định, tăng trưởng nhờ các mô hình chăn nuôi quy mô lớn. Trong số lượng đàn heo tăng 54.000 con, trại heo Thagrico (huyện Tri Tôn và TX. Tịnh Biên) đã tăng 7.000 con heo thịt và thả nuôi 2.000 heo hậu bị, cung cấp khoảng 44.000 con heo giống/năm; trại heo Xanh Việt (huyện Thoại Sơn) thả nuôi 3.000 con heo thịt. Tương tự, đàn vịt thịt tăng 105.000 con, trại vịt tại Lương Phi (huyện Tri Tôn) lứa 1 thả nuôi 15.000 con, 3 lứa còn lại thả nuôi 30.000 con/lứa. Trong khi đó, Công ty TNHH Nông nghiệp công nghệ cao Châu Phú thả nuôi lứa 1 là 20.000 con gà thịt, 3 lứa còn lại thả nuôi 40.000 con/lứa, tổng đàn gà thịt xuất chuồng 140.000 con. Cũng tại huyện Châu Phú, trại gà An Tâm quy mô 5.000 con gà đẻ trứng, sản lượng trứng khoảng 750.000 quả.

Trao bò giống giúp tăng đàn bò trong dân

Mặc dù đàn gia súc, gia cầm tăng nhưng từ đầu năm đến nay, sản lượng thịt hơi xuất chuồng gia súc, gia cầm của tỉnh luôn không đủ cung cấp cho tiêu dùng trong tỉnh, phải nhập thịt gia súc, gia cầm từ các địa phương ngoài tỉnh để đảm bảo cho nhu cầu tiêu dùng của người dân. Do vậy, ngành CN&TY tiếp tục phát triển chăn nuôi quy mô tập trung, trang trại, nâng cao chất lượng sản phẩm, an toàn dịch bệnh để tăng hiệu quả chăn nuôi, đáp ứng nhu cầu trong tỉnh.

Ông Trần Tiến Hiệp cho biết, năm 2024, tỉnh phấn đấu đạt tổng đàn heo khoảng 120.000 con, tăng 682 con so năm 2023; đàn gà khoảng 2,2 triệu con (ổn định so năm 2023), đàn thủy cầm (chủ yếu là vịt) đạt 4,6 triệu con (tăng 2,22%), phát triển chăn nuôi theo hình thức chăn thả có kiểm soát, chăn nuôi quy mô lớn, trang trại, công nghiệp. Đối với đàn bò thịt, khoảng 55.000 con (tăng 11,56%, tương đương tăng 5.700 con so năm 2023), tăng dần hình thức chăn nuôi quy mô lớn, trang trại.

Trong mục tiêu tăng trưởng chăn nuôi (GO) năm 2024, tăng khoảng 244,3 tỷ đồng so năm 2023, các DN, trang trại tiếp tục có đóng góp quan trọng. Cụ thể, trại heo thịt nuôi gia công tại huyện Thoại Sơn quy mô 3.000 con, tổng heo thịt xuất chuồng năm 2024 khoảng 6.000 con; trại heo Thagrico tăng quy mô cung cấp heo giống khoảng 34.000 con/năm. Với gà thịt, Công ty TNHH Nông nghiệp công nghệ cao Châu Phú tăng đàn 40.000 con, xuất chuồng năm 2024 tăng khoảng 120.000 con; gà thịt trong dân tăng khoảng 40.000 con. Trong khi đó, trại vịt tại Lương Phi tăng đàn 15.000 con, xuất chuồng tăng thêm khoảng 75.000 con; vịt thịt trong dân tăng khoảng 65.000 con. Ngoài ra, đàn bò trong dân tăng khoảng 500 con; sản phẩm tổ yến tăng khoảng 1,5 tấn do tăng sản lượng khai thác tổ tại các nhà yến hiện có.

Theo ông Trần Tiến Hiệp, tỉnh tiếp tục mời gọi đầu tư cơ sở hạ tầng các vùng nuôi để phát triển sản xuất vùng nguyên liệu, đầu tư nhà máy chế biến sâu, tập trung liên kết tiêu thụ nông sản gắn với Quy hoạch tỉnh và Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Chi cục CN&TY tăng cường hỗ trợ DN xây dựng và mở rộng vùng nguyên liệu, mời gọi DN lớn đầu tư vào chăn nuôi theo chuỗi giá trị, liên kết tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi. Trong đó, chăn nuôi gia cầm theo hướng an toàn sinh học và chăn thả có kiểm soát; phát triển đàn bò theo hướng nâng cao năng suất, gieo tinh nhân tạo; thực hiện tốt quy hoạch giết mổ, tổ chức lại hệ thống giết mổ gia súc, gia cầm tập trung, gắn với chế biến và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Ngành CN&TY quan tâm áp dụng công nghệ giết mổ treo, gieo tinh nhân tạo, trồng cỏ năng suất cao, ứng dụng công nghệ chế biến thức ăn từ phụ, phế phẩm nông nghiệp; ứng dụng công nghệ xử lý và tận dụng chất thải tại các điểm chăn nuôi lớn, tập trung, cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm làm biogas để giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Để tăng hiệu suất chăn nuôi, tiết kiệm chi phí, ngành CN&TY hướng dẫn DN, trang trại, hộ chăn nuôi trồng cỏ thâm canh và các loại cây nguyên liệu thức ăn chăn nuôi bằng các giống năng suất cao, giàu đạm; tận dụng nguồn phụ phẩm nông, công nghiệp làm thức ăn chăn nuôi. Đồng thời, tăng cường năng lực hệ thống thú y, để có đủ năng lực chủ động phòng, chống dịch bệnh. Tập huấn, cập nhật kiến thức cho cán bộ kỹ thuật và người chăn nuôi áp dụng các phương pháp chăn nuôi tiên tiến, tích cực phòng, chống dịch bệnh. Bên cạnh đó, phối hợp các tổ chức đoàn thể thường xuyên, giới thiệu hiệu quả các dự án, mô hình chăn nuôi để nhân rộng trên địa bàn tỉnh.

NGÔ CHUẨN