Mùa trái cây ở núi Dài

21/06/2022 - 06:35

 - Khi những cơn mưa dần nặng hạt, cũng là thời điểm các loại trái cây đặc sản ở núi Dài (huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang) bắt đầu vào mùa thu hoạch rộ. Do thích hợp với khí hậu, thổ nhưỡng nên các loại trái cây, chủ yếu là bơ và sầu riêng được trồng trên đất núi có hương vị rất ngon và đặc trưng, được người tiêu dùng đánh giá cao về chất lượng, diện tích được mở rộng.

Vào thời điểm này, chỉ cần đi dọc theo bến Ô Vàng của núi Dài (xã Lê Trì, huyện Tri Tôn) đến khoảng lưng chừng núi là dễ dàng bắt gặp hình ảnh những vườn bơ, sầu riêng sai trĩu quả được người dân trồng ở cặp 2 bên đường đi. Theo người dân địa phương, những loại trái cây này thường chín rộ muộn hơn so với ở đồng bằng. Phải đến khoảng Tết Đoan ngọ (5/5 âm lịch), những vườn bơ, sầu riêng ở đây mới bắt đầu cho thu hoạch lai rai và kéo dài đến khoảng tháng 7 (âm lịch) sẽ kết thúc.

Hiện nay, 2 giống bơ được người dân trồng nhiều là bơ sáp và bơ 034 (trái dài, hạt nhỏ, cơm dày, dẻo), được mang giống từ Tây Nguyên về. Còn giống sầu riêng Ri6, Monthong cũng được người dân đến lấy tận gốc ở các tỉnh Bến Tre, Vĩnh Long để có được cây giống khỏe, phát triển tốt.

Vừa mua cây giống, người dân cũng học hỏi kinh nghiệm về kỹ thuật chăm sóc, thêm may mắn được thiên nhiên ưu đãi khi khí hậu, thổ nhưỡng trên núi Dài đều rất thích hợp cho cây sầu riêng và bơ phát triển. Vụ nào cũng cho năng suất cao, giá bán ổn định. Thấy được hiệu quả kinh tế mang lại, nhiều người đã dần mở rộng diện tích, tuyển lựa những giống bơ, sầu riêng ngon để canh tác, cung cấp cho thị trường.

Nông dân núi Dài canh tác theo hướng sạch, sử dụng phân hữu cơ nên chất lượng trái cây núi được khách hàng đánh giá ngon hơn nhiều nơi khác và ưu tiên lựa chọn, bà con bán cũng được giá hơn. Chị Huỳnh Liễu Trang (ngụ ấp An Thạnh, xã Lê Trì) có vườn bơ sáp trên núi Dài, năm nay cũng là đợt trái đầu tiên. Vườn bơ của chị Trang được trồng từ bơ hột nên phải đến năm thứ 4, bơ mới bắt đầu cho trái chiến. Được canh tác tự nhiên, nên vườn bơ trái to đều, cơm vàng, dày, rất ngon. Trước đây, diện tích đất ở sau vườn nhà của chị Trang chủ yếu làm rẫy, mấy năm nay mới chuyển sang trồng bơ sáp.

Bơ, sầu riêng trồng trên núi Dài được người dân rất ưa chuộng vì ngon và sạch

“Thấy mấy vườn bơ của bà con trồng trước, vợ chồng tôi mê quá nên cũng cải tạo vườn, trồng được vài chục gốc bơ sáp từ hột. Đối với cây bơ, trồng bằng hột sẽ có sức sống mạnh hơn, khi cây lớn, nếu thị trường vẫn còn ưa chuộng giống bơ này thì giữ lại để canh tác, còn không có thể ghép bơ 034 vào, cây cũng nhanh phát lắm” - chị Trang cho hay.

Khi bắt đầu chuyển từ đất rẫy sang trồng cây bơ, vợ chồng chị Trang còn trồng xen thêm chuối xiêm, đậu rồng,… nhằm lấy ngắn nuôi dài. Đến khi cây bơ lớn, cần khoảng không gian để vươn tàn phát triển, vườn chuối sẽ được đốn bỏ, nhường chỗ cho vườn bơ ra hoa kết trái.

Có diện tích đất gần 2ha trên núi Dài, anh Nguyễn Thanh Hùng (ấp An Thạnh, xã Lê Trì) trồng xen canh cây bơ (giống 036, 034) và sầu riêng (giống Ri6, Monthong). Anh Hùng cho biết, trước đây nhà vườn ở núi Dài chủ yếu trồng giống bơ sáp, nhưng vài năm trở lại đây, để đáp ứng nhu cầu của thị trường nên phát triển thêm diện tích bơ 034. Riêng giống bơ 036 có năng suất cao, mỗi cây trưởng thành có thể thu hoạch từ 40-50kg trái, cơm dày nhưng lại bột, không dẻo nên thị trường cũng không ưa chuộng bằng bơ sáp và bơ 034. Thấy vậy, anh Hùng tuyển chọn những gốc bơ 036 khỏe rồi ghép giống bơ 034 vào để cây nhanh phát triển.

“Những cây bơ gốc ghép như vậy phát triển rất tốt, chỉ tầm 2 năm là bắt đầu cho trái chiến. Mỗi cây có thể cho từ 15-20 trái (400-500gram/trái), cây càng lớn càng có năng suất” - anh Hùng giải thích.
 

May mắn nhất là diện tích đất vườn của anh Hùng có mạch nước ngầm và có sẵn giếng có nước quanh năm nên được tận dụng để tưới mát cho vườn cây ăn trái, trồng rẫy vào những tháng nắng hạn. Trồng cây ăn trái trên đất núi, vấn đề nước tưới vô cùng quan trọng, mùa mưa thì tận dụng nước mưa, còn đến những tháng hạn có thể chặt nhánh cây tạp tủ vào gốc để giữ ẩm cho cây.

Giá sầu riêng núi Dài hiện được bán tại vườn với giá 80.000 đồng/kg, còn với bơ thì tùy loại, kích cỡ, giá sẽ dao động từ 15.000-30.000 đồng/kg

Đối với cây sầu riêng trên núi Dài, được canh tác theo hướng thuận tự nhiên, chủ yếu bón phân hữu cơ để tăng chất dinh dưỡng cho đất. “Cây sầu riêng trồng khoảng 4 năm là cho trái, trung bình mỗi trái nặng khoảng 3kg. Trước giờ, sầu riêng núi Dài thường có giá trên 70.000 đồng/kg. Bình thường, sầu riêng ở đây chủ yếu là tự rụng và đều có khách dặn trước, vì để chín tự nhiên nên đôi lúc không đủ bán. Bà con ăn rồi khen ngon, dù là Ri6 hay Monthong đều có cơm rất dày, hạt lép, vị béo và rất thơm. Mỗi người dặn trước 2-3 trái để vừa ăn vừa gửi cho người thân, bạn bè” - anh Hùng cho hay.

Hiện nay, ở gần khu vực đỉnh núi, người dân còn mở thêm quán cà-phê cho du khách đến tham quan, trải nghiệm và dùng thử những loại trái cây được trồng trên núi. Cách làm này vừa giúp nông dân quảng bá nông sản sạch, là những loại cây ăn trái đặc sản được trồng trên đất núi, vừa giúp du khách có thêm địa điểm để đi du lịch khám phá và thưởng thức hương vị trái cây núi.

ÁNH NGUYÊN