Nâng cao thu nhập từ mô hình nuôi lươn

30/06/2022 - 03:32

Tận dụng thời gian rảnh rỗi, diện tích đất trống quanh nhà, nhiều hộ nông dân trên địa bàn huyện Phú Tân (tỉnh An Giang) đã phát triển các mô hình nuôi lươn. Nhờ nuôi lươn đã giúp nhiều nông hộ, đặc biệt là những hộ có ít đất sản xuất cải thiện thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống…

Nhu cầu lươn giống tăng cao nên mô hình nuôi lươn sinh sản đang cho thu nhập ổn định.

Những năm qua, Huyện ủy và UBND huyện Phú Tân đã kịp thời đề ra các giải pháp khả thi, tạo điều kiện thuận lợi phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện. Đặc biệt, thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất… nông dân nhiều địa phương đã chủ động tìm kiếm, nhân rộng các mô hình sản xuất mới mang lại hiệu quả kinh tế cao. Trong đó, mô hình nuôi lươn đang được nhiều nông dân triển khai thực hiện.

Gia đình ít đất sản xuất, chị Nguyễn Thị Thu Tâm (ấp Phú Lợi, xã Phú Lâm, huyện Phú Tân) lựa chọn mô hình nuôi lươn với mục đích phát triển kinh tế gia đình. Với số vốn ít ỏi ban đầu, chị Tâm chỉ xây dựng 2 bồn để nuôi lươn thương phẩm. Trong quá trình canh tác, chị Tâm học thêm kỹ thuật, kinh nghiệm nuôi lươn do địa phương tổ chức.

Đặc biệt, sau khi được Hội Liên hiệp Phụ nữ xã xét cho vay 30 triệu đồng, chị Tâm đã xây dựng thêm 10 bồn, nâng số bồn nuôi lươn lên 12 bồn, trong đó có 4 bồn lươn giống, 8 bồn lươn thương phẩm. Từ khi phát triển mô hình, kinh tế gia đình chị có bước phát triển vượt bậc, con cái được học hành đến nơi đến chốn.

Không lựa chọn nuôi lươn thương phẩm như nhiều hộ khác, anh Bùi Văn Út (ngụ ấp An Hòa, xã Hòa Lạc, huyện Phú Tân) lựa chọn mô hình nuôi lươn sinh sản. Theo anh Út, nuôi lươn thương phẩm trên địa bàn xã đang phát triển mạnh, trong khi nguồn cung con giống khan hiếm, anh Út quyết tâm xây dựng mô hình nuôi lươn giống nhằm cung ứng nguồn giống cho người dân.

Qua tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm những hộ nuôi lớn ở các tỉnh Tây Ninh, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, đồng thời tham gia các lớp tập huấn do tỉnh tổ chức và bản thân tự nghiên cứu thêm, từ năm 2015, anh Út bắt đầu nuôi lươn, với số lượng 3 bồn nuôi. Năm 2017, anh Út phát triển thêm 3 bồn. Thấy mô hình mang lại hiệu quả cao, anh phát triển quy mô nuôi lươn lên 28 bồn, tổng kinh phí đầu tư hơn 300 triệu đồng.

Bồn nuôi được xây dựng với diện tích 20m2, dưới đáy lót đất. Mỗi bồn anh thả khoảng 150-200 cặp lươn bố mẹ. Sau khi bỏ lươn bố mẹ vào chung bồn, khoảng 20 -25 ngày sau thì lươn bắt đầu sinh sản, nếu thời tiết nắng nóng thì 12 ngày là bắt đầu sinh sản. Với 28 bồn nuôi có thể cho 50.000 - 60.000 con lươn giống.

“Hiện nay, trên địa bàn huyện có ít hộ nuôi lươn sinh sản, nhưng có nhiều hộ nuôi thương phẩm nên con lươn giống rất hút hàng, không đủ con giống. Do kỹ thuật chăm sóc lươn con rất khó và tỷ lệ hao hụt rất cao nên giá bán khá cao. Tùy theo kích thước, lươn giống có giá từ  4.000 - 6.000 đồng/con”- anh Út chia sẻ.

Nhờ mô hình nuôi lươn sinh sản mà anh Út có được kinh tế khá giả. Anh Út cũng sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm cho nông dân khác khi đến tham quan, học hỏi và có ý định nuôi lươn để tăng thu nhập.

Theo đánh giá của nhiều nông hộ, nuôi lươn không khó, vì sau khi làm xong việc nhà hay đồng áng, tận dụng thời gian nhàn rỗi chăm sóc lươn, ít tốn thời gian, nhẹ công, sử dụng ít đất sản xuất. Trong quá trình nuôi, nông dân có thể cho ăn bằng thức ăn công nghiệp hoặc thức ăn tự có tại địa phương.

Tuy nhiên, để nuôi lươn đạt hiệu quả, ngoài con giống chất lượng, chế độ ăn, quy trình chăm sóc rất quan trọng. Người nuôi lươn cần phải am hiểu về tập tính của lươn, cho lươn ăn đúng liều lượng, đúng cử, đặc biệt là phải giữ môi trường nước trong bồn nuôi luôn sạch. Trong quá trình nuôi, nông dân cần thường xuyên bổ sung một số loại vitamin cần thiết kết hợp men tiêu hóa trộn vào thức ăn cho lươn ăn mỗi ngày nhằm giúp đường ruột lươn khỏe và tiêu thụ thức ăn tốt hơn.

Theo ngành nông nghiệp huyện Phú Tân, mô hình nuôi lươn hiện đang phát huy hiệu quả kinh tế khá cao và được nông dân triển khai, nhân rộng mô hình nhằm đáp ứng nhu cầu lươn thịt thương phẩm. Hướng tới, ngành nông nghiệp huyện sẽ tiếp tục vận động hội viên nông dân đổi mới tư duy “Chuyển đổi sản xuất hiệu quả, thích ứng với nhu cầu thị trường”, hình thành thói quen trong sản xuất và tiêu dùng, mạnh dạn ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ vào sản xuất theo hướng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ mới phù hợp với tình hình và đặc điểm địa phương.

ĐỨC TOÀN