Nâng cao vị thế nông dân trong chuỗi giá trị lúa gạo

17/08/2022 - 02:40

Thời gian qua, với mục tiêu giúp nông dân tiếp cận, tham gia vào chuỗi giá trị ngành hàng lúa gạo, nhiều dự án, chương trình liên quan đã được phối hợp triển khai thực hiện, thực sự mang lại hiệu quả.

Hợp tác xã nông nghiệp Nông Thuận Phát đã nâng cao giá trị hạt gạo qua phát triển nhiều sản phẩm từ gạo lứt tím

Mới đây, nhằm nâng cao vai trò của người nông dân, đặc biệt là phụ nữ, Trung tâm Nghiên cứu tài nguyên và phát triển nông thôn (RECERD) tổ chức “Chung kết cuộc thi tìm kiếm sáng kiến sinh kế trong nông nghiệp” tại TP. Long Xuyên. Lãnh đạo các sở, ngành cùng đại diện tổ, nhóm, hợp tác xã (HTX) đến từ các tỉnh: An Giang, Sóc Trăng và Kiên Giang cùng tham dự.
Đây là chương trình nằm trong chuỗi sự kiện “Thúc đẩy tăng cường quyền năng kinh tế phụ nữ trong chuỗi giá trị lúa gạo” (Chuỗi sự kiện WEE) thuộc Dự án “Tăng cường bình đẳng giới và đầu tư kinh doanh nông nghiệp và có trách nhiệm ở Đông Nam Á - giai đoạn 2”, năm 2021-2023, do Tổ chức Oxfam Việt Nam tài trợ.

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Võ Thị Thanh Vân, dự án được thực hiện với mục tiêu tạo cơ hội cho người nông dân trong chuỗi giá trị lúa gạo. Đặc biệt, một trong những mục tiêu chính của dự án là nâng cao vai trò của người phụ nữ trong bình đẳng giới, tăng cường tiếng nói, sự tham gia của nữ giới vào các quyết định quan trọng của gia đình và xã hội. Đồng thời, gia tăng cơ hội tiếp cận kiến thức, kỹ năng và các nguồn lực xã hội để thúc đẩy bình đẳng giới ở khu vực nông thôn. Từ đó, tăng thêm vị thế, sự hiện diện của người phụ nữ trong gia đình và cộng đồng.

Cụ thể, từ năm 2019 đến nay, sau 4 năm hoạt động, An Giang đã tổ chức họp 64 nhóm nông dân trên địa bàn huyện Thoại Sơn và Tri Tôn, với hơn 1.860 lượt nông dân, thành viên HTX hưởng lợi, trong đó có hơn 40% phụ nữ tham gia. Dự án tập trung thực hiện các nội dung về tập huấn hợp phần kỹ thuật sản xuất, quy chế làm việc HTX, giảm thiểu rủi ro trong sản xuất nông nghiệp do biến đổi khí hậu... Điển hình, về giới, có 3 thành viên là phụ nữ tham gia vào ban quản trị (HTX nông nghiệp Vĩnh Gia, Vọng Đông, Tà Đảnh).

Riêng về thúc đẩy liên kết - sản xuất, nhóm dự án đã thúc đẩy được 2 liên kết bền vững: Công ty TNHH XNK Đại Dương Xanh thực hiện liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa tại HTX nông nghiệp Tây Phú mỗi năm khoảng 1.200ha; Công ty TNHH MTV Trịnh Văn Phú thu mua lúa ST24 cho HTX nông nghiệp Núi Tô với liên minh 20ha/năm...

Tại “Chung kết cuộc thi tìm kiếm sáng kiến sinh kế trong nông nghiệp”, An Giang có 2 điển hình đạt giải nhất và giải ba. Trong đó, HTX nông nghiệp Tà Đảnh (huyện Tri Tôn) với mô hình “Tận dụng rơm rạ sản xuất phôi nấm mối đen” xuất sắc vượt qua nhiều điển hình đạt giải nhất. Nhận thấy nhu cầu sử dụng các loại nấm sạch trong các bữa ăn hàng ngày của người dân ngày càng cao, chị Châu Thị Nương cùng các thành viên là phụ nữ của HTX nông nghiệp Tà Đảnh đã nghiên cứu và phát triển mô hình tận dụng rơm rạ sau thu hoạch nông nghiệp để trồng nấm mối đen. Tính mới của mô hình là nghiên cứu đặc tính sinh học để nuôi trồng nấm mối đen trên giá thể rơm, đồng thời xây dựng quy trình nuôi trồng theo phương thức mới, phù hợp điều kiện khí hậu của địa phương.

Là một trong những dự án đạt giải cao tại cuộc thi, dự án “Nâng cao giá trị hạt gạo từ tay người phụ nữ” của HTX nông nghiệp Nông Thuận Phát (huyện Chợ Mới) đã có lộ trình, kế hoạch phát triển rõ ràng, theo từng giai đoạn cụ thể. Từ việc đầu tư nghiên cứu những sản phẩm mới từ hạt gạo lứt tím, đến tìm kiếm, phát triển và mở rộng thị trường, giải quyết việc làm cho nhiều phụ nữ tại địa phương với thu nhập ổn định, thường xuyên. Theo chị Nguyễn Thị Cẩm Hồng (Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Giám đốc HTX nông nghiệp Nông Thuận Phát), trước đây khi sử dụng gạo lứt tím thấy ngon, sau khi tìm hiểu phát hiện ra nhiều dinh dưỡng tốt cho sức khỏe. Từ đó, chị quyết định phát triển theo hướng trồng và cung ứng gạo lứt tím ra thị trường.

Tuy nhiên, khi bán hạt gạo lứt tím thô ra thị trường bị thương lái ép giá, chưa mang lại hiệu quả kinh tế. Vì thế, chị Hồng đã bàn bạc cùng các thành viên phụ nữ trong nhóm, cũng như trong HTX tìm hiểu, nghiên cứu phát triển thêm nhiều loại sản phẩm qua chế biến từ gạo lứt tím, như: Bột gạo lứt tím, trà gạo lứt tím, cơm cháy gạo lứt tím, gạo lứt sấy rong biển… Các sản phẩm này được bán rộng rãi ở các tỉnh miền Tây, TP. Hồ Chí Minh và đang mở rộng thị trường đến các tỉnh, thành phố trong cả nước. Hiện, chỉ riêng An Giang, HTX đã có vùng trồng gạo lứt tím với diện tích 10ha, chủ yếu ở huyện Thoại Sơn. Còn một phần diện tích rất lớn tập trung nhiều ở huyện U Minh Thượng, An Minh (tỉnh Kiên Giang)…

“HTX nông nghiệp Nông Thuận Phát liên kết với nông dân bằng cách cung cấp giống cho bà con trồng, hỗ trợ kỹ thuật suốt quá trình canh tác, thu mua lúa sau khi thu hoạch… Việc làm này giúp nông dân đảm bảo có lợi nhuận cao hơn so với canh tác các loại lúa thông thường. Như vậy thì bà con mới tin tưởng, cam kết làm ăn lâu dài với mình” - chị Hồng chia sẻ.

ÁNH NGUYÊN