Nảy mầm từ trước thời Kim tự tháp, cây cổ thụ 5.000 năm tuổi vẫn sống khỏe

24/12/2018 - 08:23

Thân cây vặn xoắn kỳ quái, với những thớ gỗ dày đặc đã giúp những cây thông Bristlecone sống khỏe mạnh dù đã nảy mầm từ 5 thế kỷ trước khi người Ai Cập cổ đại xây dựng Đại Kim tự tháp Giza. ​


Ngoại hình “lừa dối”, cây thông Bristlecone này trông như đã chết, nhưng thực ra nó đang sống khỏe mạnh.

Đó là vào năm 1953, Tiến sĩ Edmund Schulman đang khám phá khu rừng Inyo khi thực hiện một nghiên cứu về cây cổ thụ. Ông tình cờ thấy rừng thông Bristlecone cổ thụ nép mình ở độ cao hơn 3.000 mét của dãy Núi Trắng, bang California, Mỹ. Nghiên cứu sau đó tiết lộ rằng Tiến sĩ Schulman đã phát hiện ra vị trí của những cây cổ xưa nhất trên thế giới mà con người từng biết đến.

Đừng để kích thước "đánh lừa"

Từ lần nghiên cứu trước đó về những cây Sequoia khổng lồ, Tiến sĩ Schulman cho rằng cây càng cao thì càng phải già. Nhưng niềm tin này đã thay đổi. Ông nhận ra rằng khi nói đến những cây thông Bristlecone, thì những cây thấp, vặn xoắn đến kỳ quái mới là cây lâu đời nhất.

Như một cách để thích nghi với thời tiết khắc nghiệt, những cây thông Bristlecone cổ đại này phát triển chậm hơn và dày đặc hơn. Thớ gỗ dày đặc cũng giúp cây chống lại côn trùng phá hoại và bệnh tật. Nhờ những biện pháp bảo vệ này, những cây thông Bristlecone vặn xoắn, uốn lượn của dãy Núi Trắng có thể sống một cuộc đời rất dài. Một trong những cây trong rừng đã sống tới trên 5.000 năm tuổi. Viên ngọc ẩn giấu này là cây hữu tính còn sống lâu đời nhất trên thế giới.

Tiến sĩ Schulman lần đầu tiên khẳng định được khám phá tuyệt vời của mình khi ông lấy một số mẫu lõi của những cây thông kỳ lạ. Ông tiến hành phân tích lõi và đếm các vòng gỗ. Khám phá của ông trở nên rõ ràng khi số lượng vòng gỗ chỉ ra rằng cây đã nảy mầm từ trước năm 2046 trước Công nguyên, tức là đã hơn 4.000 năm tuổi.

Schulman đặt tên cho cây cổ thụ nhất của mình là Methuselah, theo tên của người đàn ông có tuổi thọ cao nhất trong Kinh thánh tiếng Do Thái. Tuy nhiên, nhân vật Methuselah chỉ sống đến 969 tuổi, còn cây Methuselah, vào thời điểm đó (năm 1953) là cây sống lâu nhất trên thế giới với tuổi đời ước tính là 4.849 năm.


Gỗ dày đặc, vặn xoắn bảo vệ cây thông Bristlecone khỏi côn trùng và bệnh tật.

Sau đó, cây Methuselah bị lu mờ bởi một cây thậm chí còn cổ xưa hơn được phát hiện vào năm 2012 ở cùng khu vực. Cây này đã giành được danh hiệu Cây cổ thụ nhất thế giới và cũng là một cây thông Bristlecone được ước tính là 5.067 năm tuổi!

Thật kinh ngạc là nó vẫn còn sống khỏe. Cây thông Bristlecone này đã nảy mầm vào năm 3050 trước Công nguyên, tức là khoảng 500 năm trước khi xây dựng Kim tự tháp Giza.

Để bảo tồn và gìn giữ những cây thông cổ xưa, vị trí của cây Methuselah và cây “tiền bối” của nó đã không được tiết lộ cho công chúng.

Dãy Núi Trắng

Dãy Núi Trắng nơi "cất giấu" rừng thông Bristlecone cổ thụ được tạo thành từ đất dolomit. Rất ít thực vật và thảm thực vật có thể tồn tại trong đất kiềm. Những cây thông Bstlecone bám rễ sâu phát triển mạnh ở đó vì sự thiếu cạnh tranh này. Ngoài ra, đất dolomit sáng màu giữ cho mặt đất mát mẻ và phản xạ nhiệt tốt giúp hơi nước khó bốc hơi hơn.


Các ụ đá thạch anh trên dãy Núi Trắng là bằng chứng cho thấy khu vực này từng là một vùng biển nông.

Dãy Núi Trắng cũng được cấu tạo bởi đá thạch anh đỏ. Hàng triệu năm trước, khu vực này là một vùng biển nông, ấm áp, được nâng lên theo thời gian do hoạt động của mảng kiến tạo. Cát, vỏ sò và bùn dưới đáy biển cuối cùng biến thành đá thạch anh do sức nóng và áp suất.

Mối đe dọa từ xói mòn đất


Mối đe dọa lớn nhất đối với rừng thông Bristlecone cổ đại là xói mòn đất. Trong ảnh là phần rễ lộ ra, trơ trên sườn núi.

Xói mòn đất là mối lo ngại lớn nhất khi nói đến sức khỏe của những cây thông Bristlecone. Khi nhiều thế kỷ  rồi thiên niên kỷ trôi qua, đất núi bị xói mòn và phơi bày bộ rễ mềm hơn với côn trùng và bệnh tật. Trong bức ảnh trên, đất đã bị xói mòn hơn 1 mét so với chiều cao ban đầu. 

Cây hữu tính lâu đời nhất trên thế giới

Nhìn từ góc độ khoa học, cây lâu đời nhất trên thế giới ở Núi Trắng thuộc loại sinh sản hữu tính (được sinh ra từ sự hợp nhất của giao tử đực và giao tử cái, có sự trao đổi và tái tổ hợp của 2 bộ gen). Trong khi đó, cây vô tính (được sinh ra không có sự kết hợp giữa giao tử đực và giao tử cái) có nguồn gốc từ một tổ tiên duy nhất và giống hệt về mặt di truyền với tổ tiên đó. Có nhiều cây vô tính già hơn nhiều so với cây lâu đời nhất trong rừng Inyo. Ví dụ, Old Tjikko là tên của một cây vân sam Na Uy mọc ở Thụy Điển. Nó đã được xác định có niên đại là 9.550 năm. Nhưng vì là cây vô tính, Old Tjikko không phải là cây giống như tổ tiên của nó đã nảy mầm ban đầu. Cây Old Tjikko đã tái sinh thân, cành và rễ mới theo thời gian. Một cây cổ xưa hơn nữa cũng thuộc dòng vô tính. Đó là cây “Quaking Aspen” ở bang Utah (Mỹ) với những gốc rễ được ước tính là 80.000 năm tuổi. Trên thực tế, "Quakes Aspen" là một trong những sinh vật lâu đời nhất trên Trái đất.

Theo THU HẰNG (Báo Tin tức)