Ngành thuế An Giang gia hạn nộp thuế cho hộ, cá nhân kinh doanh do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19

18/03/2020 - 03:18

 - Ngay sau khi nhận được các văn bản chỉ đạo của Tổng cục Thuế, Cục Thuế tỉnh An Giang đã triển khai thực hiện ngay các biện pháp gia hạn, miễn tiền chậm nộp đối với hộ, cá nhân kinh doanh do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19.

Để kịp thời hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người nộp thuế là hộ, cá nhân kinh doanh trong giai đoạn bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, Cục Thuế tỉnh đã yêu cầu các phòng và chi cục thuế trực thuộc chỉ đạo các bộ phận liên quan căn cứ vào quy định của pháp luật, cụ thể là hướng dẫn tại Khoản 1, Điều 31 về gia hạn nộp thuế và Khoản 1, 4, Điều 45 Thông tư số 156/2013/TT-BTC để hướng dẫn doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân bị thiệt hại bởi dịch bệnh lập hồ sơ, gửi thủ trưởng cơ quan quản lý thuế trực tiếp đề nghị miễn tiền chậm nộp, gia hạn nộp thuế.

Cục Thuế tỉnh yêu cầu các chi cục thuế trực thuộc căn cứ vào tình hình thực tế tác động của dịch bệnh đến thị trường cung - cầu, mức độ sụt giảm doanh thu và cung ứng dịch vụ hàng hóa của hộ, cá nhân kinh doanh, chi cục thuế căn cứ theo hướng dẫn tại Khoản 4, Điều 6 Thông tư số 92/2015/TT-BTC đối với ngành nghề kinh doanh bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Hộ, cá nhân kinh doanh sẽ được xác định lại doanh thu khoán nếu doanh thu bị ảnh hưởng do dịch bệnh Covid-19

Trường hợp qua số liệu xác minh, kiểm tra có căn cứ xác định doanh thu khoán thay đổi từ 50% trở lên so với mức doanh thu đã khoán, thì chi cục thuế kịp thời thực hiện xác định lại doanh thu khoán cho cá nhân kinh doanh.

Theo hướng dẫn của Tổng cục Thuế, Cục Thuế tỉnh cũng yêu cầu các chi cục thuế căn cứ vào hướng dẫn của Thông tư số 92/2015/TT-BTC chỉ đạo các chi cục Thuế bám sát vào tình hình kinh doanh của hộ, cá nhân kinh doanh, thực hiện phân loại hộ cá nhân kinh doanh trên địa bàn quản lý.

Đối với các cá nhân kinh doanh riêng lẻ có đơn xin giảm thuế khoán do có thay đổi doanh thu do tác động của dịch bệnh Covid-19 thì chi cục thuế hướng dẫn, hỗ trợ, rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ giảm thuế của cá nhân kinh doanh.

Đối với các trung tâm thương mại, các chợ có đơn xin giảm thuế tập thể, chi cục thuế thực hiện khảo sát doanh thu theo từng ngành nghề, xin ý kiến tư vấn thuế của hội đồng tư vấn thuế, ban quản lý chợ để thực hiện theo đúng thực tế.

Trường hợp phát sinh vướng mắc vượt thẩm quyền, yêu cầu chi cục thuế tổng hợp, báo cáo, đề xuất với cấp trên phương án giải quyết phù hợp.

Văn bản của Tổng cục Thuế cũng nêu rõ, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên cá nhân kinh doanh không chủ động được việc xác định trước việc tạm ngừng, nghỉ kinh doanh, cũng như các thủ tục thông báo việc ngừng, nghỉ kinh doanh.

Vì thế, chi cục thuế chủ động nắm bắt tình hình, hướng dẫn, tiếp nhận xử lý ngay đơn xin ngừng, nghỉ của hộ kinh doanh theo quy định, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người nộp thuế. Đồng thời, chi cục thuế phối hợp cơ quan đăng ký kinh doanh hỗ trợ cá nhân kinh doanh hoàn thiện các thủ tục theo quy định về đăng ký kinh doanh.

Để hộ, cá nhân kinh doanh yên tâm, Cục Thuế tỉnh yêu cầu các chi cục thuế phối hợp tốt với chính quyền địa phương trong quá trình triển khai công tác quản lý thuế. Tăng cường tuyên truyền, hỗ trợ, vận động hộ kinh doanh ổn định và an tâm kinh doanh, tránh gây bức xúc cho người nộp thuế, đảm bảo ổn định tình hình trật tự xã hội trên địa bàn quản lý.

Các chi cục thuế cần thành lập các đội phản ứng nhanh để kịp thời nắm bắt, tổng hợp, đề xuất các giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy sản xuất - kinh doanh, tạo môi trường thuận lợi phát triển kinh tế nhằm giảm thiểu tác động, ảnh hưởng, bù đắp sự giảm sút kinh tế do dịch bệnh.

Nguyễn Hiền Long Giang

(Cục Thuế tỉnh An Giang)