Ngành trồng trọt quyết tâm thắng lợi

05/01/2024 - 06:19

 - Năm 2023, lĩnh vực trồng trọt đạt nhiều kết quả nổi bật, nhất là thắng lợi ấn tượng của ngành hàng lúa gạo, đóng góp lớn vào tăng trưởng nông nghiệp nói riêng, tăng trưởng kinh tế của tỉnh nói chung. Năm 2024, dự báo thời cơ lúa gạo vẫn lớn; thị trường cho trái cây, rau màu rộng mở, tạo đà cho ngành trồng trọt tăng tốc.

Tăng trưởng nhiều mặt

Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (TT&BVTV) An Giang Nguyễn Văn Hiền cho biết, năm 2023, tổng diện tích xuống giống lúa toàn tỉnh được gần 616.200ha, tăng hơn 8.800ha so năm 2022. Vụ mùa 3.505ha (giảm 138ha), vụ đông xuân 227.720ha (giảm 2.053ha), vụ hè thu 227.761ha (tăng 6.706ha) và vụ thu đông 157.219ha (tăng 4.319ha). Sản lượng lúa cả năm đạt gần 4,1 triệu tấn, tăng hơn 152.000 tấn. Cụ thể, vụ mùa 13.700 tấn (giảm 1.500 tấn), vụ đông xuân hơn 1,7 triệu tấn (tăng 33.600 tấn), vụ hè thu gần 1,4 triệu tấn (tăng 45.000 tấn) và vụ thu đông 979.400 tấn (tăng hơn 75.000 tấn).

Không chỉ thắng lợi về năng suất, sản lượng và giá bán, mà cơ cấu giống lúa ở An Giang còn chuyển biến theo hướng tích cực. Nông dân tăng cường gieo sạ các nhóm giống lúa chất lượng cao (chiếm từ 80 - 85% diện tích), như: OM18, Đài Thơm 8, nếp, OM5451, Jasmine 85… Đồng thời, diện tích liên kết tiêu thụ với doanh nghiệp (DN) không ngừng tăng lên.

Đối với rau màu, diện tích gieo trồng gần 49.600ha, tăng 1.080ha so năm 2022, gồm: Vụ đông xuân 18.519ha (tăng 1.252ha), hè thu 17.672ha (giảm 273ha) và thu đông 13.410ha (tăng 101ha). Năng suất các loại hoa màu tương đối ổn định, như: Bắp hơn 37.4000 tấn (giảm gần 4.300 tấn, do giảm diện tích gieo trồng), khoai mì 11.100 tấn (giảm 2.600 tấn), rau dưa các loại gần 493.000 tấn (tăng 41.600 tấn), ớt hơn 17.500 tấn (giảm 1.600 tấn)…

Đối với cây ăn trái, diện tích hiện có 19.700ha (chiếm gần 91% tổng diện tích cây lâu năm), tăng 243ha so cùng kỳ, gồm: Xoài gần 12.500ha (xoài chất lượng chiếm hơn 88% diện tích), giảm 17ha; sầu riêng 598ha, tăng 213ha; mãng cầu/na 325ha, tăng 9ha; mít 1.900ha, tăng 231ha; nhãn 515ha, tăng 23ha; cây có múi (cam, chanh, quýt, bưởi) 1.600ha, giảm 17ha…

Cuối năm 2022, đầu năm 2023, tình hình xuất khẩu trái cây gặp khó khăn, đặc biệt là thị trường xuất khẩu sang Trung Quốc bị nhiều rào cản, giá bán một số loại cây ăn trái ở mức thấp. Các thương lái, DN chuyển hướng sang tiêu thụ nội địa, tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới. Đến nay, thị trường Trung Quốc mở cửa gần như hoàn toàn, mang lại nhiều kỳ vọng cho trái cây, đặc biệt là mặt hàng xoài, sầu riêng.

Quyết tâm năm 2024

Ông Nguyễn Văn Hiền cho biết, tiếp đà thắng lợi năm 2023, tổng diện tích xuống giống lúa năm 2024 của tỉnh dự kiến đạt 613.949ha (đông xuân 228.055ha, hè thu 228.750ha, thu đông 153.700ha, vụ mùa 3.444ha); xuống giống 50.375ha rau màu (đông xuân 17.257ha, hè thu 18.810ha, thu đông 14.308ha); duy trì 19.700ha cây ăn trái (diện tích cho trái 13.597ha).

Đối với cây lúa, Chi cục TT&BVTV khuyến cáo nông dân thực hiện tốt các biện pháp kỹ thuật quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm” (chú ý lượng giống gieo sạ từ 80 - 100kg/ha); áp dụng giải pháp tưới nước tiết kiệm, ứng dụng công nghệ sinh thái - trồng hoa trên bờ ruộng để dẫn dụ thiên địch, hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc trừ sâu 40 ngày đầu sau sạ...

Đối với rau màu, ngành chuyên môn tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất các loại rau an toàn theo quy trình, tiêu chuẩn gắn với yêu cầu của DN; đẩy nhanh tiến độ cấp mã số vùng trồng rau theo nhu cầu đăng ký DN. Các địa phương hỗ trợ thành lập hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác (THT) sản xuất rau an toàn, nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng cường liên kết tiêu thụ với công ty, siêu thị…

Đối với cây ăn trái, đẩy nhanh tiến độ cấp mã số vùng trồng tại những nơi chưa có mã số vùng trồng, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Úc, Trung Quốc... Ngành nông nghiệp tập huấn cho nhà vườn, HTX, THT nội dung sâu bệnh hại trên cây ăn trái, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và vệ sinh vườn, bao bì, hướng dẫn ghi chép sổ tay nhật ký canh tác; mời gọi DN liên kết xây dựng vùng nguyên liệu hàng hóa lớn, nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm trái cây.

Nhằm đảm bảo tăng trưởng ngành trồng trọt lâu dài, bền vững, Chi cục TT&BVTV đề nghị Hội Nông dân tỉnh, Liên minh HTX tỉnh tiếp tục hỗ trợ vận động nông dân tham gia liên kết tiêu thụ với DN, tham gia Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL tại An Giang. Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện tổ khuyến nông cộng đồng, thực hiện tốt công tác phối hợp, hỗ trợ DN vận hành chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ, hướng đến hình thành vùng sản xuất lớn, ổn định.

HOÀNG XUÂN