Ngư dân nuôi cá chợ phấn khởi

16/09/2024 - 06:21

 - Thời gian gần đây, ngư dân nuôi các mặt hàng cá chợ phấn khởi vì giá cá đang ở mức cao. Ngoài cá điêu hồng, rô phi, người nuôi cá lóc, trắm cỏ, cá chép, cá he, hú, basa đều có lợi nhuận.

Giá ở mức cao   

Khác với những năm trước, năm nay, giá cá tăng, ngư dân, thương lái và đại lý bán thức ăn đều vui mừng. Ông Trịnh Văn Tài (thương lái ở TX. Tân Châu, tỉnh An Giang) cho biết, có ít nhất 5 nguyên nhân làm giá các mặt hàng cá chợ tăng cao, nhất là từ đầu tháng 7/2024 đến nay. Đó là tình trạng thời tiết cực đoan, sáng nắng, chiều mưa làm nhiệt độ trong ao, hầm chênh lệch lớn, cá phát sinh bệnh, ương nuôi gặp nhiều khó khăn. Nguồn cung cá giống lẫn cá thương phẩm ra thị trường giảm mạnh.

Hạn hán, xâm nhập mặn gây ảnh hưởng lớn đến nguồn thức ăn tự nhiên của cá. Từ đó, làm giảm sản lượng nuôi trồng lẫn đánh bắt. Kéo theo chi phí sản xuất tăng. Cụ thể, giá thức ăn thủy sản trong thời gian qua tăng bình quân từ 300 - 500 đồng/kg. Cùng với đó, giá nguyên liệu tăng, làm tăng chi phí sản xuất. Các hộ nuôi buộc phải đẩy giá bán lên để đảm bảo lợi nhuận.

Ông Nguyễn Văn No (xã Hòa Lạc, huyện Phú Tân) thả nuôi 3 hầm cá lóc để bán chợ. Vụ mùa này, thương lái tìm đến hầm mua cá để xuất sang Campuchia với giá 39.000 đồng/kg, bình quân mỗi ký cá xuất hầm, ông lãi ít nhất 6.000 đồng. “Từ sau đại dịch COVID-19 đến nay, ngoài thức ăn, giá thuốc thú y và vật tư đều tăng. Tình hình dịch bệnh trên cá cũng nhiều, từ đó ảnh hưởng đến chi phí sản xuất, buộc lòng tôi phải bán với giá cao mới có lời” - ông No chia sẻ.

Cá về chợ đầu mối ngày một ít nên giá cá tăng

Thực tế cho thấy, giá các mặt hàng cá chợ đang ở mức cao, nguyên nhân do nhu cầu tiêu thụ tăng mạnh. Ngoài tiêu thụ ở thị trường trong nước, thương lái còn mua để bán sang Campuchia. Bình quân mỗi ngày, có gần 500 tấn cá chợ (các loại) được bán sang Campuchia, cung ứng nhu cầu của người tiêu dùng đất nước chùa tháp.

Cần thận trọng

“Xu hướng tiêu dùng hiện đang thay đổi. Người ta thích ăn cá hơn là ăn các loại thịt đỏ. Người dân quan tâm hơn đến chất lượng bữa ăn, nguồn gốc thực phẩm. Vì vậy, họ sẵn sàng trả giá cao hơn cho các loại cá tươi ngon, chất lượng” - bà Nguyễn Thị Lan (tiểu thương chợ đầu mối Tân An, TX. Tân Châu) chia sẻ.

ĐBSCL được xem là vựa lúa, vựa cá của cả nước, sở hữu nhiều lợi thế tự nhiên, thuận lợi cho việc nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là nuôi trong lồng bè hoặc ao hầm. Hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt, mặt nước rộng là điều kiện thuận lợi nuôi trồng thủy sản với quy mô lớn, đáp ứng nhu cầu mở rộng sản xuất của ngư dân. Dòng chảy ổn định, giúp cung cấp đủ ô-xy cho cá.

Cùng với đó, nguồn thức ăn tự nhiên dồi dào, thị trường tiêu thụ rộng lớn. Chỉ tính riêng mặt hàng cá tra, toàn vùng ĐBSCL thả nuôi 5.600ha mặt nước, sản lượng hàng năm đạt 1,6 triệu tấn/năm. Đối với mặt hàng cá chợ, sản lượng bằng 1/3 cá tra. Ngư dân nuôi rất đa dạng, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong và ngoài nước.

Cá chợ đang có giá nhưng ngư dân cần thận trọng khi thả nuôi, bởi hiện tại, ĐBSCL đang bước vào mùa lũ, nước trên các sông, rạch đã chuyển màu, mang theo nhiều phù sa lẫn mầm bệnh. Ngư dân thả giống vào thời điểm này, cá rất dễ bị bệnh, rủi ro lớn.

“Ngoài dịch bệnh, rủi ro về thị trường là điều ngư dân cần lưu ý. Cá có giá, nhiều người thấy lợi nhuận cao lại đầu tư nuôi, trong khi liên kết đầu ra để tiêu thụ sản phẩm chưa tính đến. Việc này rất dễ dẫn đến tình trạng “cung cầu bất nhất” - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản An Giang Nguyễn Anh Dũng khuyến cáo.

Để nghề nuôi cá bè phát triển bền vững, ngư dân cần liên kết thành một tổ chức, việc này nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong tiêu thụ sản phẩm.

“Các mặt hàng cá chợ đang ở mức cao, nguyên nhân là do “cung ít, cầu nhiều”. Nước chuẩn bị đổ, ngư dân đã tranh thủ bán hết số cá trong bè, bởi khi nước đổ về, cá dễ sinh bệnh. Cá nuôi cạn dần, trong khi thời điểm này, khai thác cá đồng chưa được nhiều, dẫn đến cung ít hơn cầu nên giá các mặt hàng cá chợ tăng nhanh…” - ông Trần Tấn Nam (ngư dân xã Mỹ Hòa Hưng, TP. Long Xuyên) chia sẻ

 

MINH HIỂN