Người đầu tiên trên thế giới tiêm vắcxin COVID-19 của Pfizer-BioNTech

08/12/2020 - 18:14

Cụ Margaret Keenan, 90 tuổi, người Anh, đã được tiêm vắcxin phòng COVID-19 của Pfizer-BioNTech tại một bệnh viện địa phương ở Coventry, miền Trung vùng England.


Cụ bà Margaret Keenan được tiêm vắcxin phòng COVID-19 của Pfizer/BioNTech. (Nguồn: AP)

Ngày 8-12, cụ bà Margaret Keenan, 90 tuổi, người Anh, đã trở thành người đầu tiên trên thế giới được tiêm vắcxin phòng bệnh COVID-19 do hãng dược phẩm Pfizer của Mỹ và hãng dược phẩm BioNTech của Đức bào chế. 

Một tuần trước khi cụ Keenan bước sang tuổi 91, Anh bắt đầu chương trình tiêm chủng lớn nhất trong lịch sử nước này và cụ đã được chọn là người đầu tiên tại nước này cũng như trên toàn thế giới được tiêm loại vắcxin nói trên.

Cụ Keenan đã được tiêm vắcxin phòng COVID-19 của Pfizer/BioNTech tại một bệnh viện địa phương ở Coventry, miền Trung vùng England. 

Phát biểu với báo giới, cụ Keenan đã bày tỏ vinh dự khi trở thành người đầu tiên được tiêm loại vắcxin này, coi đây là món quà mừng sinh nhật sớm có ý nghĩa nhất.

Với cụ, tiêm vắcxin đồng nghĩa với việc có thể có thêm thời gian ở bên gia đình, bạn bè, nhất là khi đã ở cái tuổi "gần đất, xa trời."

Cùng với cụ Keenan, những người già trên 80 tuổi, các điều dưỡng và  nhân viên y tế tuyến đầu và bảo trợ xã hội, là đối tượng đầu tiên được tiêm vắcxin phòng COVID-19 tại Anh. Những người này sẽ phải tiêm nhắc lại mũi thứ hai sau 21 ngày. 

Hiện Anh là quốc gia châu Âu chịu ảnh hưởng dịch COVID-19 nặng nề nhất, với hơn 61.000 người tử vong.

Thủ tướng Anh Boris Johnson hy vọng việc sớm triển khai chủng ngừa vắcxin của Pfizer/BioNTech sẽ giúp kiềm chế làn sóng dịch bệnh.

Bản thân các nhân viên y tế Anh cũng coi vắcxin là "ánh sáng cuối đường hầm" trong cuộc chiến chống dịch COVID-19, vốn đã cướp đi sinh mạng của hơn 1,5 triệu người trên toàn thế giới. 

Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock hy vọng sẽ có hàng triệu người dân nước mình sẽ được tiêm vắcxin phòng COVID-19 trước lễ Giáng sinh. Ông cho biết Anh sẽ nhận thêm hàng triệu liều vắcxin trước cuối năm nay. 

Anh xúc tiến kế hoạch chủng ngừa quy mô lớn chưa đầy một tuần sau khi phê duyệt đưa vắcxin vào sử dụng theo cơ chế khẩn cấp, trước cả Mỹ và Liên minh châu Âu (EU).

Việc chủng ngừa vắcxin do Cơ quan Y tế Quốc gia (NHS) phụ trách. Giám đốc điều hành NHS Simon Stevens cho rằng kế hoạch này đánh dấu bước ngoặt quyết định trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19.

Anh đã đặt mua 40 triệu liều vắcxin của Pfizer/BioNTech. Quy trình chủng ngừa mỗi người cần hai liều vắcxin, do đó số vắcxin này đủ cho 20 triệu người trong tổng số 67 triệu dân Anh. Trong tuần đầu tiên, Anh sẽ được bàn giao 800.000 liều.

Tổng cộng Anh đặt mua 357 triệu liều vắcxin phòng COVID-19, với 7 loại khác nhau. Trước Anh, Nga và Trung Quốc cũng đã tiến hành các chương trình chủng ngừa vắcxin COVID-19 theo cơ chế khẩn cấp.

Vắcxin phòng COVID-19 của Pfizer/BioNTech có hiệu quả phòng ngừa lên tới 95% và không gây tác dụng phụ đáng kể trong thử nghiệm lâm sàng quy mô lớn. Một trong những khó khăn lớn nhất trong phân phối và đưa vắcxin của Pfizer/BioNTech vào sử dụng là điều kiện bảo quản.

Vắcxin này cần được bảo quản  ở nhiệt độ cực lạnh là -70 độ C và chỉ để được 5 ngày trong tủ lạnh thông thường. Kế hoạch đưa vắcxin vào sử dụng đại trà tại Anh cũng được xem như một phép thử đối với mạng lưới phân phối vắcxin của Pfizer/BioNTech.

Theo NGỌC HÀ (TTXVN/Vietnam+)