Người trồng dưa lưới háo hức chờ mùa vụ Tết

21/11/2022 - 07:05

 - Hướng đến thị trường Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, nông dân trồng dưa lưới ở nhiều địa phương trong tỉnh An Giang đã lên kế hoạch sản xuất cho vụ mùa lớn nhất trong năm, từ các khâu vệ sinh nhà màng, lựa chọn và xuống giống, kết nối với thương lái để chuẩn bị một mùa vụ đầy hy vọng.

An Giang, mô hình trồng dưa lưới phát triển khá nhanh, chủ yếu được canh tác trong nhà màng. Dù có vốn đầu tư ban đầu khá cao, nhưng nhờ ứng dụng công nghệ, kỹ thuật canh tác mới đã giúp nông dân nhẹ công chăm sóc, tạo ra nông sản an toàn, được thị trường ưa chuộng. Nếu đạt năng suất và giá cả ổn định, từ 4 - 5 vụ, nông dân trồng dưa lưới có thể lấy lại vốn đầu tư ban đầu.

Tùy theo từng giống dưa mà mỗi vụ kéo dài khoảng 3 tháng, trừ thời gian vệ sinh nhà màng, ươm giống, nông dân có thể canh tác quanh năm, từ 3 - 4 vụ dưa/năm. Tuy nhiên, vụ dưa Tết luôn được bà con nông dân mong chờ nhất, vì vừa thuận lợi về thời tiết, năng suất ổn định, vừa đáp ứng nhu cầu của thị trường nên bán được giá.

Mấy ngày này, vợ chồng chị Lê Thị Thu Trang và anh Nguyễn Hữu Bửu Lộc (xã Hội An, huyện Chợ Mới) khá bận rộn chuẩn bị cho vụ dưa lưới, dưa lê bán Tết. Ngay từ đầu, khi lên ý tưởng khởi nghiệp cùng giống dưa lưới, ngoài việc đầu tư công nghệ với nhà màng, hệ thống tưới tự động, mô hình của vợ chồng chị Trang tập trung vào chất lượng, xây dựng thương hiệu riêng trên thị trường.

Nhờ định hướng rõ ràng, cùng với việc thành lập Công ty TNHH Nông phẩm Lộc Trang, sản phẩm dưa lưới của nông trại được chứng nhận OCOP 3 sao (Chương trình mỗi xã một sản phẩm). Chất lượng của sản phẩm luôn được vợ chồng chị quan tâm hàng đầu.

Mỗi sản phẩm trước khi đưa ra thị trường đều được kiểm định chất lượng, test độ chín, độ ngọt của từng trái. Phải đảm bảo các tiêu chí sạch, ngon, an toàn, sau đó mới được vận chuyển đến tay người tiêu dùng. Nhờ những cam kết về chất lượng nên sản phẩm của nông trại được khách hàng tin tưởng và đón nhận, thị trường rộng mở hơn.

Để chuẩn bị cho thị trường Tết, ngoài diện tích dưa lưới, vợ chồng chị Trang chủ yếu trồng dưa lê vì có màu vàng tươi bắt mắt, phù hợp với thị hiếu của người dân chưng Tết. Ưu điểm nổi bật của dưa lưới và dưa lê được người tiêu dùng đánh giá cao là có thể bảo quản lâu mà không ảnh hưởng đến chất lượng.

Mỗi trái chỉ từ 1 - 1,5kg nên phù hợp với gia đình ít người hoặc làm quà biếu tặng trong dịp lễ, Tết rất sang trọng và ý nghĩa. Để có dưa bán Tết, anh Lộc và chị Trang dọn vệ sinh 1 nhà màng rộng 1.000m2 để xuống giống dưa. Các nhà màng còn lại được chuẩn bị để sản xuất nối tiếp cung ứng cho thị trường cúng rằm tháng Giêng…

Ngoài cung ứng dưa ăn, chưng trong ngày Tết, mấy năm nay, vợ chồng chị Trang còn đưa dưa vào khuôn ép, tạo hình thỏi vàng, hình giọt nước và điêu khắc chữ thư pháp (phúc - lộc - thọ, tài - lộc)… Số lượng làm theo đơn đặt hàng từ đầu vụ, chủ yếu cung ứng cho thị trường phía Bắc với nhu cầu rất cao.

Dưa lưới, dưa lê tạo hình phải được lên đơn đặt hàng từ đầu vụ, vì khi trái lớn khoảng đầu ngón tay cái là đưa vào khuôn và chăm sóc cho đến khi thu hoạch. Tuy có giá thành cao nhưng nhờ có hình dáng đẹp, có ý nghĩa theo phong thủy nên vẫn được lựa chọn để chưng Tết ở gia đình hoặc làm quà tặng cho đối tác, bạn bè với ý nghĩa chúc thuận lợi, may mắn, sức khỏe trong năm mới.

“Để làm ra được cặp dưa lưới, dưa lê có hình đẹp, đòi hỏi đúng thời điểm, nhiều kỹ thuật chăm sóc, tỷ lệ hao hụt nhiều, nên bắt buộc giá bán phải cao hơn thì người nông dân mới có lãi. Đúng là chăm sóc nhiều và cực lắm, nhưng khi được khách hàng khen đẹp và hứa hẹn đặt hàng cho những vụ tiếp theo thì mình rất vui. Từ thời điểm này, trên Fanpage của công ty bắt đầu nhận đặt hàng theo mẫu khách hàng chọn hoặc từ tư vấn của nông trại” - anh Lộc giải thích.

Có cửa hàng bán trái cây ở TP. Châu Đốc, chàng trai trẻ Hak Yan (xã Vĩnh Châu, TP. Châu Đốc) vừa có nhà màng trồng dưa lưới, vừa kết nối tiêu thụ với những nông dân trồng dưa lưới ở các địa phương. Theo Hak Yan, thời điểm này để chuẩn bị cho vụ Tết, ở một số nơi nông dân trồng dưa lưới, dưa lê đã xuống giống được khoảng 1 tuần. Mỗi nơi sẽ có lịch trồng cách nhau vài ngày, với cách làm như vậy sẽ hạn chế được tình trạng “đụng hàng”, dội chợ của thị trường.

“Năm nào cũng vậy, vào thời điểm gần Tết, điện thoại tôi reo liên tục, đa phần nông dân họ kêu bán dưa. Thu mua xong, một phần sẽ được bày bán tại cửa hàng, phần nhiều là bỏ sỉ cho thương lái ở các chợ trung tâm tại TP. Châu Đốc. Lúc dưa lưới mới có trên thị trường, giá còn cao nên người tiêu dùng cũng ngán tiền nên phân vân lựa chọn. Hiện nay, nông dân đầu tư xây dựng nhà màng nhiều hơn, ứng dụng kỹ thuật cao và chọn lựa các giống dưa có năng suất nên diện tích từ đó cũng tăng lên.

Nhờ vậy mà giá cả đã hợp lý hơn, dao động từ 35.000 - 60.000 đồng/kg, người mua dễ lựa chọn hơn” - Hak Yan chia sẻ. Những ngày gần Tết, mỗi ngày Hak Yan có thể thu mua rồi cung ứng ra thị trường vài tấn dưa lưới, dưa lê. Đặc biệt, ngoài các loại dưa ăn thông thường, khách hàng rất chuộng các loại dưa có màu vàng như giống dưa Huỳnh Long để chưng cho đẹp mà ăn cũng rất ngon, ngọt và giòn.

Thời điểm Tết luôn là mùa vụ được bà con nông dân ở các địa phương mong chờ nhất. Ai cũng tranh thủ sản xuất, chăm bón để có thêm thu nhập, đón một mùa Tết sung túc nhất cho gia đình.

ÁNH NGUYÊN