Nhà báo và mạng xã hội

21/06/2019 - 07:09

 - Cách đây 5-10 năm, khi internet và mạng xã hội (MXH) chưa phát triển, cánh phóng viên chúng tôi thường xuyên phải chạy đôn chạy đáo tìm gặp nhân vật phỏng vấn, đến cơ quan chức năng tìm hiểu thông tin. Mười lần đi, có khi 4-5 lần tôi và các nhân vật “bỏ lỡ” nhau. Cực chẳng đã, việc phỏng vấn phải thực hiện qua điện thoại di động, vừa tốn kém, vừa không thể nắm bắt được ngôn ngữ hình thể, gương mặt của nhân vật. Từ khi MXH lên ngôi, việc làm báo nhẹ nhàng hơn trước rất nhiều.

Hầu như phóng viên, nhà báo hiện nay đều có tài khoản MXH (facebook, zalo, instagram…). Ngoài việc chia sẻ thông tin cá nhân, chúng tôi còn sử dụng MXH làm công cụ thu thập thông tin, kết nối với công chúng nhanh chóng, dễ dàng hơn. Trên MXH, các sự kiện nóng được chính người trong cuộc cập nhật, như 1 vụ tai nạn giao thông vừa xảy ra, cảnh đời thương tâm cần cộng đồng giúp đỡ, hoặc một xu hướng mới được lan truyền rộng rãi. MXH mang đến nhiều tiện ích cho người làm báo. Dù không trực tiếp có mặt lúc sự kiện đang diễn ra, nhưng báo chí có thể tiếp cận hình ảnh, video clip, ý kiến của người dùng về các vấn đề họ đang quan tâm, phản ánh phần nào dư luận xã hội. Đó chính là các “dữ kiện” hữu ích, có thể giúp nhà báo xem xét, kiểm chứng, xác minh và khai thác dưới góc độ báo chí.

Fanpage của Báo An Giang trên facebook, chia sẻ các thông tin báo chí, tương tác với người dùng mạng xã hội

Đặc biệt, MXH còn giúp nhà báo kết nối, liên lạc nhân vật một cách dễ dàng, từ người dân đến cán bộ, công chức, cơ quan nhà nước. Thông tin chính thống được đăng tải công khai trên MXH của cơ quan chức năng. Các nhân vật phỏng vấn sẵn lòng trò chuyện, chia sẻ hình ảnh cùng phóng viên thông qua các ứng dụng nhắn tin. Chúng tôi rút ngắn rất nhiều thời gian đi lại, yên tâm gặp nhân vật sau các cuộc hẹn phỏng vấn. Mối liên hệ giữa người phỏng vấn và người được phỏng vấn gần gũi, thân tình hơn rất nhiều.

Ở một khía cạnh khác, báo chí dần thay đổi hình thức tiếp cận công chúng. Ngoài việc đăng tải thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng (báo in, báo điện tử, phát thanh, truyền hình), những tác phẩm báo chí được chia sẻ trên fanpage của đơn vị báo chí, tạo điều kiện cho công chúng nhận được thông tin nhanh chóng, kịp thời, đồng thời thu nhận ý kiến phản hồi, bình luận của công chúng. Trong khi đang “hoang mang”, băn khoăn với các thông tin giật gân, câu khách của MXH, công chúng rất cần những tin, bài phản ánh đúng bản chất vụ việc từ báo chí chính thống. Nếu báo chí kịp thời đăng tải thông tin có liên quan, MXH sẽ “giúp” lan truyền, chia sẻ thông tin ấy rộng rãi hơn, lan tỏa mạnh mẽ hơn, để bất kỳ người dùng MXH nào cũng dễ dàng tiếp cận.

Trong bài viết “Truyền thông xã hội đối với ổn định chính trị, xã hội ở Việt Nam” mới đây, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng khẳng định: “Sau hơn 20 năm internet có mặt (từ năm 1997), với hơn 60 triệu người sử dụng, Việt Nam là quốc gia đứng thứ 18 trên thế giới về tỷ lệ người dân sử dụng internet và là 1 trong 10 nước có lượng người dùng facebook và youtube cao nhất thế giới. Điều đó cho thấy sự cởi mở, năng động của Việt Nam trong tiến trình hội nhập cùng thế giới số”. Thuận lợi mà MXH đem lại cho báo chí rất nhiều. Tuy nhiên, đây cũng là “con dao 2 lưỡi”, bởi MXH dễ gây khủng hoảng truyền thông, “điểm nóng”, nếu sự kiện bị hiểu sai, hiểu chưa đúng, chưa đầy đủ, lại được một lượng lớn tương tác, chia sẻ, bình luận từ “cư dân mạng”. Trong khi báo chí phải cân nhắc từng câu chữ, hình ảnh, qua nhiều công đoạn biên tập mới đưa thông tin đến công chúng, người dùng MXH bỏ qua những khâu ấy, sẵn sàng đăng tải bất cứ điều gì, dẫn dắt dư luận theo ý muốn chủ quan của họ. Thông tin xấu độc, lừa đảo, phản ánh một chiều, sai trái… ngày càng xuất hiện nhiều trên MXH, muốn ngăn chặn không phải chuyện “một sớm một chiều”.

Phóng viên báo chí tác nghiệp tại một sự kiện

 Do vậy, yêu cầu đặt ra hiện nay là phải nhìn nhận đúng về truyền thông xã hội ở cả 2 mặt tích cực và tiêu cực, nhận diện và quản lý những tác nhân gây ảnh hưởng để bảo vệ, phát huy những giá trị tiến bộ được xã hội thừa nhận. Đồng thời hạn chế, đẩy lùi, triệt phá những tác động tiêu cực bằng những giải pháp mạnh mẽ, đồng bộ và hiệu quả. “Phải phát huy vai trò chủ động, tiên phong, dẫn dắt, định hướng của báo chí trong thông tin tích cực. Báo chí cách mạng cần khẳng định hơn nữa vai trò,vị thế của mình trong thời đại kỹ thuật số. Dòng thông tin tích cực của báo chí vẫn phải là dòng thông tin chủ lưu với thông tin chất lượng, chính xác, kịp thời, khách quan, bộ lọc đáng tin cậy về mọi vấn đề xã hội, dư luận quan tâm. Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng những người làm báo về bản lĩnh chính trị, về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, công nghệ, trau dồi đạo đức, ý thức về sứ mệnh nghề nghiệp, thực hiện tốt quy định về trách nhiệm và chuẩn mực khi tham gia MXH” - ông Võ Văn Thưởng nhấn mạnh trong bài viết.

Có ý kiến cho rằng, trong chừng mực nào đó, MXH đã “dẫn dắt” xu hướng thông tin đối với báo chí. Điều đó rất đúng trong một số trường hợp cụ thể. Thế nhưng, tôi vẫn có niềm tin vững chắc vào nghề mình đã chọn. Dù MXH nói riêng, tiến bộ khoa học - kỹ thuật nói chung phát triển đến mức nào đi chăng nữa, chỉ cần người làm báo giữ được đạo đức của nghề thì chắc chắn lúc ấy, báo chí vẫn giữ vị thế đặc biệt, không thể thiếu đối với công chúng và xã hội!

Bài, ảnh: KHÁNH HƯNG