Nhiệm vụ ý nghĩa trong những ngày đặc biệt

07/10/2021 - 06:25

 - Mấy ngày qua, hàng chục ngàn người dân An Giang ngoài tỉnh di chuyển tự phát về địa phương. Để góp phần giảm áp lực cho công tác tiếp nhận, quản lý của chính quyền các cấp, Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh đã huy động lực lượng đoàn viên, cán bộ, công chức, người lao động đăng ký tham gia tình nguyện hỗ trợ đón công dân.

Phút nghỉ ngơi của các đoàn viên tại điểm hỗ trợ đón công dân trở về quê

Nhiệm vụ đặc biệt trong những ngày đặc biệt đã đọng lại cảm xúc sâu sắc đối với các tình nguyện viên. Ai cũng mong phần việc nhỏ của mình thể hiện sự chu đáo, nghĩa tình để bà con xa quê trở về cảm thấy ấm lòng, yên tâm, ổn định tâm lý, sớm trở lại cuộc sống bình thường mới.

Hoàn thành nhiệm vụ sau 2 ngày để nhường chỗ cho đội trực kế tiếp, các cán bộ chuyên trách LĐLĐ tỉnh trở về nhà vẫn trăn trở, đứng ngồi không yên: “Trời đang mưa, bà con và anh em mình chắc vất vả lắm”. Đội trực đầu tiên có 10 người, trong đó có 2 nữ.

Anh Huỳnh Ngọc Minh (Chánh Văn phòng LĐLĐ tỉnh) cho hay, được lãnh đạo đơn vị phân công, cán bộ công đoàn chuyên trách và đoàn viên từ các công đoàn cơ sở (CĐCS) trực thuộc LĐLĐ tỉnh phối hợp cùng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP. Long Xuyên phân luồng, bố trí cho bà con từ các tỉnh về quê theo từng địa phương; kiểm đếm số lượng, hỗ trợ thức ăn, nước uống...

Ngày đầu tiên phát thông báo, do chưa chủ động nhân lực nên phần lớn cán bộ công đoàn chuyên trách LĐLĐ tỉnh tự nguyện tham gia nhiệm vụ. Ngày 5 và 6-10, đã có 107 đoàn viên từ các CĐCS đăng ký tiếp tục hỗ trợ công việc. Ai cũng chia sẻ, thấu hiểu nỗi khó khăn, mất mát của người dân qua mấy tháng chống chọi dịch bệnh nên dành nhiều tình cảm đặc biệt, trên tinh thần sẵn sàng hỗ trợ mọi việc để bà con nhanh chóng về quê.

2 ngày tham gia trực, từ 16 giờ đến 3 giờ hôm sau và từ 8 giờ đến 14 giờ ngày kế tiếp, đến lúc trở về nhà, chị Trần Thị Mỹ Hạnh (Ban Tuyên giáo LĐLĐ tỉnh An Giang) thật sự thấm mệt. “Thấy bà con về đến đây nét mặt mừng khôn tả. Lượng người đông, phải chờ sắp xếp ổn định, lo tạm ăn uống trong thời gian chờ từng huyện đến đón, đủ hoàn cảnh khiến mình xót xa. Thế nhưng, họ rất lạc quan nói đã đợi mấy tháng ròng rã còn được, đợi thêm một chút có sao! Bản thân mình đã tiêm đủ 2 mũi vaccine nên mạnh dạn tham gia. Công việc có chút lo lắng, khi biết nhiều trường hợp từng là F0, vừa hoàn thành cách ly… nhưng được anh em hỗ trợ và động viên nên cuối cùng cũng tròn nhiệm vụ” - chị Hạnh chia sẻ.

Chị Nguyễn Kim Nhuần (CĐCS Tòa án nhân dân tỉnh) cho biết, đơn vị có 5 đoàn viên tự nguyện tham gia, mỗi ca trực 12 tiếng đồng hồ. Đội trực có nhiệm vụ hướng dẫn công dân về đúng nơi tập trung theo từng huyện. Sau khi ổn định, tình nguyện viên yêu cầu người dân chuẩn bị sẵn các loại giấy tờ, như: chứng minh nhân dân, phiếu kết quả test nhanh, giấy tờ xe… để thuận lợi và giảm thời gian cho lực lượng công an khi tiếp nhận thông tin.

Khi đăng ký tham gia, chị Nhuần phần nào hình dung trước nhiệm vụ và cảm thông vì nhu cầu của người dân là tất yếu. Hiểu được tâm lý của bà con nên chính quyền TP. Long Xuyên và các lực lượng đều nỗ lực chung tay để nhanh chóng giúp bà con được về quê an toàn. Dòng người rất đông nên đội trực tranh thủ được lúc nào là nghỉ ngơi lúc đó.

“Đêm 4-10, đang mưa rất lớn thì vừa lúc đoàn huyện An Phú đến đón bà con. Những người ở lại chờ đã chủ động nhường áo mưa cho các gia đình về trước. Tôi còn ấn tượng đôi vợ chồng và đứa con nhỏ với lỉnh kỉnh đồ sơ sinh trên xe, đang loay hoay không có áo mưa thì được một người khác nhường lại. Tình cảm bà con dành cho nhau lúc đó khiến tôi xúc động. Suốt thời gian đồng hành với lực lượng và người dân, bản thân tôi quên hẳn sự mệt mỏi.

Trong đêm, những gia đình có con nhỏ phải ngủ lại được phát mền để giữ ấm. LĐLĐ tỉnh An Giang đã phát động nhiệm vụ rất kịp thời và ý nghĩa để đoàn viên được phát huy khả năng, góp phần chăm sóc, bảo vệ nhân dân, người lao động. Mong rằng với tình cảm này, bà con sẽ nâng cao ý thức, chủ động phòng, chống dịch bệnh cho cộng đồng một cuộc sống xanh hơn” - chị Nhuần tâm sự.

Mỗi ca trực thay thế sẽ có cán bộ chuyên trách của LĐLĐ tỉnh ở lại hướng dẫn nắm công việc cụ thể. Đặc biệt căn dặn kỹ biện pháp phòng, chống dịch, chú ý giữ khoảng cách an toàn và thăm hỏi, động viên tinh thần để họ ổn định tâm lý. Kết thúc ca trực, đoàn viên được hỗ trợ test nhanh trước khi trở về nhà. Ngoài lực lượng hỗ trợ trực tiếp đón công dân ở các địa điểm tập trung tạm thời, cán bộ và đoàn viên các cấp còn tham gia trực chốt, phục vụ hậu cần suốt đêm để có các suất ăn, nước uống cho lực lượng làm nhiệm vụ lẫn người dân trở về quê.

Ở các huyện, thị xã, thành phố, công đoàn cũng huy động tối đa lực lượng tiếp sức bằng mọi công việc có thể trong những ngày này. Hộp cơm ăn vội, những phút nghỉ ngơi ít ỏi trên bãi cỏ, vỉa hè… không còn là vấn đề đáng bận tâm, bởi sự chung tay giúp đỡ cho bà con xa quê được trở về và san sẻ gánh nặng với lực lượng chuyên môn trong lúc này mới là điều cần thiết nhất.

MỸ HẠNH