Ảnh chỉ mang tính minh họa. (Nguồn: PV/Vietnam+)
Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam đã tạo ra được sức lan tỏa mạnh mẽ, không chỉ doanh nghiệp có cơ hội quảng bá các sản phẩm của mình mà bản thân người tiêu dùng cũng đón nhận một cách tích cực.
Sau 8 năm thực hiện Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đã có cuộc trao đổi với phóng viên về sức cạnh tranh của hàng Việt.
- Đến thời điểm này, cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam đã triển khai được 8 năm, vậy Bộ Công Thương đã có những hỗ trợ gì để hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất hàng Việt?
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải: Có thể đánh giá sau 8 năm thực hiện các nội dung của Cuộc vận động phía Bộ Công Thương đã đóng góp rất tốt vào các nhóm nhiệm vụ, mục tiêu.
Thứ nhất là công tác thông tin tuyên truyền, tiếp đến là sửa đổi, ban hành các chính sách để hỗ trợ cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh cũng như định hướng về tiêu dùng cho người dân. Thứ ba là việc phát triển các hệ thống bán lẻ cũng như đổi mới và đẩy mạnh công tác Quản lý thị trường trên địa bàn toàn quốc.
Đặc biệt thời gian gần đây, Bộ Công Thương đã nghiên cứu rất kỹ lưỡng và ban hành một số chính sách hoàn toàn phù hợp với các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) về phòng vệ thương mại, các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp Việt nam để phát triển được hàng hóa của Việt Nam ở ngay tại thị trường nội địa cũng như trên thị trường thế giới.
Ngoài ra, rất nhiều hoạt động về Xúc tiến thương mại về miền núi, biên giới, hải đảo cũng như các chương trình cung-cầu và đưa hàng về các khu công nghiệp, xa xôi được thực hiện bài bản, trên địa bàn toàn quốc.
Đánh giá một cách tổng quan, Cuộc vận động đã xây dựng được một trào lưu mạnh mẽ ở toàn dân và có định hướng tiêu dùng về sử dụng hàng Việt trên địa bàn toàn quốc.
Và một điều hết sức đáng mừng là Cuộc vận động trước kia chỉ ưu tiên dùng hàng Việt Nam nhưng đến nay rất nhiều hàng hóa của Việt Nam đã thực sự chinh phục được người dân Việt Nam và người tiêu dùng Việt Nam.
- Biểu đồ về hỗ trợ doanh nghiệp của Thành phố Hà Nội:
- Nhận thức của doanh nghiệp trong việc đầu tư nhiều hơn để sản xuất sản phẩm chất lượng cao cho người tiêu dùng đã có những bước tiến ra sao, thưa thứ trưởng?
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải: Có thể nói, đây cũng là một trong những kết quả của Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, phía Bộ Công Thương cũng đã thực hiện và tham gia tích cực.
Đơn cử như Giải thưởng về việc tôn vinh các sản phẩm, dịch vụ tiêu biểu thì không chỉ dừng ở việc tìm và tôn vinh những sản phẩm ở Việt Nam mà quan trọng hơn là khuyến khích các doanh nghiệp trong nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh và tận dụng những thành tựu của khoa học công nghệ cũng như phối hợp với các doanh nghiệp khác để tạo dựng được chỗ đứng vững ngay tại thị trường nội địa và nâng cao được năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp.
Hơn nữa khi các doanh nghiệp nâng cao được chất lượng của hàng hóa, dịch vụ của mình cũng là một cách tốt nhất đẩy mạnh được phong trào Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, giúp cho việc định hướng sử dụng hàng Việt ngày càng tốt hơn ở ngay trong đông đảo người dân Việt Nam.
- Việc cải cách hành chính là một công việc quan trọng đang được Bộ Công Thương thực hiện quyết liệt, vậy theo thứ trưởng, những chính sách mà Bộ thực hiện nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp sẽ được triển khai như thế nào?
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải: Công tác cải cách hành chính, cắt giảm điều kiện kinh doanh, xây dựng Chính phủ điện tử là công việc hết sức quan trọng và là nội dung trọng tâm được Bộ Công Thương thực hiện trong những năm gần đây.
Đơn cử, trong năm 2017 với việc cắt giảm 675 điều kiện, kinh doanh đầu tư, chiếm 55,5% tổng số các điều kiện, kinh doanh đầu tư trong lĩnh vực mà Bộ quản lý, là kết quả đã được dư luận, các cấp, các ngành và lãnh đạo các cấp đánh giá rất cao.
Ngoài ra, các thủ tục hành chính sẽ tiếp tục được Bộ đơn giản hóa và cắt giảm thêm, công việc này sẽ được rà soát một cách tích cực trong năm 2018 và trong những năm tới.
Việc nữa là hiện nay, việc xây dựng Chính phủ điện tử cũng rất được quan tâm, có thể nói là đã xây dựng được những cấp độ cao.
Trong năm 2018, song song với việc xây dựng Chính phủ điện tử cũng như là giảm bớt thủ tục hành chính, cải cách hành chính thì Bộ Công Thương sẽ thực hiện việc tinh giản, xây dựng lại bộ máy về lao động và làm việc ngày càng tinh gọn, hiệu quả, theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.
- Xin cảm ơn Thứ trưởng đã trả lời phỏng vấn./.
Triển khai Kế hoạch khuyến công, năm 2017 thành phố Hà Nội đã hỗ trợ 12 cơ sở công nghiệp nông thôn đầu tư ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại vào sản xuất; 16 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất ngành thủ công mỹ nghệ thuê tư vấn thiết kế mẫu sản phẩm mới, 85 doanh nghiệp sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ tham gia các hội chợ trong và ngoài nước.
Thành phố xem xét phê duyệt tặng danh hiệu nghệ nhân Hà Nội năm 2017 cho 42 cá nhân; Xét công nhận danh hiệu Làng nghề Hà Nội cho 8 làng nghề của 2 huyện Mê Linh và Phú Xuyên và công nhận 30 sản phẩm là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp Thành phố.
Năm 2017, có 115 sản phẩm, dịch vụ của 69 doanh nghiệp được trao chứng nhận “Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích” của thành phố Hà Nội.
Theo ĐỨC DUY (Vietnam+)