Nhiều mô hình sản xuất giỏi ở xã Mỹ Hòa Hưng

12/03/2020 - 06:08

Những năm gần đây, nhiều hội viên nông dân ở xã Mỹ Hòa Hưng (TP. Long Xuyên, An Giang) đã phát huy tính năng động, sáng tạo trong lao động, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, tạo ra nhiều mô hình hiệu quả cao, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Chủ tịch Hội Nông dân xã Mỹ Hòa Hưng Trần Anh Châu cho biết, Mỹ Hòa Hưng là xã cù lao, với diện tích tự nhiên hơn 2.127ha, có 5.434 hộ và 23.795 nhân khẩu. Diện tích đất sản xuất nông nghiệp là 574ha (chủ yếu trồng lúa và rau màu). Xã hiện có 8 chi hội, 12 tổ hợp tác sản xuất, 10 câu lạc bộ và 830 hội viên nông dân.

Để giúp hội viên phát triển kinh tế, hội đã phát động phong trào nông dân thi đua sản xuất - kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau giảm nghèo và làm giàu chính đáng đến các chi hội và hội viên. Thường xuyên tuyên truyền, vận động chuyển dịch đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng rau, màu, cây ăn trái, cải tạo vườn tạp kết hợp với mô hình làm vườn du lịch sinh thái cộng đồng theo hướng bền vững, an toàn và đảm bảo vệ sinh môi trường.

Qua đó, nhiều mô hình sản xuất hiệu quả được hội viên nông dân phát triển và nhân rộng, như: kinh doanh hoa kiểng, du lịch nông nghiệp (homestay), trồng rau an toàn theo hướng VietGAP, trồng hoa lan kết hợp trồng rau thủy canh, trồng cây ăn trái, chuyển dịch 2 lúa - 1 màu, chăn nuôi, làm vườn sinh thái, nuôi trồng thủy sản... Từ đó góp phần nâng cao thu nhập cho các hội viên nông dân từ 120 triệu đồng đến 3 tỷ đồng/năm, giải quyết việc làm cho lao động địa phương.

Trồng rau, màu ở xã Mỹ Hòa Hưng

Điển hình như hộ ông Huỳnh Ngọc Diện với diện tích 0,65ha sản xuất rau an toàn theo chương trình VietGAP có doanh thu 470 triệu đồng/năm. Hộ ông Nguyễn Văn Thọ chuyển dịch trồng sen, trồng xoài với diện tích 5ha, doanh thu 550 triệu đồng/năm. Hộ ông Tôn Thất Đính với mô hình vườn cây ăn trái diện tích 1,5ha, doanh thu 460 triệu đồng/năm.

Hay hộ ông Vương Gia Kiệt, ông Lê Thành Khôn chuyển sang nuôi heo bán công nghiệp, trang trại theo hướng an toàn sinh học, thực hiện phối giống tạo nạc hóa đàn heo với doanh thu trên 2 tỷ đồng/năm. Hoặc các hộ: Hồ An Ghem, Trần Văn Hùng, Huỳnh Thế Truyền... hàng năm tăng nhanh về số lượng cây kiểng, bon-sai và diện tích trồng hoa tươi các loại để đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng.

Đặc biệt, hộ chị Ngô Thị Thanh Nhàn đã mạnh dạn đầu tư 4 nhà lưới, với diện tích 2.500m2 để trồng hoa lan. Hiện, chị Nhàn đang sưu tầm trồng được 25 loại hoa lan khác nhau với 6.000 chậu, trong đó có nhiều loại được thị trường yêu thích như: lan hồ điệp, ngọc điểm… Hoa lan được bán sỉ ở chợ Mỹ Bình, siêu thị Co.opmart, các tiệm hoa ở TP. Long Xuyên. Trung bình bán hoa lan hàng tháng thu nhập từ 20-25 triệu đồng. Ngoài công việc trồng hoa lan, chị Nhàn đầu tư thêm dụng cụ và trang thiết bị trồng thêm rau thủy canh với diện tích 500m2, trồng các loại rau như: xà lách, cải thìa, cải xanh, cải ngọt để tăng thêm thu nhập cho gia đình.

“Thời gian tới, tôi tiếp tục đầu tư thêm nhà lưới, mở rộng diện tích trồng rau thủy canh, để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Đồng thời, tiếp tục đầu tư và chỉnh trang vườn hoa lan đón khách đến tham quan, du lịch tại địa phương, vừa giúp tăng thêm thu nhập cho gia đình, vừa giới thiệu sản phẩm an toàn, với mong muốn nâng cao kiến thức, nhận thức của mọi người trong trồng và sử dụng sản phẩm an toàn, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm” - chị Nhàn Chia sẻ.

Chị Nhàn trong vườn rau thủy canh ứng dụng công nghệ cao

Chủ tịch Hội Nông dân xã Mỹ Hòa Hưng Trần Anh Châu cho biết, thời gian tới, Hội Nông dân sẽ tiếp tục phát động phong trào nông dân thi đua sản xuất - kinh doanh giỏi theo hướng đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển trồng hoa tươi và kinh doanh cây kiểng, kinh tế trang trại, chăn nuôi bán công nghiệp theo quy trình an toàn sinh học, sản xuất lúa giống, lúa chất lượng cao, sản xuất rau an toàn... Nhân rộng mô hình ứng dụng công nghệ cao sản xuất có hiệu quả. Phối hợp các ngành tỉnh, thành phố kịp thời cung cấp thông tin thị trường, khoa học - kỹ thuật, công nghệ mới gắn kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm giữa nông dân với các doanh nghiệp. Xây dựng các mô hình điểm để nhân rộng điển hình, sản phẩm đảm bảo chất lượng cao theo nhu cầu thị trường, trong sản xuất áp dụng công nghệ cao, an toàn sinh học, nhằm giảm chi phí, hạ giá thành, để sản phẩm có chất lượng đủ sức cạnh tranh trên thị trường, giúp tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho người nông dân trên quê hương Bác Tôn.

TRỌNG TÍN