Nhiều mô hình sinh kế dựa vào mùa nước nổi

15/06/2023 - 07:23

 - Thời gian qua, Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên quốc tế (IUCN) tại Việt Nam triển khai và thúc đẩy mô hình sinh kế bền vững cho người dân dựa vào mùa nước nổi, nhằm hỗ trợ vùng trữ lũ và khôi phục một phần lượng nước vùng trữ lũ bị thất thoát, góp phần khôi phục hệ sinh thái đất ngập nước mang lại lợi ích, tạo sự đa dạng sinh học vùng ĐBSCL.

Các mô hình sinh kế mùa nước nổi từ cây sen

Theo TS Andrew Wyatt (Phó Giám đốc IUCN tại Việt Nam), từ giữa năm 2000 - 2011, tổng trữ lượng nước lũ khu vực thượng nguồn ĐBSCL bị giảm một nửa, từ 9,212 tỷ m3 xuống còn 4,693 tỷ m3. Các tác động do giảm nước vùng trữ lũ tại thượng nguồn gây ra tình trạng lũ lụt ngày càng tăng ở hạ nguồn, giảm phù sa, màu mỡ của đất, giảm khả năng tái tạo của tầng ngậm nước nông, tích tụ chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy và giảm lượng lớn trữ lượng thủy sản.

Để hỗ trợ vùng trữ lũ và khôi phục một phần trong 4 tỷ m2 nước vùng trữ lũ bị thất thoát trong giai đoạn 2000 - 2011 tại vùng ĐBSCL, từ năm 2018 - 2021, IUCN thực hiện dự án “Mô hình sinh kế dựa vào mùa nước nổi hỗ trợ chiến lược trữ lũ tại ĐBSCL” tại các tỉnh: Đồng Tháp, An Giang, Long An. Dự án thực hiện các mô hình trên diện tích 470ha, tập huấn, hỗ trợ cho hơn 1.000 nông dân 3 tỉnh phát triển các mô hình kinh tế nông nghiệp dựa vào mùa lũ, như: Kết hợp trồng lúa với sen, kết hợp trồng lúa và nuôi cá, trồng sen chuyên canh, kết hợp trồng sen với du lịch sinh thái, trồng vườn rau nổi, trồng lúa mùa nổi, trồng hẹ nước, trồng ấu, nuôi cá đồng mùa lũ… Kết quả đã mang lại lợi ích kinh tế, tăng thu nhập đáng kể cho người dân.

Đặc biệt, dự án “Mô hình sinh kế dựa vào mùa nước nổi hỗ trợ chiến lược trữ lũ tại ĐBSCL” thử nghiệm dệt thành công sản phẩm từ tơ sen tại một số địa phương. Qua kết quả nghiên cứu nhận thấy, các bộ phận của cây sen, như: Hạt, lá, nụ và rễ... đều đem lại lợi ích lớn về kinh tế; đồng thời, có thể sử dụng để làm dược liệu, mỹ phẩm và thức ăn hàng ngày. Riêng, nguồn nguyên liệu từ cọng sen có sẵn từ mô hình trồng sen lấy gương sau khi thu hoạch gương sen, nên IUCN hỗ trợ kinh phí đào tạo cho các chị em phụ nữ kỹ thuật rút lấy tơ từ sen để dệt vải.

Theo đó, nhiều lao động nữ ở các địa phương đã được tập huấn kỹ thuật rút tơ sen và kết hợp với thử nghiệm dệt vải tơ sen, kết quả chất lượng vải từ tơ sen dệt ra rất đẹp, có giá trị kinh tế cao. Từ đó cho thấy, nghề rút tơ sen và dệt vải tơ sen rất phù hợp với đa số phụ nữ, họ có thể tận dụng thời gian rảnh rỗi để làm thêm công việc này, có thể giúp giải quyết việc làm cho các phụ nữ vừa có thời gian chăm sóc gia đình, vừa có thêm thu nhập phát triển kinh tế gia đình.

Tiếp nối và kế thừa những kết quả đạt được từ dự án thực hiện ở giai đoạn 2018 - 2021, IUCN tiếp tục triển khai dự án “Xây dựng chuỗi giá trị bền vững các sản phẩm từ tơ sen tại Việt Nam nhằm hỗ trợ chiến lược trữ lũ vùng ĐBSCL”. Cụ thể, dự án được thực hiện từ năm 2023 - 2025 tại các tỉnh: An Giang, Đồng Tháp và Long An.

Dự án cung cấp hỗ trợ tài chính, kỹ thuật và tập huấn cho nông dân trồng các mô hình sinh kế dựa vào sen, tăng diện tích vùng trữ lũ. Đồng thời, xây dựng chuỗi giá trị bền vững cho các sản phẩm tơ sen bằng việc hỗ trợ tiếp cận thị trường, nâng cao sinh kế của người dân trồng sen và những phụ nữ làm nghề thủ công tại các làng dệt truyền thống.

Dự án gồm 4 hợp phần, trong đó hợp phần 1 hỗ trợ người dân trồng sen 120ha, xây dựng vùng nguyên liệu để cung cấp tơ sen cho sản xuất dệt vải trong năm 2023. Hợp phần 2, nâng cao năng lực cho người dân sản xuất tơ sen và dệt lụa sen thông qua các khóa tập huấn đào tạo. Hợp phần 3, nghiên cứu khoa học về đa dạng sinh học, sinh thái môi trường và trữ lượng nước trên ruộng sen. Hợp phần 4, xây dựng chuỗi cung ứng bền vững cho sản xuất các sản phẩm từ tơ sen, như: Thiết kế sản phẩm, xây dựng nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý cho ngành sản xuất tơ sen Việt Nam.

“Trong năm 2023, thông qua dự án “Xây dựng chuỗi giá trị bền vững các sản phẩm từ tơ sen tại Việt Nam nhằm hỗ trợ chiến lược trữ lũ vùng ĐBSCL”,  IUCN sẽ hợp tác với các đối tác địa phương hỗ trợ trồng sen trên diện tích 120ha, tập huấn về rút sợi tơ sen và dệt vải. Đồng thời, tiến hành nghiên cứu về các chỉ số đa dạng sinh học và hấp thụ các-bon liên quan đến sen và huy động doanh nghiệp hỗ trợ thiết kế, tiếp cận thị trường cho các sản phẩm từ tơ sen” - TS Andrew Wyatt cho biết.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang Trương Kiến Thọ cho biết, từ năm 2018 - 2020, tổ chức IUCN triển khai nhiều mô hình thí điểm sinh kế dựa vào mùa nước nổi ở tại An Giang, chứng minh tính bền vững, hiệu quả và có tiềm năng nhân rộng, nhận được sự hưởng ứng tích cực từ các hộ gia đình, doanh nghiệp và chính quyền địa phương.

Qua đó cho thấy, mô hình sinh kế trồng sen mùa nước lũ, thông qua việc chuyển từ đất trồng 2 - 3 vụ lúa/năm sang trồng 1 vụ lúa đông xuân, vụ hè thu và vụ 3 trồng sen kết hợp phát triển các sản phẩm giá trị gia tăng từ sen. Từ đó, góp phần cung cấp cho cán bộ địa phương và cộng đồng chuyển đổi sang tư duy làm “kinh tế nông nghiệp” thông qua việc tích hợp đa giá trị từ cây sen, đa dạng hóa sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường, giúp gia tăng thu nhập cho người dân.

Đồng thời, giúp bảo tồn và khôi phục khả năng trữ nước cho đồng bằng, tái diễn lại văn hóa mùa nước nổi địa phương và thích ứng linh hoạt hơn với biến đổi khí hậu, nhất là khi hạn hán hay lũ lớn bất thường như năm 2018. Ngoài ra, mô hình giúp tăng lượng phù sa trên đồng ruộng, giảm sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, tăng các loài thủy sinh tự nhiên, cải thiện đa dạng sinh học và hệ sinh thái canh tác nông nghiệp...

TRỌNG TÍN