Người dân Ukraine xếp hàng mua vé tàu để sơ tán khỏi Kiev.
Nhà lãnh đạo Nga tuyên bố "nước này đã, đang và sẽ tôn trọng chủ quyền của các quốc gia mới được thành lập trong không gian hậu Xô Viết". Tuyên bố của Bộ Quốc phòng Nga nhấn mạnh, tính mạng của dân thường Ukraine không bị đe dọa do phía Nga chỉ nhằm các mục tiêu quân sự.
Bộ Quốc phòng Nga ngày 24/2 tuyên bố đang sử dụng vũ khí chính xác nhắm vào một số cơ sở quân sự của Ukraine. Bộ này cho biết, các phương tiện phòng không của Lực lượng vũ trang Ukraine đã bị áp chế, cơ sở hạ tầng quân sự của căn cứ không quân đã bị vô hiệu hóa. Bộ Quốc phòng Nga khẳng định không gây đe dọa đối với dân thường.
Sau khi Nga thông báo triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại Donbass, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy (V.Dê-len-xki) ban bố thiết quân luật trên toàn quốc. Trong một thông điệp bằng video, ngày 24/2, Tổng thống Ukraine tuyên bố nước này cắt đứt quan hệ ngoại giao với Nga. Tư lệnh các lực lượng vũ trang Ukraine, Thiếu tướng Valeriy Zaluzhny cho biết đã nhận được chỉ thị từ Tổng thống Zelensky nhằm đẩy lui chiến dịch quân sự của Nga.
Tổng thống Zelenskiy cũng đã điện đàm với Tổng thống Mỹ Joe Biden (G.Bai-đơn) về diễn biến hiện nay. Trong một tuyên bố riêng rẽ, quân đội Ukraine khẳng định thông tin về việc binh sĩ Nga xuất hiện ở Odessa, miền nam nước này, là tin đồn thất thiệt. Cơ quan đường sắt Ukraine cho biết, sẽ có các chuyến tàu sơ tán người dân tại miền đông và khu vực Odessa, miền nam Ukraine.
Tổng thống Mỹ tuyên bố, Mỹ và các nước đồng minh sẽ phối hợp trong phản ứng với Nga. Bộ trưởng Ngoại giao và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đã điện đàm với Tổng Thư ký NATO để thảo luận về các phản ứng phối hợp của liên minh về chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu và Chủ tịch Hội đồng châu Âu nhấn mạnh, Liên minh châu Âu (EU) kêu gọi Nga ngay lập tức chấm dứt chiến dịch quân sự ở Ukraine. Theo Sputnik, Ðại diện cấp cao về chính sách an ninh và đối ngoại của EU Josep Borrell (G.Bo-ren) cho biết, khối này có kế hoạch tổ chức sơ tán, bao gồm cả nhân viên khỏi các khu vực ở Ukraine bị ảnh hưởng bởi chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga. Ngoài ra, EU cũng sẽ xem xét các phương án để hỗ trợ Ukraine.
Ðức tuyên bố, EU, NATO và Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) sẽ áp đặt lệnh trừng phạt quy mô lớn với Nga, đồng thời tăng cường an ninh và phối hợp với các đồng minh. Anh tuyên bố sẽ áp đặt mức độ trừng phạt "chưa từng có" đối với Nga. Bộ Ngoại giao Italia cũng thông báo triệu Ðại sứ Nga liên quan đến vấn đề này.
EU đã đưa ra các biện pháp trừng phạt đối với Bộ trưởng Quốc phòng Nga cùng các chỉ huy quân đội Nga. EU đồng thời áp đặt các biện pháp trừng phạt chung đối với nền kinh tế Nga bằng cách hạn chế Moskva phát hành trái phiếu chính phủ hoặc huy động vốn tại các thị trường tài chính châu Âu, cấm nhập khẩu đối với hàng hóa đến từ Donetsk và Luhansk.
Tổng thống Joe Biden tuyên bố, Mỹ sẽ cùng Ðức áp đặt những biện pháp cản trở nhằm vào dự án đường ống khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2 của Nga. Tổng thống Biden cho biết đã chỉ đạo các cơ quan chức năng áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Nord Stream 2 AG, doanh nghiệp phụ trách xây dựng đường ống Dòng chảy phương Bắc 2, cùng các quan chức của công ty.
Tại phiên họp khẩn của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc phụ trách vấn đề chính trị Rosemary DiCarlo thông báo, có nhiều thông tin cho rằng phía Nga đã đóng cửa không phận đối với hàng không dân dụng dọc khu vực biên giới với Ukraine. Trong khi đó, Nga đã gửi thông báo đến các phi công, trong đó nói rõ quyết định đóng cửa một phần không phận trong vùng thông báo bay Rostov ở phía đông biên giới với Ukraine để bảo đảm an toàn cho các chuyến bay dân sự.
Ðại hội đồng Liên hợp quốc họp phiên toàn thể về tình hình Ukraine, với sự tham dự của gần 200 nước thành viên Liên hợp quốc. Phát biểu tại phiên họp, Tổng Thư ký Liên hợp quốc cảnh báo "thế giới đang đối mặt một thời điểm có thể nói là hết sức nguy hiểm". Ông nhấn mạnh, đây là lúc các bên cần phải kiềm chế và giảm căng thẳng, không đẩy tình hình đi quá xa, đồng thời kêu gọi ngừng bắn, đối thoại nhằm tránh xảy ra chiến tranh.
Ngày 24/2, Tổng thống Litva đã ký sắc lệnh ban bố tình trạng khẩn cấp tại nước này do tình hình ở Ukraine. Tổng thống Moldova cho biết, nước này sẽ ban bố tình trạng khẩn cấp và sẵn sàng tiếp nhận hàng chục nghìn người đến từ nước láng giềng Ukraine.
Thủ tướng Latvia tuyên bố, nước này đang phối hợp chặt chẽ với các đối tác EU và NATO về vấn đề Ukraine, đồng thời kêu gọi tiến hành tham vấn theo Ðiều 4 của NATO. Bộ Quốc phòng Latvia cho biết, rạng sáng 24/2, khoảng 40 lính Mỹ đã từ Italia tới Latvia.
Hãng Kyodo cho biết, Hội đồng an ninh quốc gia Nhật Bản họp khẩn về vấn đề Ukraine. Trong khi đó, tại Hàn Quốc, trong phiên họp của Hội đồng An ninh quốc gia ngày 24/2, các quan chức hàng đầu Hàn Quốc tuyên bố đang theo dõi tình hình Ukraine, nhất trí sẽ nỗ lực hết sức để bảo đảm an toàn cho công dân và doanh nghiệp Hàn Quốc tại khu vực. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhắc lại lời kêu gọi tất cả các bên liên quan tình hình ở Ukraine kiềm chế. Do lo ngại vấn đề an ninh, Ðại sứ quán Trung Quốc tại Ukraine khuyến cáo công dân Trung Quốc đang sinh sống tại Ukraine ở trong nhà.
Chứng khoán toàn cầu nói chung và chứng khoán châu Âu nói riêng chung đà giảm sau những biến động ở Ukraine. Mở cửa phiên giao dịch ngày 24/2, các chỉ số chứng khoán trên thị trường London (Anh) giảm gần 3%, trong khi tại Frankfurt (Ðức) và Paris (Pháp) đều giảm hơn 4%. Giá dầu mỏ cũng tăng lên trên 100 USD/thùng do lo ngại tình trạng gián đoạn nguồn cung từ Nga. Tại châu Á, thị trường chứng khoán Nhật Bản đã giảm mạnh. Tình trạng bán tháo đã xuất hiện ở hầu hết các cổ phiếu niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán Tokyo.
Theo Nhân Dân