Tôi đi bộ, cứ một sớm thì ra phía công viên, một sớm thì ra phía mé ngôi chùa nằm trên một khuôn viên rộng rãi sau hè nhà. Có hai đứa bé như là anh em dắt tay nhau đến trường. Thằng lớn nhỉnh hơn vài ba tuổi chốc lại nhắc “em nhảy qua đi coi chừng ướt giày ướt váy” khi bé gái đang cố vượt qua mấy vũng nước nhỏ.
Đi ngang chùa, bé gái níu tay anh lại đứng nhìn chú tiểu quét lá trong sân. Cây sala nở bông từng chùm, cánh bông dày màu dịu. Đứa bé đưa tay chỉ trỏ ý chừng xin một bông rụng. Chú tiểu dừng quét, nhặt đóa hoa chạy ra đặt vào lòng bàn tay bé xíu của bé. Mặt nó tươi lên, tíu tít rủ anh chạy mau cho kịp giờ học. Chợt nhớ lời của mẹ nó có lần một sớm mai nào đó tôi bắt gặp, cũng nhắc nó rằng “nếu con cố nhảy qua được mấy vũng nước, thì sẽ được một bông sala”. Câu động viên ấy có lẽ như đã mở ra trước mắt bé một trời mơ tưởng... nên chi vẫn cứ nghe lời mẹ, khi thằng anh dắt đi học nó cũng làm y vậy.
Hôm trước thì tôi ra công viên. Ở đó tôi bắt gặp hình ảnh hai ông già tầm 60, 70 tuổi. Một ông thì bị cụt tay, một ông bị cụt chân. Họ đi mỏi lại ngồi bên chiếc ghế đá dưới gốc cây si. Người bán vé số đến mời, hai ông mua 2 tấm vé. Ông một chân cười nói với ông một tay: “Tui ước trúng số để gửi tiền qua Mỹ đặt mua một cái chân giả đi cho tiện. Lọc cọc cái nạng này đi bộ lúc nào cũng thua ông”. Ông một tay: “Trời đất, trúng số thì để ăn cho sướng, chừng này tuổi rồi sống mấy năm nữa mà mua chân giả cho phí”. Ông ước trúng số nói một câu nhẹ tênh: “Biết vậy, mà khi nào “đi” thì đem theo.
Bên kia cũng cần đi cho nhẹ nhàng chớ ông”. Ông một tay gật gù, lại nói: “Tui trúng thì phụ vô mua cho thằng con cái nhà rộng rãi chút để ở. Vợ chồng tui ở với nó, mà nhà chật chội quá bất tiện lắm”. Rồi ông kể, quê xứ miền Trung rất nghèo, con trai vào đây làm công nhân nhiều năm, giờ cũng đã được lên tổ trưởng kỹ thuật của công ty may. Căn nhà mua đã lâu vỏn vẹn khoảng hơn 20 m2. Ở quê, mùa màng thất bát, con trai về đưa vợ chồng ông vào sống cùng. “Chật vật lắm ông à. Tội cho mấy đứa nhỏ nhưng tui với bà ấy về thì tụi nó buồn, khóc lóc. Sợ ở quê cô quạnh không ai chăm sóc”.
Câu chuyện ngắn của mỗi người với ước mơ của mình khiến tôi, dù tình cờ nghe được, cũng thoáng chút bâng khuâng. Lại liên tưởng đến chuyện mỗi sáng đứa bé mơ có một bông hoa đặt vào tay, hay giấc mơ vé số của hai người đàn ông tật nguyền, cũng là những mơ ước rất đời và đáng trân trọng, dù lớn dù nhỏ. Trên đường về tôi ghé mua tờ báo và gói xôi nhỏ điểm tâm, bỗng ngẫu hứng vui: “Nắm xôi tờ báo sớm mai. Ta đi về giữa bờ vai nghìn trùng”.
Sớm nay, trời lại có chút mù sương se lạnh cuối năm…
Theo TRẦN THANH BÌNH (Thanh Niên)