
Bà Néang Kim Eng phát triển kinh tế gia đình bằng nghị lực vươn lên
Thời gian qua, các cấp hội nông dân trên địa bàn huyện miền núi Tri Tôn đổi mới nội dung, hình thức hoạt động. Đồng thời, triển khai hiệu quả hoạt động hỗ trợ nông dân, đặc biệt là nông dân DTTS Khmer bằng những cách làm mới, phù hợp với điều kiện kinh tế từng nông hộ. Mặt khác, nông dân nhạy bén trong việc lựa chọn mô hình mới, phù hợp, hiệu quả; đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất… Từ đó, mang lại những kết quả khích lệ.
Trước đây, gia đình ông Chau Si Nane (xã Núi Tô) canh tác 5 công đất lúa. Diện tích không nhiều, nên thu nhập bấp bênh. Thấy vậy, ông tận dụng diện tích đó để trồng cỏ, nuôi bò. Thời gian đầu, ông Chau Si Nane chỉ nuôi vài con. Thấy việc chăn nuôi hiệu quả, ông tiếp tục mở rộng số lượng đàn vật nuôi. “Nhờ sự quan tâm của Đảng ủy, UBND xã, Trạm Khuyến nông và đặc biệt là Hội Nông dân xã Núi Tô, tôi được tạo điều kiện tham gia tập huấn chăn nuôi bò. Tiếp thu và vận dụng những kiến thức đó vào chăn nuôi, gia đình tôi đạt được kết quả khả quan” - ông Chau Si Nane chia sẻ.
Hội Nông dân huyện Tri Tôn, xã Núi Tô còn chia sẻ, cán bộ hội luôn lắng nghe những khó khăn của hội viên nông dân, nhất là về nguồn vốn vay. Qua đó, tạo điều kiện gia đình ông Nane tiếp cận nguồn vốn Ngân hàng Chính sách xã hội, Quỹ Hỗ trợ nông dân để mở rộng mô hình. Đến nay, gia đình ông có cuộc sống ổn định. Mỗi năm, trừ đi chi phí, họ thu về lợi nhuận trên 273 triệu đồng. Ngoài phát triển kinh tế, ông còn hướng dẫn, hỗ trợ người dân địa phương về khoa học - kỹ thuật để cùng nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống.
Tại xã Ô Lâm, nhận thức được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, gia đình ông Chau Krâm cố gắng sản xuất. Nếu như trước đây, ông Chau Krâm chỉ canh tác lúa theo cách truyền thống, chỉ sử dụng 1 giống lúa. Được tham gia tập huấn, hội thảo do địa phương tổ chức, ông Chau Krâm thay đổi tư duy sản xuất. Ông chia sẻ: “Tùy theo nhu cầu thị trường mà gia đình tôi lựa chọn giống lúa phù hợp, thay vì 1 giống lúa như trước đây. Đơn cử như vụ đông xuân, lúa thường trúng nên tôi canh tác giống IR 50504; vụ hè thu, năng suất lúa ổn định, tôi canh tác giống OM 5451; vụ 3 thì tùy tình hình thực tế theo thị trường mà chọn giống. Nhờ cách làm này, mỗi năm tôi thu về lợi nhuận gần 200 triệu đồng. Hiện nay, gia đình tôi có cuộc sống ổn định, nhà cửa khang trang, đồ dùng sinh hoạt đầy đủ tiện nghi, con cái được học hành đến nơi đến chốn”.
Tại xã Châu Lăng, gia đình bà Néang Kim Eng là một trong những hộ nông dân tiêu biểu, nhạy bén trong việc phát triển nông nghiệp. Bà cho biết, thời gian qua, Hội Nông dân huyện Tri Tôn, xã Châu Lăng và Trạm Khuyến nông tạo điều kiện cho bà tham gia tập huấn, hội thảo, ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào quá trình sản xuất, chăn nuôi. Trên cơ sở kiến thức học được, bà Néang Kim Eng mạnh dạn phát triển mô hình chăn nuôi heo kết hợp nấu rượu. Việc sản xuất, chăn nuôi mang lại hiệu quả, bà Néang Kim Eng mua thêm 2ha đất lúa canh tác. “Hiện nay, thu nhập từ việc sản xuất lúa, chăn nuôi heo và nấu rượu của gia đình tôi khoảng 300 triệu đồng/năm” - bà Néang Kim Eng thông tin.
Thực tế trên cho thấy, nông dân đồng bào DTTS Khmer huyện Tri Tôn ngày càng nhạy bén trong việc lựa chọn, phát triển mô hình trồng trọt, chăn nuôi. Từ đó, tạo điều kiện cho nông dân nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống. Đồng thời, đóng góp quan trọng vào sự phát triển của địa phương; chung tay cùng chính quyền địa phương xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao…
MINH ĐỨC