Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải. Ảnh: TTO
Chia sẻ với báo chí, TS. Trần Du Lịch (nguyên thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng) nói: “Với tôi, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải là một con người đi trước về nhận thức cũng như hành động. Trong đó, thị trường và hội nhập là những tư tưởng của ông mà tôi cảm nhận được từ quá trình làm việc”.
Nói về những di sản của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải trong nhiệm kỳ Thủ tướng của mình, TS. Trần Du Lịch cho biết có 2 điều nổi bật. Thứ nhất, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải là người kiên trì với tư duy Việt Nam muốn phát triển phải đi vào thị trường và đi vào hội nhập. Thứ hai, là phải cải cách bộ máy hành chính nhằm khắc phục sự quan liêu, trì trệ... để nâng cao hiệu quả bộ máy. Đó là điều mà ông muốn đột phá.
Về tổng thể, theo TS. Trần Du Lịch, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải giúp cho kinh tế Việt Nam vượt qua giai đoạn khủng hoảng khu vực (1997) và tạo tiền đề phát triển rất rực rỡ từ 2001 đến 2005. "Bây giờ, chúng ta đang muốn có một giai đoạn phát triển như vậy, kinh tế tư nhân phát triển mạnh, chỉ số ICOR thấp, hiệu quả đầu tư cao. Với tư duy như vậy, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải đã làm chỗ dựa cho việc đàm phán để kết thúc Hiệp định Thương mại Việt -Mỹ và Việt Nam gia nhập WTO", TS. Trần Du Lịch nói.
GS. Nguyễn Mại (nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về Hợp tác và Đầu tư) nhớ lạị: Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải là người trước hết luôn vì công việc. Hầu như người ta không thể tìm thấy những động cơ cá nhân của một người đứng đầu Chính phủ khi ông làm Thủ tướng. Điểm ấn tượng nhất là ông là người rất biết lắng nghe. Ông thành lập hẳn hai cơ quan tư vấn là Ban Nghiên cứu Kinh tế lo tư vấn chính sách kinh tế vĩ mô trong nước và Tổ Nghiên cứu kinh tế đối ngoại. Rồi thành lập Tổ công tác thi hành Luật Doanh nghiệp 1999.
“Nếu không có tổ này thì Luật Doanh nghiệp khó có thể nhanh chóng đi vào cuộc sống hiệu quả như vậy”, GS. Nguyễn Mại nói.
Cũng theo GS. Nguyễn Mại, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải là người kế thừa xuất sắc sự nghiệp đổi mới do Đảng lãnh đạo, phát huy tốt những dấu ấn quan trọng do các đời Thủ tướng khác để lại, nhất là Thủ tướng Võ Văn Kiệt, từ đó nâng lên một tầm cao mới: Hội nhập tốt hơn, điều hành kinh tế vĩ mô tốt hơn.
Với PGS. TS. Trần Hoàng Ngân (đại biểu Quốc hội - Giám đốc Học viện Cán bộ TPHCM), trên cương vị người đứng đầu Chính phủ, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải đã để lại nhiều dấu ấn, gắn liền với thành tựu phát triển kinh tế của đất nước.
Đảm nhận trọng trách Thủ tướng Chính phủ vào tháng 9/1997, lúc đó khu vực Đông Nam Á rơi vào khủng hoảng tài chính. Một điều quan trọng là trong khoảng thời gian đó, Chính phủ và người đứng đầu là Thủ tướng Phan Văn Khải đã cầu thị lắng nghe ý kiến các chuyên gia, tìm ra được những đối sách hạn chế đến mức thấp nhất tác động tiêu cực của khủng hoảng tài chính khu vực đến kinh tế Việt Nam. Từ năm 2000 trở đi, chúng ta thực hiện các chính sách phát triển kinh tế - xã hội đúng đắn, từng bước phục hồi nền kinh tế, đạt tốc độ phát triển kinh tế rất cao, bình quân ở mức 7,5% từ năm 2000 đến năm 2006.
Nói về nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải, Luật sư Nguyễn Văn Hậu (Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Thương mại Luật gia Việt Nam) cho biết, ông đặc biệt ấn tượng với những quyết sách mang tính bước ngoặt trong việc ban hành Luật Doanh nghiệp 1999 của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải.
Trước khi Luật Doanh nghiệp 1999 ra đời, Luật quy định người dân được quyền kinh doanh những gì Nhà nước “cho phép”, doanh nghiệp vướng khá nhiều rào cản khi phải xin quá nhiều giấy phép con. Rồi kể cả khi Luật Doanh nghiệp ra đời, người dân muốn kinh doanh vẫn gặp khó khăn vì Luật gặp trở lực rất lớn khi đưa vào cuộc sống.
Bằng tinh thần quyết liệt đưa Luật vào áp dụng, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải đã thành lập một tổ rà soát, bãi bỏ được 286 giấy phép con, giảm phiền hà cho người dân rất nhiều trong quá trình kinh doanh. Ông Nguyễn Văn Hậu nói: “Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải đã đưa ra và xác lập cơ chế là người dân được kinh doanh những gì mà pháp luật không cấm”.
Với tinh thần đó, Luật Doanh nghiệp 1999 đã dần đi vào cuộc sống, loại bỏ hàng loạt giấy phép con và sự can thiệp không cần thiết của Nhà nước vào hoạt động kinh doanh của người dân.
Bà Phạm Chi Lan (nguyên thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng) chia sẻ nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải đã có nhiều cống hiến quan trọng trong suốt nhiệm kỳ của mình. Trong đó, dấu ấn mạnh nhất mà ông để lại cho nền kinh tế Việt Nam là cải cách thể chế kinh tế, tạo nền tảng cho Việt Nam hướng đến nền kinh tế thị trường, tạo động lực để phát triển kinh tế một cách bền vững.
Theo bà Phạm Chi Lan, đó chính là việc nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải đã chỉ đạo cho ra đời Luật Doanh nghiệp năm 1999. Cho đến bây giờ, nhiều chuyên gia quốc tế khi đánh giá về quá trình 30 năm đổi mới của nước ta, họ vẫn cho rằng Luật Doanh nghiệp năm 1999 là cú hích, là sự đột phá lớn nhất mà Việt Nam có được về thể chế.
Cũng nhờ sự cải cách thể chế thông qua cải cách luật pháp mà Việt Nam vừa có thêm động lực tăng trưởng mới cho doanh nghiệp tư nhân trong nước, vừa giúp cho đất nước thoát khỏi cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997.
TS. Lê Đăng Doanh (nguyên thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng) cho biết với ông, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải là “vị Thủ tướng kỹ trị, đi sâu, đi sát, biết lắng nghe, cân nhắc và vô cùng sáng suốt”.
Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải là người quan tâm đến sự ổn định của nền kinh tế. Mọi quyết định ông đưa ra đều tính toán rất kỹ lưỡng và là người có cống hiến lịch sử cho nền kinh tế Việt Nam thông qua ba quyết sách: Trình Luật Doanh nghiệp năm 1999 ra trước Quốc hội, giải phóng cho kinh tế tư nhân; thực hiện kinh tế thị trường, kiểm soát độc quyền; và thứ ba là thúc đẩy hội nhập quốc tế, thông qua việc trình và thực hiện ký kết Hiệp định Thương mại song phương Việt - Mỹ, TS. Lê Đăng Doanh cho biết.
Ấn tượng của GS.TS Nguyễn Minh Thuyết (nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội) về nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải là “hình ảnh một người đứng đầu cẩn trọng, đàng hoàng, bản lĩnh”.
Theo GS. Nguyễn Minh Thuyết, “khi làm đại biểu Quốc hội, tôi cũng từng chất vấn Thủ tướng Phan Văn Khải một số vấn đề. Cái cách mà Thủ tướng đăng đàn trả lời cũng thẳng thắn và chân thực như con người của ông vậy”. Điều đó làm ông nể phục. Sự thẳng thắn, dám nói ra của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải đã và sẽ giúp chúng ta nhận thức rõ hơn những tồn tại, hạn chế về kinh tế - xã hội và khắc phục chúng, GS. Nguyễn Minh Thuyết chia sẻ.
TS. Lê Xuân Nghĩa (nguyên thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng) cho biết nói đến nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải là phải nói đến cống hiến lớn nhất của ông trong việc đưa Việt Nam thoát khỏi cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997.
Chia sẻ những suy nghĩ về nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải, ông Lê Bàng(nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ) cho biết ông đặc biệt ấn tượng về chuyến thăm Hoa Kỳ năm 2005 của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải trên cương vị Thủ tướng Chính phủ Việt Nam khi đó. Đây là chuyến thăm Hoa Kỳ đầu tiên của một vị lãnh đạo cấp cao Việt Nam kể từ năm 1975.
Điểm nhấn của chuyến thăm này là Hoa Kỳ cho Việt Nam hưởng quy chế quan hệ thương mại bình thường vĩnh viễn, là bước đà quan trọng để Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) sau đó.
Còn với ông Nguyễn Túc (Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Văn hóa- Xã hội của MTTQ Việt Nam), kỷ niệm về nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải trong suốt những năm làm Phó Thủ tướng rồi làm Thủ tướng, quan hệ của Anh Sáu (cách gọi thân mật nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải) với Mặt trận, với các tổ chức chính trị-xã hội, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân… gắn bó hết sức tự nhiên, mật thiết trên cơ sở đặt quyền lợi của người dân lên trên hết.
Theo Chính Phủ