Nỗi buồn cây thanh long!

19/10/2022 - 07:21

 - Thanh long ruột đỏ từng là cây đặc sản thuộc tốp đầu về thu nhập nên thu hút rất nhiều nông dân đầu tư. Nhưng hơn 2 năm trở lại đây, giá thanh long liên tục ở mức thấp.

Nhiều nhà vườn đã chặt bỏ loại cây một thời mang đến nguồn lợi nhuận khá. Song, với niềm tin vào cây thanh long ruột đỏ cũng như tình yêu với loại cây này, nông dân Phạm Thành Tuấn (sinh năm 1953, ngụ ấp Tân Hiệp, xã Vọng Thê, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang) vẫn quyết tâm giữ mảnh vườn 9.000m2 trồng thanh long ruột đỏ. 

Ông Tuấn phấn khởi vì giá thanh long ruột đỏ bắt đầu tăng trở lại

Thời “hoàng kim” của thanh long ruột đỏ!

Chia sẻ về mảnh vườn thanh long ruột đỏ hiện tại, ông Tuấn không giấu được nỗi buồn vì liên tiếp những đợt “được mùa mất giá” của loại trái cây này. Thế nhưng, khi nói về thời “hoàng kim” của thanh long ruột đỏ, ánh mắt lão nông ấy lại sáng lên vẻ tự hào.

“Tôi bắt đầu chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang trồng cây thanh long ruột đỏ hơn 4 năm. Trong 1 chuyến thăm người bà con ở tỉnh Long An, ngay mùa thu hoạch thanh long ruột đỏ, thương lái thu mua giá rất cao, tôi rất thích thú và được người họ hàng chia sẻ kinh nghiệm trồng cây thanh long. Ban đầu, tôi chỉ tận dụng diện tích đất trống quanh nhà trồng 200 trụ thanh long ruột đỏ. Nhờ chịu khó học hỏi kỹ thuật, hơn 1 năm sau, tôi thu hoạch lứa trái đầu tiên. Kinh phí đầu tư khoảng 100 triệu đồng, sau 1 năm bán trái, tôi đã thu hồi vốn. Năm thứ 2, tôi thu về lợi nhuận cao từ cây thanh long ruột đỏ” - ông Tuấn nhớ lại.

Từ thành công đó, ông Tuấn bắt đầu mở rộng diện tích trồng thanh long lên 1.000 trụ. Vừa làm vừa học hỏi, tự tích lũy kinh nghiệm, vườn thanh long của ông phát triển theo ý người trồng. Áp dụng kỹ thuật thắp đèn để thúc thanh long ra hoa trái vụ. Nhờ vậy, thanh long ruột đỏ được giá hơn.

Thời điểm đó, ông Tuấn bán thanh long ruột đỏ với giá 40.000-50.000 đồng/kg. Trung bình 1 công đất trồng thanh long, ông Tuấn thu hoạch được hơn 1 tấn trái khi vào vụ. Thu hoạch xong, dưỡng cây rồi xử lý ra hoa tiếp, nên vườn thanh long của ông Tuấn cho trái quanh năm. Với chi phí đầu tư khoảng 500 triệu đồng, sau 1 năm bán trái, ông Tuấn đã thu hồi vốn ban đầu. Lợi nhuận và năng suất vườn thanh long ruột đỏ đã mang đến nguồn thu nhập rất cao cho gia đình ông Tuấn.

Nỗi buồn của người nông dân

Nghịch lý hiện nay về bài toán đầu ra cho trái thanh long là rộ vụ thu hoạch, sản lượng tăng cao, thanh long có nguy cơ ùn ứ, đổ bỏ. Thêm ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, không riêng gì thanh long, hàng loạt trái cây, nông sản bị ùn ứ, không xuất khẩu được nên đành chịu cảnh mất giá dù “trúng mùa”. Thế nên, nhiều nhà vườn e ngại đầu tư chăm sóc vì lo giá rẻ.

Nói về giá trị thanh long ruột đỏ hiện nay, ông Tuấn xót xa: “Nhiều nông dân đang phá bỏ hàng loạt diện tích thanh long, do giá loại trái cây này liên tục xuống thấp, khó tiêu thụ khiến nông dân thua lỗ nặng. Không đâu xa, người họ hàng đã hướng cho tôi trồng thanh long ruột đỏ cũng đã bỏ vườn để đầu tư loại cây trồng khác dù trước đây từng “ăn nên làm ra”.

Cùng chịu cảnh ấy, hơn 1 năm qua, nhìn cảnh vườn thanh long năng suất cao mà giá rớt, tôi gần như suy sụp. Thời điểm dịch bệnh, may mắn là tôi có thương lái ở tỉnh Vĩnh Long và Long An thu mua, giá 10.000 đồng/kg. Với giá đó, tôi không có lời nhưng cũng không đến nỗi thua lỗ nặng”.

Nguyên nhân để ông Tuấn quyết định bám trụ với vườn thanh long của mình là vì vườn đang độ tuổi cho năng suất cao. Vườn được chăm sóc rất kỹ nên luôn “sạch” bệnh. “Thấy được năng suất hiện tại của vườn thanh long, tôi không thể chặt bỏ để tìm một loại cây trồng khác thay thế. Chưa kể, phải mất thời gian, công sức, tiền của đầu tư lại từ đầu mà chưa nắm bắt được thị trường thế nào.

“Làm nông mà “ăn may” kiểu vậy, tôi không dám thử! Tín hiệu vui là giá thanh long ruột đỏ dần tăng trở lại. Hiện, giá thương lái thu mua khoảng 20.000 đồng/kg. Từ nay đến Tết Nguyên đán, giá sẽ tăng thêm. Hơn 2 tuần nữa, vườn của tôi cũng bắt đầu vào vụ thu hoạch, năng suất hơn 1 tấn/công, hy vọng sẽ có lời” - ông Tuấn mong chờ.

Cũng theo ông Tuấn, trồng thanh long không đơn giản, còn rất cực công. Nhất là vào giai đoạn cây ra hoa cho trái, mỗi ngày 2 buổi, ông và con trai đều phải thăm vườn để chăm sóc, tỉa cành, tạo tán có lợi cho cây. Rồi phải vuốt tai thanh long nhằm giữ cho tai trái thanh long có màu xanh, dài và dày đẹp khi chín. Thăm vườn thanh long đang sai trái của người nông dân chịu thương, chịu khó này, tôi không khỏi rời mắt. “Vào những năm tháng loay hoay, chưa định hình chuyển đổi cây gì mang về lợi nhuận cao, cây thanh long đã tìm đến mình nên giờ đây bỏ nó sao đành!” - ông Tuấn trầm ngâm.

Chủ tịch Hội Nông dân xã Vọng Thê Nguyễn Quốc Tình cho biết: “Ông Phạm Thành Tuấn là nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi của địa phương. Ông là người tiên phong mang giống cây thanh long ruột đỏ về trồng ở địa phương. Cây thanh long ruột đỏ thích hợp với thổ nhưỡng nơi đây nên năng suất khá cao. Hiện, địa phương có 2 hộ trồng thanh long ruột đỏ với diện tích 1,2ha. Địa phương luôn định hướng nông dân khi chuyển đổi cây trồng không nên chạy theo thị trường ồ ạt vì dễ dẫn đến tình trạng cung vượt cầu”.

PHƯƠNG LAN