Nơi lưu giữ bộ xương người tiền sử hơn 7.500 năm

27/08/2023 - 08:12

Bảo tàng giữa đại ngàn Cúc Phương là nơi trưng bày, lưu giữ hàng chục nghìn mẫu vật hệ sinh thái về động, thực vật... Nơi đây lưu giữ bộ xương hóa thạch của người tiền sử đang nằm ôm gối cách đây hơn 7.500 năm.

Vườn quốc gia Cúc Phương (VQG) là một khu bảo tồn thiên nhiên, khu rừng đặc dụng nằm ở Nho Quan, Ninh Bình. Vườn có diện tích 22.200ha với hệ động thực vật phong phú, đa dạng mang đặc trưng rừng mưa nhiệt đới. 

Cúc Phương là VQG đầu tiên của Việt Nam, là địa điểm khảo cổ, nghiên cứu khoa học. Nơi đây được Tổ chức World Travel Awards bầu chọn và vinh danh là VQG hàng đầu châu Á trong 5 năm liên tiếp 2019-2023.

Bảo tàng giữa rừng Cúc phương

Bảo tàng Cúc Phương nằm trong khuôn viên VQG Cúc Phương đóng trên địa bàn xã Cúc Phương. Nơi đây lưu giữ và bảo quản hơn 50 mẫu khảo cổ học, 122 mẫu ngâm, 82 mẫu động vật, 2.900 mẫu côn trùng các loại và hơn 12.000 mẫu tiêu bản thực vật.

Khu vực tầng 1 của bảo tàng là tháp bướm với hơn 350 mẫu vật từ bướm kết thành một con bướm khổng lồ, tầng 2 được chia thành nhiều phòng với hệ động vật, thực vật, côn trùng, trưng bày truyền thống văn hóa và khảo cổ. Đặc biệt, nơi đây cũng lưu giữ bộ xương hóa thạch của người tiền sử đang nằm ôm gối cách đây khoảng hơn 7.500 năm...

Các mẫu vật chủ yếu từ những vụ buôn bán, vận chuyển động vật hoang dã trái phép được cứu hộ không thành công

Có nhiều mẫu vật là linh trưởng quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng cao

Ở Cúc Phương có khoảng 16 loài ốc (chủ yếu là ốc đá) sinh sống

Ở Cúc Phương có khoảng gần 400 loài bướm sinh sống

Chị Hoàng Thị Quyên, nhân viên bảo tàng cho biết, bảo tàng Cúc Phương được thành lập năm 1973 với mục đích ban đầu là lưu trữ mẫu vật phục vụ cho nghiên cứu khoa học. Đến tháng 8/2020 bảo tàng mới chính thức mở cửa đón khách tham quan.

Cũng theo chị Quyên, một phần mẫu vật thu tại vườn để phục vụ công tác điều tra, nghiên cứu khoa học và có rất nhiều mẫu vật tiếp nhận từ những vụ buôn bán, săn bắt động vật hoang dã trái phép trên toàn quốc mà khi cứu hộ về các trung tâm không thành công (động vật chết - PV). Vì vậy, các mẫu vật được đưa vào bảo tàng trưng bày nhằm tuyên truyền cho học sinh, sinh viên và khách du lịch về bảo vệ động vật hoang dã, bảo vệ thiên nhiên.

Các nhà khoa học cũng tìm thấy hóa thạch của bò sát răng phiến (bò sát biển sống ở kỷ Trias cách đây khoảng 230 triệu năm) trên một vách đá ở xã Thành Yên, huyện Thạch Thành (Thanh Hóa)

Bộ xương hóa thạch của người tiền sử Việt Nam nằm ôm gối cách đây khoảng hơn 7.500 năm vẫn còn nguyên vẹn

Hệ thống trưng bày là một vòng tuần hoàn từ khi trái đất được hình thành đến sự phát triển của sự sống cho đến ngày nay

Đây cũng là địa điểm nghiên cứu, tham quan học tập cho chuyên gia và học sinh, sinh viên

“Điều đặc biệt hệ thống trưng bày ở bảo tàng Cúc Phương là một câu chuyện tiến hóa của tự nhiên, từ khi trái đất được hình thành đến sự phát triển của sự sống cho đến ngày nay”, chị Quyên cho hay.

Tại bảo tàng Cúc Phương đang có 2 mẫu vật hổ bengal được tiếp nhận từ một vụ buôn bán động vật xuyên quốc gia bằng đường hàng không do Chi cục Kiểm lâm Cần Thơ và Công an Cần Thơ phối hợp bắt giữ.

Theo Vietnamnet