Nông dân Châu Phú sản xuất – kinh doanh giỏi

23/09/2024 - 07:00

 - Thời gian qua, phong trào “Nông dân thi đua sản xuất - kinh doanh (SXKD) giỏi”, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững trở thành phong trào thi đua sôi nổi, thu hút đông đảo cán bộ, hội viên, nông dân huyện Châu Phú tham gia. Qua đó, tạo động lực khích lệ nông dân hăng hái thi đua lao động, sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển.

Toàn huyện Châu Phú hiện có 10.149 hội viên/17.780 hộ nông dân (đạt tỷ lệ 57%), trong đó có khoảng 1.160 hội viên tiêu biểu. Giai đoạn 2022 - 2024, toàn huyện có 19.644 lượt hộ nông dân đăng ký danh hiệu “Nông dân SXKD giỏi” các cấp. Từ phong trào “Nông dân thi đua SXKD giỏi” đã tạo điều kiện cho nông dân giúp đỡ lẫn nhau trong sản xuất, học hỏi kinh nghiệm, ứng dụng khoa học - công nghệ. Qua đó, giúp giảm lao động thủ công, tiết kiệm thời gian, giảm chi phí và tăng lợi nhuận cho nông dân.

Thông qua phong trào đã xuất hiện nhiều mô hình sản xuất tiêu biểu của nông dân, góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi đạt hiệu quả kinh tế cao, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Điển hình như mô hình trồng nhãn xuồng Khánh Hòa của Hợp tác xã (HTX) Thương mại dịch vụ, du lịch, nông nghiệp Khánh Hòa; mô hình trồng sầu riêng của Tổ hội trồng sầu riêng xã Bình Chánh; chi, tổ hội nuôi lươn xã: Bình Phú, Thạnh Mỹ Tây, Bình Long; chi, tổ hội chăn nuôi bò xã Bình Phú, Bình Long…

Sản phẩm từ các mô hình sản xuất tiêu biểu của nông dân

Là một trong những nông dân SXKD giỏi của huyện Châu Phú, nông dân Thái Xuân Hoàng (thành viên HTX Thương mại dịch vụ, du lịch, nông nghiệp Khánh Hòa) chia sẻ: “Trước kia, thu nhập của gia đình tôi trông cậy vào mấy công lúa, nhưng thường gặp tình trạng “trúng mùa mất giá”. Khi UBND huyện Châu Phú có chủ trương thực hiện mô hình trồng nhãn xuồng trên địa bàn xã Khánh Hòa, có hỗ trợ kỹ thuật, vốn vay ưu đãi. Tôi được xét cho vay vốn để cải tạo đất làm vườn, mua giống, phân bón, kết hợp sự hỗ trợ kỹ thuật trồng nhãn xuồng từ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện, tôi đã trồng nhãn xuồng với diện tích 10.000m2. Nhờ áp dụng kỹ thuật theo hướng dẫn và học thêm kinh nghiệm từ những nông dân trồng nhãn có hiệu quả cao, đến nay, vườn nhãn của gia đình đã thu hoạch, đạt năng suất khoảng 700kg/1.000m2. Với giá bán bình quân 35.000 đồng/kg, lợi nhuận thu về trừ chi phí sản xuất được khoảng 17 triệu đồng/1.000m2”.

Những năm gần đây, phong trào nuôi lươn trong bể bạt phát triển mạnh ở huyện Châu Phú. Tại xã Thạnh Mỹ Tây, một số hộ dân đã thành công với mô hình nuôi lươn trong bể bạt, bước đầu đã mang lại hiệu quả cao. Đặc biệt, HTX Thương mại - Dịch vụ nuôi lươn VietGAP Thạnh Mỹ Tây là một trong những đơn vị tiên phong trong việc nuôi lươn bể bạt áp dụng theo hướng an toàn sinh học. Hiện, HTX có 10 thành viên nuôi lươn, với 25 bể nuôi, trong đó có 10 hộ nuôi lươn giống cung cấp ra thị trường. Ngoài ra, HTX còn được Phòng NN&PTNT huyện, Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện, Tổ Khuyến nông cộng đồng xã Thạnh Mỹ Tây hỗ trợ làm khô lươn hướng đến công nhận sản phẩm đạt OCOP 3 sao.

Từ những kết quả đạt được của phong trào “Nông dân thi đua SXKD giỏi”, Hội Nông dân các xã, thị trấn huyện Châu Phú xác định nông dân là nòng cốt trong mọi hoạt động, quan tâm hỗ trợ nông dân trong sản xuất, ổn định đời sống. Trong xây dựng nông thôn mới (NTM), NTM nâng cao, nông dân huyện Châu Phú đóng vai trò nòng cốt, tích cực tham gia thực hiện các công trình: Làm lộ giao thông nông thôn, giao thông nội đồng; cán bộ, hội viên nông dân tham gia thực hiện mô hình hàng rào cây xanh, cột cờ và lắp đèn chiếu sáng lộ giao thông, lắp camera an ninh…

Hướng đến mục tiêu nâng cao chất lượng và hiệu quả phong trào “Nông dân thi đua SXKD giỏi”, đoàn kết giúp nhau giảm nghèo và làm giàu chính đáng, thời gian tới, Hội Nông dân huyện Châu Phú tiếp tục quan tâm nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên nông dân về các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Đồng thời, tiếp tục đưa phong trào phát triển theo chiều sâu, gắn với tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả việc phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh An Giang giai đoạn 2024 - 2026 và tầm nhìn đến năm 2030. Đẩy mạnh công tác hỗ trợ nông dân phát trỉển kinh tế, hướng dẫn nông dân phát triển các loại hình và đối tượng SXKD phù hợp, gắn với hỗ trợ về vốn, vật tư, chuyển giao khoa học - kỹ thuật để nâng cao chất lượng, hiệu quả SXKD; có kế họach đào tạo nghề cho nông dân, nâng cao trình độ sản xuất thâm canh, kiến thức quản lý kinh tế và thị trường, giúp nông dân tiếp cận, khai thác có hiệu quả các chính sách đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn…

MỸ LINH