Nông dân chưa “mặn mà” với sản xuất sạch

02/07/2019 - 07:44

 - Vụ sản xuất này, bà con nông dân đang hết sức lo lắng khi bước vào thời điểm thu hoạch rộ vụ lúa hè thu nhưng giá lúa còn rất thấp. Thực tế này đặt ra vấn đề: sau tất cả những khó khăn liệu nông dân có còn “bám ruộng” và nếu còn tiếp tục “bám” thì phải làm như thế nào để chủ động đầu ra cho lúa, gạo?

Ghi nhận tại xã Núi Voi (Tịnh Biên), giá lúa IR50404 ngày 20-6 được thương lái thu mua tại ruộng 4.200 đồng/kg. Dù giá lúa đã nhích lên chút ít nhưng nông dân vẫn không vui. Bởi, năng suất lúa vụ này không cao, từ 500-700 kg/công, nếu bán giá 4.200 đồng/kg thì nông dân chỉ thu về 2,1 triệu đồng/công, trong khi chi phí vật tư thấp nhất đã là 2,2 triệu đồng/công. Nông dân lỗ 100.000 đồng/công. Có nơi, thương lái ép giá chỉ còn 3.800-4.000 đồng/kg hoặc đặt cọc thu mua nhưng “bẻ kèo” là chuyện bình thường. Đó là thực trạng chung không chỉ riêng với nông dân An Giang, mà nông dân các tỉnh miền Tây đang phải đối mặt. Nguyên nhân của vấn đề là thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam chủ yếu là Trung Quốc đang hạn chế nhập khẩu và đòi hỏi các tiêu chuẩn về quản lý chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, yêu cầu truy xuất nguồn gốc. Nói cách khác, Trung Quốc không chấp nhận mua lúa, gạo phẩm chất thấp, lượng tồn dư thuốc bảo vệ thực vật cao, gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.

Với cách thức sản xuất rời rạc, manh mún, không theo quy chuẩn kỹ thuật, lạm dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật độc hại, trước mắt nông dân đã tự hại mình vì không thể cạnh tranh với các sản phẩm của các nước láng giềng như: Campuchia hay Thái Lan. Kế đến là ảnh hưởng đến môi trường sinh thái, làm đất, nước bị nhiễm độc, bạc màu, năng suất cây trồng thấp. Không chịu được cảnh vất vả cả mùa vụ để rồi bán lúa với giá thấp, vụ này ông Võ Văn Nỉ (xã Long Điền B, Chợ Mới) phải chịu cảnh bỏ trắng ruộng 1 vụ để cải tạo đất và chưa thể định hướng trồng cây gì trong vụ tới. Giá lúa thấp, năng suất lại không cao, nông dân sản xuất cho người khác thuê lại đất hoặc chuyển hướng sang các loại cây trồng khác như: xoài, mít, cóc, sầu riêng… để cải thu nhập. Thế nhưng, nếu cứ theo cách làm “thua keo này bày keo khác”, nông dân chạy theo phong trào, sản xuất không theo quy hoạch thì trong tương lai, bà con sẽ đối mặt với việc tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm cây ăn trái, bài toán sản xuất cung vượt cầu lại phải giải quyết.

Bà con nông dân cần bình tĩnh hơn với cây lúa. Bởi, theo Nghị quyết số 120/NQ-CP của Thủ tướng Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu đã thể hiện rõ quan điểm chỉ đạo: nông dân cần thay đổi tư duy phát triển, chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp thuần túy, chủ yếu là sản xuất lúa sang tư duy kinh tế nông nghiệp đa dạng, đáp ứng nhu cầu thị trường, chuyển từ phát triển theo số lượng sang chất lượng, xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển mạnh mẽ nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ và nông nghiệp sạch gắn với chuỗi giá trị và xây dựng thương hiệu… Do vậy, đã đến lúc nông dân cần sản xuất sạch để theo kịp xu thế phát triển của thị trường, đáp ứng nhu cầu chính đáng của người tiêu dùng.

Trên thực tế đã có nhiều nông dân đam mê sản xuất lúa sạch, rau sạch như: Nông trại Ếch Ộp (TP. Long xuyên), Công ty TNHH Ba Lá Phong An Giang chuyên gạo hữu cơ (Thoại Sơn), vùng sản xuất “nói không với thuốc trừ sâu, rầy” tại huyện An Phú hay vùng sản xuất lúa Nhật của nông dân hợp tác với Công ty TNHH Angimex Kitoku… Tuy nhiên, số lượng nông sản vẫn còn hạn chế, giá đến tay người tiêu dùng còn cao. Vấn đề đặt ra là tại sao nông dân không sản xuất đại trà theo kiểu an toàn để người tiêu dùng có thể tiếp cận với mức giá phải chăng, đáp ứng quy chuẩn gạo xuất khẩu.

Nếu nông dân cứ ngần ngại, sản xuất theo kiểu truyền thống mà trước thực trạng làm ra sản phẩm gặp cảnh khó khăn ở đầu ra thì chuyện “ly nông, ly hương” là điều có thể xảy ra. Trong khi chờ các nguồn lực hỗ trợ, các doanh nghiệp phối hợp với nông dân sản xuất sạch với quy mô, diện tích lớn; nông dân cũng hãy tự “cứu mình” bằng cách tự làm sạch, tìm kiếm nguồn giống tốt, phân bón an toàn để cải thiện chất lượng hạt gạo thì trong tương lai mới có thể hy vọng những tín hiệu khả quan hơn.

Bài, ảnh: NGỌC GIANG