Những ngày này, nông dân ở các huyện vùng trũng của tỉnh Sóc Trăng, như: thị xã Ngã Năm, huyện Mỹ Tú, huyện Châu Thành, huyện Thạnh Trị đang vào vụ thu hoạch lúa Hè Thu năm 2024.
AA
Vụ lúa Hè Thu năm 2024, tỉnh Sóc Trăng gieo sạ 140.436 ha. Ảnh: Tuấn Phi/TTXVN
Đây là những khu vực đầu tiên của tỉnh Sóc Trăng thu hoạch lúa Hè Thu năm 2024, với giá lúa cao hơn so với trung bình nhiều năm nên nông dân đều phấn khởi.
Năm nay, gia đình ông Nguyễn Văn Hồng (ấp Mỹ Lộc 1, xã Mỹ Bình, thị xã Ngã Năm) sản xuất 1 ha lúa Hè Thu, với giống sản xuất OM18; năm nay giá lúa thu mua của thương lái cao hơn từ 10 - 20% nên gia đình rất phấn khởi.
Ông Nguyễn Văn Hồng (ấp Mỹ Lộc 1, xã Mỹ Bình, thị xã Ngã Năm) chia sẻ, thời tiết năm nay thuận lợi, ít sâu bệnh, cây lúa phát triển khá tốt nên chi phí sản xuất giảm hơn từ 1 - 2 triệu đồng/ha. Cùng với đó, giá lúa cao hơn từ 600 - 1.000 đồng/kg (lúa tươi tại ruộng), trừ các khoảng chi phi gia đình lợi nhuận trên 30 triệu đồng/ha, tăng trên 10 triệu đồng so với những vụ Hè Thu trước.
Còn tại Hợp tác xã Tân Lộc Thành (thị xã Ngã Năm) có diện tích sản xuất 417 ha, có đê bao khép kín và trạm bơm điện phục vụ sản xuất nên chi phí sản xuất giảm cộng với giá lúa cao nên các xã viên đều phấn khởi.
Ông Trần Hùng Cường, Giám đốc Hợp tác xã Tân Lộc Thành (thị xã Ngã Năm) thông tin, vụ lúa Hè Thu 2024 hợp tác xã sản xuất giống OM 18, hiện đã thu hoạch gần 300 ha, năng suất khoảng 55 tạ/ha (tăng 2 tạ/ha so vụ trước); với giá lúa thu mua tại ruộng từ 7.600 - 7.800 đồng/kg, trừ các khoảng chi phí nông dân lợi nhuận từ 35 triệu đồng/ha trở lên.
Cũng theo ông Trần Hùng Cường, các vụ lúa Hè Thu vừa qua nông dân chỉ lợi nhuận khoảng từ 15 - 20 triệu đồng/ha, năm nay nhờ giá lúa cao cộng với sản xuất trong cánh đồng mẫu (có trạm bơm bơm tát) chi phí giảm nên lợi nhuận tăng hơn khoảng 15 triệu đồng/ha, nông dân rất phấn khởi.
Ông Võ Văn Bé, Trưởng Phòng Kinh tế thị xã Ngã Năm (Sóc Trăng) cho biết, vụ lúa Hè Thu 2024, toàn thị xã gieo sạ 18.500 ha, hiện đã thu hoạch trên 16.000 ha chiếm gần 90% diện tích, với năng suất bình quân 55,5 tạ/ha (tăng 3,5 tạ/ha so vụ Hè Thu 2023).
Do bước vào mùa mưa nên khâu thu hoạch chậm tiến độ so với kế hoạch; hiện còn gần 2.000 ha diện tích lúa Hè Thu đang thu hoạch ở xã Mỹ Quới và xã Mỹ Bình, ngành chuyên môn đang phối hợp với chính quyền địa phương triển khai nhiều giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ thu hoạch cho nông dân.
Cụ thể, tăng cường bơm tát tại các trạm bơm điện, bơm dầu; vận động người dân (khu vực ngoài đê bao) cùng nhau va cố bờ vùng, bờ thửa để đặt máy bơm tiêu thoát nước, huy động máy gặt đập tại chỗ và địa phương khác tranh thủ thời tiết không mưa để thu hoạch lúa cho nông dân.
Theo lãnh đạo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Sóc Trăng, vụ lúa Hè Thu năm 2024 toàn tỉnh Sóc Trăng gieo sạ 140.436 ha, vượt 0,8% so với kế hoạch sản xuất; nông dân Sóc Trăng chủ yếu sử dụng các giống chủ lực như: OM5451, OM18, OM34, Đài Thơm 8, nhóm ST… Hiện đã thu hoạch khoảng 31.843 ha, tập trung tại các huyện Mỹ Tú, Thạnh Trị, Châu thành, Kế Sách, thị xã Ngã Năm, với năng suất bình quân ước đạt 54,8 tạ/ha, sản lượng 174.500 tấn.
Cũng theo lãnh đạo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Sóc Trăng, giá lúa thường trong tuần qua tiếp tục tăng nhẹ 25 - 225 đồng/kg, riêng lúa đặc sản không biến động về giá. Cụ thể, giá lúa thường dao động từ 7.000 - 7.650 đồng/kg, giá lúa thơm nhẹ 7.400 - 7.600 đồng/kg và giá lúa đặc sản từ 7.600 - 9.400 đồng/kg; với giá lúa như hiện nay nông dân thu hoạch lúa Hè Thu đều đảm bảo lợi nhuận khá.
Lãnh đạo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Sóc Trăng cũng cho biết, hiện diện tích lúa Hè Thu chưa thu hoạch đang nhiễm dịch hại khoảng 9.023 ha, các diện tích nhiễm sâu bệnh ở mức độ nhiễm nhẹ đến trung bình, riêng bệnh đạo ôn lá có xuất hiện diện tích nhiễm nặng.
Ngành chuyên môn tỉnh Sóc Trăng cũng khuyến cáo, do thời tiết mưa nhiều, độ ẩm không khí cao là điều kiện thuận lợi cho các loại bệnh phát sinh và gây hại như, đạo ôn, cháy bìa lá, thối thân, lem lép hạt... Do vậy, nông dân nên thường xuyên thăm đồng nhằm phát hiện sớm bệnh và xử lý kịp dịch bệnh để đảm bảo năng suất ở cuối vụ./.
Tại tỉnh Trà Vinh, nông dân cũng phấn khởi nhờ vụ lúa Hè Thu năm 2024 đang thu hoạch đạt năng suất 5,2 tấn/ha, cao hơn cùng kỳ 0,1 tấn/ha và giá lúa được thương lái thu mua cao hơn 200 đồng/kg so với đầu tháng 7/2024.
Ông Nguyễn Văn Thành, xã Tân An, huyện Càng Long cho biết, gia đình vừa thu hoạch 1,2 ha lúa Hè Thu vào đàu tháng 8/2024, năng suất lúa đạt bình quân 5,2 tấn/ha. Giá lúa tươi Đài Thơm 8 được thương lái thu mua tại ruộng 8.100 đồng/kg, tăng 200 đồng/kg so với 5 ngày trước đó. Với giá lúa như hiện tại, sau khi trừ các chi phí sản xuất, ông Thành có lợi nhuận khoảng 3.000 đồng/kg.
Theo ông Thành, vụ lúa Hè Thu năm nay hầu hết nông dân ở xã Tân An làm theo khuyến cáo của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện sử dụng giống lúa các giống lúa chất lượng cao, đạt chuẩn xuất khẩu như: OM5451, OM 4.900 Đài Thơm 8, ST 25 cho năng suất cao, được thương lái ưa chuộng thu mua.
Theo ông Lê Văn Đông, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh, vụ lúa Hè Thu năm nay, hầu hết nông dân sử dụng giống mới, giống xác nhận, có thời gian sinh trưởng phù hợp từng địa phương theo đúng khuyến cáo của ngành nông nghiệp. Các giống lúa như: OM18, OM 4.900, OM5451, Đài Thơm 8, ST5, ST24, ST25… là những giống lúa có năng suất và chất lượng cao, có ưu thế cứng cây, ít đổ ngã, chống chịu sâu bệnh và hạn mặn tốt.
Qua khảo sát trong tuần đầu của tháng 8/2024, tại các vùng nước ngọt của huyện Càng Long, Cầu Kè, nông dân đã thu hoạch hơn 2.000 ha lúa Hè Thu sớm, năng suất đạt 5,12 - 5,2 tấn/ha. Hiện tổng diện tích lúa Hè Thu còn lại hơn 66.000 ha có khoảng hơn 2.000 ha đã chín sắp thu hoạch, hơn 53.000 ha đang trỗ và giai đoạn cúi bông, số diện tích còn lại trong giai đoạn đẻ nhánh và đang phát triển rất tốt. Dự báo ở vụ lúa Hè Thu năm nay ước cho năng suất bình quân khoảng 5,2 tấn/ha, tương đương và cao hơn cùng kỳ 0,1 tấn/ha.
Để vụ lúa Hè Thu 2024 đạt năng suất, tránh bất lợi khi gặp thời tiết mưa bão, ngành nông nghiệp tỉnh Trà Vinh khuyến khích nông dân chủ động gia cố bờ ruộng để chủ động bơm tát tháo úng khi gặp mưa nhiều. Đối với diện tích lúa đang đẻ nhánh nông dân cần tích cực thăm đồng, kịp thời phòng trị sâu rầy và các bệnh đốm vằn hại lúa.
Theo TTXVN
Mọi phản ánh, ý kiến, tin, bài và hình ảnh cộng tác của độc giả có thể gửi đến Báo An Giang theo địa chỉ: