Nông dân miền núi sản xuất theo hướng đặc thù

22/06/2022 - 05:12

Nắm bắt được nhu cầu thị trường, nông dân huyện miền núi Tịnh Biên (tỉnh An Giang) đã mạnh dạn chuyển đổi sản xuất, áp dụng khoa học - kỹ thuật để tạo “lối đi riêng” cho mình. Nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp tại huyện Tịnh Biên đã mang lại nguồn thu khá, góp phần vào mục tiêu phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn tại địa phương.

Quýt hồng trở thành cây trồng cho giá trị kinh tế cao trên núi Cấm

Tham gia làm ăn tập thể

Thực hiện chủ trương của ngành nông nghiệp huyện Tịnh Biên về phát triển kinh tế tập thể, các thành viên trong Chi hội ươm giống cây trồng ấp Tân An (xã Tân Lập) đã tận dụng diện tích đất bờ kênh và đất trống xung quanh nhà để ươm cây chúc, cây si-rô giống bán cho người có nhu cầu. Từ mục tiêu “có thêm thu nhập” trong lúc nông nhàn, mô hình này đã mang lại hiệu quả kinh tế khá và ổn định, với mức thu nhập bình quân từng thành viên trong chi hội đạt khoảng 35 triệu đồng/người/năm, sau khi trừ tất cả chi phí.

Ông Phạm Thái Dũng (Chi hội phó Chi hội ươm giống cây trồng ấp Tân An) cho hay: “Việc tham gia chi hội giúp các thành viên có điều kiện trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về kỹ thuật, biện pháp canh tác trong quá trình sản xuất và kinh doanh các loại cây giống. Từ đó, giúp anh em nâng cao tay nghề, cho ra những sản phẩm cây giống chất lượng và nhận được sự tin tưởng của khách hàng nhiều nơi. Nếu không có ảnh hưởng của dịch COVID-19, hoạt động của chi hội đã phát triển tốt hơn rất nhiều. Hiện nay, chúng tôi đang nỗ lực khôi phục, phát triển, mở rộng quy mô sản xuất cây giống của từng thành viên để đáp ứng nhu cầu thị trường. Với mức thu nhập khá vào những lúc nông nhàn, giúp nông dân trang trải được một phần chi phí trong gia đình, trong khi nguồn thu chính từ cây lúa vẫn đảm bảo”.

Theo lời ông Dũng, để mô hình phát triển tốt hơn, các thành viên trong chi hội cần phải phát huy tinh thần đoàn kết, không ngừng học hỏi khoa học - kỹ thuật, thích ứng với thị trường, mạnh dạn đầu tư sản xuất - kinh doanh vào các lĩnh vực có tiềm năng phát triển của địa phương. Bên cạnh đó, phải có ý chí quyết tâm, cần cù, sáng tạo, siêng học, siêng làm và làm có hiệu quả trong sản xuất - kinh doanh để phát triển kinh tế gia đình, đóng góp vào sự phát triển của địa phương.

“Nhằm tạo điều kiện để Chi hội ươm giống cây trồng ấp Tân An hoạt động hiệu quả hơn, rất cần sự quan tâm, hỗ trợ của ngành nông nghiệp và Hội Nông dân các cấp về kỹ thuật, nguồn vốn vay và nhất là kết nối đầu ra ổn định cho sản phẩm cây giống, để các thành viên có điều kiện phục hồi và mở rộng quy mô sản xuất, hướng đến nguồn thu khá hơn từ việc ươm giống cây trồng trong thời gian tới” - ông Dũng đề xuất.

Phát triển cây trồng đặc thù

Bên cạnh tham gia làm ăn tập thể, nông dân vùng núi Tịnh Biên còn tiếp cận với những cây trồng theo hướng đặc thù. Hiện nay, mô hình trồng bơ, dâu, sầu riêng đang trở thành “thương hiệu” của nông dân núi Cấm. Dù vậy, cây quýt hồng vẫn cho giá trị kinh tế cao và phát triển khá tốt trên “nóc nhà của miền Tây”. Trên núi Cấm có 25 hộ dân đang canh tác quýt hồng với diện tích hơn 20ha và đã hình thành Tổ hợp tác (THT) trồng quýt hồng núi Cấm.

Ông Nguyễn Hồng Hữu, nông dân ấp Vồ Bà (xã An Hảo), thông tin: “Tôi đang canh tác khoảng 8.000m2 quýt hồng trên núi Cấm. Thực tế, quýt hồng đã bén duyên với đất núi hơn 20 năm, nhưng để thực sự trở thành cây trồng mang đến giá trị kinh tế cao thì chỉ mới hơn chục năm nay. Với điều kiện thời tiết mát mẻ, cây quýt hồng phát triển rất tốt và cho năng suất cao. Bình quân mỗi năm, nông dân trên núi Cấm xuất bán xuống đồng bằng khoảng 150 tấn trái phục vụ mùa Tết và mang lại nguồn thu bình quân khoảng 70 triệu đồng/hộ”.

Cũng theo ông Hữu, với sự hỗ trợ của ngành nông nghiệp huyện và Hội Nông dân các cấp đã giúp thành viên trong THT trồng quýt hồng núi Cấm được tiếp cận khoa học - kỹ thuật, nguồn vốn vay cũng như phương pháp canh tác hữu cơ, cung cấp cho thị trường sản phẩm sạch, được người tiêu dùng ưa chuộng. “Bên cạnh hiệu quả kinh tế mà cây quýt hồng mang lại, người trồng cũng gặp nhiều khó khăn trong quá trình canh tác, nhất là thiếu nước tưới vào đầu vụ. Đặc biệt, thời điểm xử lý ra hoa cần rất nhiều nước nhưng lại rơi vào mùa khô hàng năm. Mặc dù các thành viên THT tích cực trao đổi, chia sẻ nhưng năng suất, chất lượng trái ở mỗi vườn chưa đồng đều, hiệu quả cũng khác nhau” - ông Hữu phân tích.

Dù nguồn thu giữa các nhà vườn có khác nhau nhưng cây quýt hồng vẫn mang đến giá trị kinh tế khá và được nông dân núi Cấm quan tâm. Bởi lẽ, đây là mô hình giúp khai thác được thế mạnh thổ nhưỡng đặc thù, lại áp dụng các biện pháp canh tác hữu cơ nên có thể gắn với hoạt động du lịch. Ngoài ra, các vườn quýt hồng chủ yếu phục vụ thị trường Tết nên nguồn thu cũng ổn định, giúp nông dân yên tâm canh tác lâu dài.

“Chúng tôi mong muốn sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của Hội Nông dân các cấp, của ngành nông nghiệp địa phương để tiếp tục phát triển mô hình trồng quýt hồng theo hướng chất lượng, an toàn hơn. Qua đó, giúp nông dân xứ núi tận dụng được thế mạnh đặc thù để nâng cao thu nhập từ chính mảnh vườn của mình” - ông Nguyễn Hồng Hữu đề xuất.

MINH QUÂN