Nông dân làm YouTube
Hơn 5 năm trước, anh Đỗ Chí Nam (xã Phú Thành, huyện Phú Tân) thử nghiệm trồng các loại rau thủy canh. Sản phẩm không chỉ được đón nhận nhờ trồng theo hướng hữu cơ, mô hình của anh còn được chú ý vì cho thu nhập khá trên diện tích khiêm tốn, tận dụng hệ thống giàn ống nhựa nhiều tầng. Nắm bắt nhu cầu khách hàng, anh Nam nghiên cứu để tối ưu hóa hệ thống giàn rau, thiết kế đa dạng và chuyển trọng tâm sang cung cấp vật tư trồng rau. Song song đó, anh thử nghiệm thêm nhiều cây trồng mới trên hệ thống thủy canh, như: Dưa leo Nhật, dâu tây, dưa lưới, cải bó xôi…
Hầu hết kỹ thuật trồng, làm thuốc trừ sâu sinh học đều do anh học hỏi trên mạng. Tham khảo từ nhiều nguồn, anh lựa chọn những kiến thức phù hợp với điều kiện đang làm, đồng thời vừa thử nghiệm, vừa đúc kết kinh nghiệm cá nhân. Lần lượt các loại rau, trái được anh trồng thành công với số lượng nhỏ để minh chứng khả năng sinh trưởng đa dạng trên hệ thống giàn, từ thủy canh có giá thể đến thủy canh không cần giá thể.
Mỗi ngày, anh Nam vào thăm vườn luôn kè kè theo chiếc điện thoại trên tay. Hết chụp ảnh, quay clip thì anh video call (gọi điện thoại có hình ảnh) với khách hàng, trực tiếp giới thiệu và trao đổi về mô hình khách đang quan tâm. Thông qua mạng xã hội Facebook, Zalo, YouTube, khách hàng của anh mở rộng ở nhiều tỉnh. Thu nhập thông qua bán trực tuyến giúp anh Nam kiếm được khoảng 15 triệu đồng/tháng. Đó là chưa kể nguồn thu từ kênh YouTube của anh, với hơn 3.800 người đăng ký, mỗi video thu hút 1.000 đến hơn 10.000 lượt xem.
Một buổi “tác nghiệp” tư vấn trực tuyến cho khách hàng của anh Đỗ Chí Nam
“So với giai đoạn trước, hiện nay bán vật liệu khỏe hơn. Rau thu hoạch phải lệ thuộc giá cả, tâm lý người mua, vì ở vùng nông thôn người tiêu dùng không dễ chấp nhận mua rau sạch, giá thành cao. Trong khi đó, bán nguyên vật liệu tôi tự quay dựng các video, căn cứ nhu cầu của khách sẽ tư vấn không gian phù hợp, kỹ thuật trồng. Khách hàng là những người ở thành thị ngày càng nhiều” - anh Nam chia sẻ.
Nhiều nguồn thu hơn
Chọn làm vườn là nghề phụ mấy năm nay, nhưng các khoản thu nhập đem lại cho gia đình anh Nguyễn Văn Út (xã Bình Mỹ, huyện Châu Phú) vượt trội hơn “nghề tay phải” đáng kể. Một mặt liên kết với người thân để cung ứng cây giống, mặt khác anh tự trồng thử nghiệm hàng chục loại cây mới trong vườn và đăng trên mạng xã hội Facebook, Zalo để bán. Thương hiệu “Vườn Út Trang” đã được nhiều người biết đến. Không chỉ minh họa các loại cây bằng hình ảnh, thông tin, mà anh còn minh chứng sinh động bằng các clip cụ thể từng giai đoạn cây sinh trưởng, ra hoa, kết trái, thu hoạch… và được khách hàng tin tưởng ủng hộ.
Đặc biệt, chọn cung ứng các loại trái cây mới, gia đình anh Út hiểu rõ tâm lý băn khoăn của nông dân. Mỗi loại cây đều được trồng số ít trong vườn và sẵn sàng mời người dân đến tham quan, tìm hiểu kỹ thuật, nhất là cam kết thuần hóa cây phù hợp thời tiết, thổ nhưỡng, đảm bảo cây sống, ra trái. Từ cây chà là, cherry, sapoche, mít đỏ, nho thân gỗ, ổi tím, nhãn tím… đều lần lượt thành công. Số trái cây thu hoạch được bán để vừa có thêm nguồn thu, vừa để khách hàng thưởng thức và đánh giá khách quan.
Nhờ sức hút của các loại cây ăn trái mới lạ, anh Út cải tạo khu vườn của mình thành điểm tham quan cho nhiều người đến trải nghiệm. Trang Facebook cá nhân trở thành kênh quảng bá hiệu quả, thu hút khá nhiều người ngoài tỉnh tìm đến, thoải mái lựa cây giống và xem các cây trồng thí điểm tại chỗ. Ngoài “cây nhà, lá vườn”, gia đình anh Út bán thêm các loại đặc sản thu mua từ cơ sở khác, vừa có thêm đồng lời, vừa phục vụ món ăn phong phú cho khách tại vườn.
Chị Diễm Trang (vợ anh Út) cho biết, kinh doanh trên mạng, ngoài tiện lợi tiếp cận được khách hàng rộng lớn, không thể loại trừ những rủi ro ảnh hưởng đến hàng hóa, lỗ đơn hàng. Chẳng hạn, nhiều người đặt đơn hàng có địa chỉ, số điện thoại rõ ràng, nhưng khi giao hàng thì không nhận, không liên lạc được. Để hạn chế rủi ro, với những khách hàng mới, chị yêu cầu đặt cọc số tiền nhỏ đủ để bù vào chi phí vận chuyển. Với những khách hàng thân thiết, chị thường tặng thêm các món trái cây tại vườn trong đơn để tri ân.
Gắn bó nhiều năm với nghề làm vườn, chị Diễm Trang nhận định, công nghệ số đã giúp nông dân hưởng nhiều lợi ích khi làm nông. Ngày trước, đến thời điểm thu hoạch hay xuất bán vật nuôi, nông dân điện thoại cho thương lái đến xem, sau đó 2 bên mới trao đổi mua bán. Còn bây giờ chỉ cần chụp hình, quay clip sản phẩm, trao đổi giữa bên mua - bán nhanh chóng về giá cả. Kể cả những đơn hàng giao cho khách mà chưa biết mặt, đối tác có thể chụp hình tình trạng sản phẩm, tổn thất, sự cố… đều được đổi trả, bù hàng thỏa đáng.
Không chỉ làm nông nghiệp khỏe hơn, khi đã xây dựng được uy tín, tận dụng mạng xã hội, nông dân đã tạo dựng hình ảnh và thương hiệu cho chính mình. Từ đó, khai thác bằng nhiều cách để tăng nguồn thu nhiều hơn, mang lại giá trị kinh tế vượt trội cho nông hộ.
MỸ HẠNH