Phát triển về số lượng và chất lượng
Để thúc đẩy phong trào nông dân SXKD giỏi phát triển bền vững, thời gian qua, Hội Nông dân xã Núi Tô phối hợp các ngành chức năng chủ động tìm hiểu những cây trồng, vật nuôi đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân và phù hợp với đặc điểm của từng địa phương. Ngoài ra, hội đã phối hợp tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật (KHKT) trên cây trồng, vật nuôi; hỗ trợ vay vốn phát triển sản xuất, chăn nuôi; tổ chức các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn, xây dựng quỹ Hỗ trợ nông dân… giúp nông dân có điều kiện phát triển kinh tế.
Những hoạt động thiết thực trên đã giúp nhiều hộ nông dân mạnh dạn đổi mới cách làm, tích cực chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng tiến bộ KHKT và công nghệ mới vào sản xuất. Từ đó đã xuất hiện nhiều gương điển hình trong SXKD giỏi với mức thu nhập từ vài chục triệu đồng đến hàng tỷ đồng/năm, tiêu biểu có thể kể đến như gia đình ông Nguyễn Thành Tân (sinh năm 1963, nông dân ấp Tô Thủy, xã Núi Tô). Ông Tân cho biết, gia đình ông có 3 nhân khẩu, diện tích đất canh tác 1ha, làm 3 vụ lúa. Trước đây, việc sản xuất nông nghiệp của gia đình ông không mang lại hiệu quả do chưa nắm bắt kỹ thuật, công nghệ. Nhờ tích cực tham gia các buổi hội thảo, tập huấn các lớp “1 phải, 5 giảm”, “3 giảm, 3 tăng”… do Hội Nông dân tổ chức, ông Tân đã mạnh dạn áp dụng ngay vào thực tiễn sản xuất và đã mang lại hiệu quả khả quan. Hiện nay, ngoài canh tác lúa, gia đình ông Tân còn phát triển thêm các mô hình chăn nuôi, thu nhập hàng năm khoảng 200 triệu đồng. “Gia đình tôi có cuộc sống ổn định, nhà cửa khang trang, đồ dùng sinh hoạt trong gia đình đầy đủ tiện nghi, con cái được học hành đến nơi đến chốn. Theo tôi, muốn sản xuất đạt hiệu quả kinh tế cao cần phải có tính kiên trì, chịu khó học hỏi những tiến bộ KHKT về áp dụng mới đem lại hiệu quả cao và cần có sự đầu tư hỗ trợ về vốn vay kịp thời từ các ban, ngành, đoàn thể để giúp nông dân thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng” - ông Tân chia sẻ.
Ngoài ông Tân, xã Núi Tô còn nhiều điển hình nông dân vươn lên làm giàu với mức doanh thu đạt từ 130 triệu đồng - 1,8 tỷ đồng/năm như các ông: Chau Âm, Chau Sóc Kha (ấp Tô Thuận), Chau Sê (ấp Tô Hạ), Huỳnh Văn Chung, Chau Sóc Sol (ấp Tô Trung), Đặng Thái Hiện (ấp Tô Thủy)… Ngoài việc đi đầu trong lĩnh vực sản xuất, nông dân giỏi trong xã còn tích cực tham gia phong trào xã hội - từ thiện, đền ơn đáp nghĩa, tham gia Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới với nhiều việc làm thiết thực, mang nhiều ý nghĩa nhân văn sâu sắc như: đóng góp làm cầu, đường, đổ đá bụi lộ giao thông liên ấp, giúp đỡ tương trợ nhau trong sản xuất, ốm đau, vui xuân đón Tết... với tổng số tiền trên 1,28 tỷ đồng cùng 850 ngày công lao động.
Đến nay, xã Núi Tô có 25 nông dân giỏi cấp tỉnh, 79 nông dân giỏi cấp huyện và 248 nông dân giỏi cấp xã. Tỷ lệ nông dân giỏi 3 cấp đạt 66,39% so với số hộ nông dân đăng ký. Số nông dân giỏi người dân tộc thiểu số Khmer là 257 người, chiếm tỷ lệ 48,49%; nông dân giỏi là hội viên 195 người, đạt tỷ lệ 55,3%.
Đổi mới và nâng cao chất lượng
Mặc dù còn nhiều khó khăn, hạn chế nhưng phong trào nông dân SXKD giỏi tại xã Núi Tô đã có nhiều tác động tích cực đến đời sống vật chất và tinh thần của người dân. Theo Hội Nông dân xã Núi Tô, phong trào nông dân SXKD giỏi đã tập hợp được nông dân trở thành một lực lượng nòng cốt, đi đầu trong sản xuất, thực hiện có hiệu quả chương trình giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới. Làm thay đổi tập quán sản xuất của nông dân qua việc ứng dụng các tiến bộ KHKT vào sản xuất, chăn nuôi và dịch vụ tiểu thủ công nghiệp. Bên cạnh đó, giúp nông dân có nhận thức tốt hơn về kinh tế thị trường, tạo được niềm tin và nối kết giữa nông dân với Đảng, nhà nước thông qua chính sách đầu tư hỗ trợ của nhà nước đối với nông dân…
Thời gian tới, Hội Nông dân xã sẽ tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào thi đua SXKD, đoàn kết giúp nhau giảm nghèo và làm giàu chính đáng; tăng cường hỗ trợ nông dân ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất; định hướng sản xuất theo xu thế, tín hiệu của thị trường. Đồng thời, tích cực vận động hội viên, bà con nông dân đổi mới tư duy sản xuất phải gắn với tiêu thụ; thay đổi mạnh mẽ tập quán canh tác lạc hậu; hình thành thói quen tiêu dùng, sử dụng sản phẩm sạch, an toàn… góp phần thực hiện có hiệu quả Chương trình “Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2012-2020 tầm nhìn đến 2030” của Đảng bộ huyện Tri Tôn đã đề ra.
ĐÌNH ĐỨC