Nông dân xã Vĩnh Hanh thi đua sản xuất - kinh doanh giỏi

06/08/2019 - 07:01

 - Những năm qua, phong trào nông dân thi đua sản xuất - kinh doanh (SXKD) giỏi được Hội Nông dân xã Vĩnh Hanh (Châu Thành) triển khai thực hiện sâu rộng, với nhiều mô hình sản xuất hiệu quả. Qua đó, phát huy tính năng động, sáng tạo trong lao động sản xuất, không chỉ góp phần cải thiện đời sống cho chính nông dân, mà còn thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển.

Ông Huỳnh Ngọc Bảo chuẩn bị giao chanh cho thương lái

Chủ tịch Hội Nông dân xã Vĩnh Hanh Lý Phước Đều cho biết, thời gian qua, phong trào thi đua nông dân SXKD giỏi được Hội Nông dân xã chú trọng triển khai thực hiện một cách sâu rộng và đạt được những kết quả khả quan. Giai đoạn 2016-2019, toàn xã Vĩnh Hanh có 2.177 lượt cá nhân và 3 tập thể giỏi 3 cấp, trong đó cấp tỉnh có 263 cá nhân, cấp huyện 356 cá nhân, cấp xã 1.558 cá nhân và 3 tập thể giỏi cấp huyện, xã. Nông dân trên địa bàn xã không những đẩy mạnh và ứng dụng thành công những tiến bộ khoa học - kỹ thuật (KHKT) vào sản xuất, góp phần đẩy nhanh tiến trình chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp trên địa bàn, mà còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội - từ thiện, chung sức xây dựng quê hương, đóng góp vào tiến trình xây dựng nông thôn mới ở địa phương. Từ năm 2016 đến nay, Hội Nông dân xã phối hợp mặt trận, đoàn thể, chính quyền địa phương cất 47 căn nhà cho người nghèo, cận nghèo; tu sửa 7 cây cầu và nâng cấp hàng chục km đường lộ giao thông nông thôn… với tổng kinh phí gần 2 tỷ đồng.

Có thể thấy, phong trào nông dân thi đua SXKD giỏi trên địa bàn xã Vĩnh Hanh thời gian qua đã nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương. Qua đó, góp phần đẩy mạnh tiến trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Nhiều “hai lúa” đã mạnh dạn chuyển dịch cơ cấu cây trồng, liên kết, hợp tác trong SXKD mang lại hiệu quả kinh tế cao được địa phương duy trì và nhân rộng. Tiêu biểu, như: mô hình trồng lúa kết hợp dịch vụ nông nghiệp của ông Lê Văn Lợi (ấp Vĩnh Thuận) mang lại lợi nhuận trên 100 triệu đồng/năm; mô hình nuôi cá lóc giống và cá thác lác cườm của ông Hồ Văn Sở (ấp Vĩnh Lợi), với tổng lợi nhuận đạt trên 100 triệu đồng/năm. Ngoài ra, còn phải nhắc đến mô hình làm ăn hợp tác hiệu quả của Tổ hợp tác trồng hoa ấp Vĩnh Phúc, với 30 thành viên canh tác trên 3ha, thu nhập bình quân mỗi hộ từ 50-60 triệu đồng/năm…

Thực hiện chủ trương tái cơ cấu nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xã Vĩnh Hanh đã vận động, hỗ trợ nông dân chuyển đổi đất vườn tạp, đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng rau màu và cây ăn trái. Điển hình, như: gia đình ông Huỳnh Ngọc Bảo (ngụ ấp Vĩnh Thuận) đã mạnh dạn chuyển đổi 1ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây chanh không hạt, kết hợp trồng bưởi da xanh. Sau hơn 1 năm trồng và chăm sóc, mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao, đem về lợi nhuận cho gia đình ông trên 100 triệu đồng/năm từ thu hoạch chanh. Ông Huỳnh Ngọc Bảo cho biết, chi phí đầu tư cho mô hình không quá cao, khoảng 100 triệu đồng cho 1 năm rưỡi chăm sóc là bắt đầu thu hoạch chanh, sau 3 năm sẽ thu hoạch bưởi. Hiện nay, trung bình mỗi tháng, gia đình ông thu hoạch khoảng 1,2-1,5 tấn chanh, bán cho thương lái, với giá từ 12.000-22.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, ông Bảo thu lãi trên 100 triệu đồng/ha/năm, chưa kể lợi nhuận từ bưởi da xanh mang lại (chuẩn bị thu hoạch bưởi). “Thời gian tới, tôi dự định sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình này thêm 1ha. Đồng thời, tiếp tục học tập, tham gia các lớp tập huấn chuyển giao KHKT để áp dụng hiệu quả hơn. Tuy nhiên, điều tôi lo lắng nhất vẫn là giá cả còn quá bấp bênh” - ông Bảo cho hay.

Chủ tịch Hội Nông dân xã Vĩnh Hanh Lý Phước Đều cho biết, thời gian tới, Hội Nông dân xã tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua SXKD giỏi gắn với xây dựng nông thôn mới và thực hiện có hiệu quả các chính sách an sinh - xã hội. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền vận động, hỗ trợ các hộ nông dân trên địa bàn tập trung chuyển đổi diện tích đất vườn tạp, đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các loại rau màu và cây ăn trái phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng ở địa phương. Bên cạnh đó, phối hợp ngành chức năng thường xuyên tổ chức các lớp dạy nghề, giới thiệu việc làm cho lao động trên địa bàn; vận động nông dân ứng dụng những tiến bộ KHKT vào sản xuất nông nghiệp; duy trì và nhân rộng những mô hình làm ăn tiêu biểu, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Bài, ảnh: MINH TRÍ